Tự chủ đại học, không đơn thuần là vấn đề tài chính
EmailPrintAa
22:33 11/01/2019

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều thay đổi so với Luật GDĐH trước đó. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là việc giao quyền tự chủ cho các trường, được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ để đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH.

Quyền tự chủ chính thức được luật hóa

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật GDĐH sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2019. Trả lời báo chí, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Phó trưởng ban Soạn thảo Luật GDĐH sửa đổi, cho biết: So với Luật GDĐH hiện hành, Luật GDĐH sửa đổi đã thay thế 4 nhóm chính sách lớn. Trong đó, chính sách lớn nhất, bao trùm lên toàn bộ các vấn đề được sửa đổi, bổ sung là mở rộng tự chủ và nâng cao tự chủ của toàn hệ thống. Cùng với nâng cao tự chủ là những chính sách đi kèm, như: Đổi mới quản trị đại học, kiện toàn hội đồng trường, chú trọng phát triển hệ thống, khuyến khích các trường kết hợp với nhau thành các đại học lớn để cộng lực và hợp tác phát triển…

Sinh viên tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2018 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) tổ chức.

Như vậy, từ chỗ chỉ có 5 đại học (cấp quốc gia, cấp vùng) và 23 trường đại học tự chủ ở mức cao, nay luật quy định mở rộng trong toàn hệ thống. PGS, TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đánh giá: Thay cho việc thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017 như các trường đang làm, thì trong thời gian tới, việc tự chủ đại học sẽ chính thức được luật hóa và mở rộng phạm vi. Điều này tạo hành lang pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH. Luật cũng quy định cơ bản về hội đồng trường, quyền tự chủ toàn diện về tài chính, chuyên môn, học thuật, cơ cấu tổ chức nhân sự… Đây là cơ hội để ngày càng nhiều trường sau khi thí điểm tự chủ sẽ thực hiện theo cơ chế tự chủ được quy định trong luật, còn những trường đã thực hiện tự chủ như Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ mở rộng thêm quyền tự chủ.

Cùng với việc tạo cơ hội cho các trường tự chủ đầu tư để phát triển có trọng điểm nhiều lĩnh vực, như: Chương trình đào tạo, tuyển sinh, kiểm định chất lượng… PGS, TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, cho rằng: "Luật GDĐH sửa đổi được thông qua sẽ "cởi trói" để các trường có thể chủ động phát triển theo hướng xác định ở tầm nhìn và sứ mệnh của đại học nghiên cứu, đại học thực hành hay đại học ứng dụng... Đặc biệt, trong tự chủ về đội ngũ, về đánh giá và các vấn đề liên quan đến người học sẽ là bước đột phá để phát triển trường nếu có sự chủ động, kế hoạch hóa và sự tích cực từ sức mạnh tổng thể. Từ nhiều năm qua, việc định hướng tự chủ đã được Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh quan tâm. Sự tích lũy về kinh nghiệm, chuẩn bị và giao quyền trong thời điểm này là rất quan trọng để nhà trường có thể phát triển, thực hiện tự chủ đúng nghĩa và hiệu quả”.

Thách thức nâng cao chất lượng đào tạo

Luật GDĐH sửa đổi được thông qua mang lại cơ hội cho các cơ sở GDĐH. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, đây cũng là thách thức buộc các trường phải nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng đào tạo. Bởi một điểm đáng chú ý ở Luật GDĐH sửa đổi là cho phép các trường đại học nhỏ sáp nhập với nhau để tăng sự cạnh tranh. Theo PGS, TS Trần Văn Tớp, trong bối cảnh nhiều trường không tuyển đủ sinh viên, nếu như vài năm tới, các trường này vẫn rơi vào tình trạng không tuyển được và thiếu nhiều thì việc tiếp tục duy trì hoạt động của trường là rất khó. Hiện nay, sau 3-4 năm thực hiện thí điểm tự chủ, kể cả các trường sư phạm cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh. Điều này có nghĩa, việc kết hợp với nhau thành các đại học lớn sẽ tối ưu hóa nguồn lực, sử dụng nguồn lực hiệu quả để GDĐH phát triển mạnh mẽ hơn. Sự sáp nhập này không phải là cơ học mà là cơ hữu. Luật cũng mở ra cơ hội để các trường nghiên cứu về sáp nhập và xem xét lại mô hình.

Khi thực hiện tự chủ, nhiều người quan tâm tới việc tự chủ tài chính, nghĩa là các trường sẽ tự tăng học phí. Thực tế, có nhiều trường khi thí điểm tự chủ đã tự ý tăng học phí dẫn tới tình trạng không thu hút được sinh viên. Về vấn đề này, Luật GDĐH cũng ghi rõ, nhà trường phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình, đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán, thực hiện công khai về chất lượng, mức học phí, các khoản thu dịch vụ cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo.

Theo GS, TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: Mặc dù luật cho phép các trường tự định ra mức học phí, nhưng các trường nên cân nhắc tăng mức học phí trên điều kiện người học có khả năng chi trả tương đương với chương trình đào tạo. Việc thực hiện tự chủ phải dung hòa giữa chất lượng đào tạo, học phí và chất lượng sinh viên ra trường. Muốn làm được như vậy, các cơ sở GDĐH phải nâng cao chất lượng đào tạo, để người học thực sự thấy khi nhà trường tăng học phí, người học được bảo đảm điều kiện học tập với chất lượng đào tạo tốt hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhìn nhận: "Trong thời đại hiện nay, xu hướng tự chủ sẽ tạo điều kiện cho các trường đại học phát huy hết năng lực. Tuy nhiên, để thực hiện tự chủ, các trường phải xây dựng đề án, thực hiện theo lộ trình, đưa ra chiến lược, chính sách tốt nhất để vừa có thể bảo đảm chất lượng đào tạo, vừa bảo đảm thu hút người học. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo phải thiết thực, bổ ích, đáp ứng nhu cầu của người học và của doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng".

PGS, TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, các trường đại học nên thay đổi chương trình đào tạo theo quán tính chậm chứ không phải thích thì thay đổi, chạy theo nhu cầu xã hội mang tính nhất thời. Quan trọng nhất là tạo nền tảng vững chắc cho sinh viên về kỹ năng tự học để sau khi ra trường, người học vẫn có thể tự học, thích nghi với những thay đổi rất nhanh của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Nguyễn Hoài/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc