Có hồn nhiên, thật thà mà cũng có mơ hồ, ngộ nhận, có ma quái, lừa gạt... giống như những gì trong xã hội đang có, đang diễn ra. Phải biết cách ứng xử, chọn lọc, phải có trách nhiệm trong tiếp nhận, lan truyền thông tin và đưa thông tin lên mạng-điều này là thực sự cần thiết, thậm chí là cấp thiết. Song, thế nào là biết cách ứng xử? Ứng xử với MXH có cần học, cần dạy, hướng dẫn? Và ai làm việc đó?
Ảnh minh họa. Nguồn: vietnamhoinhap.vn
Người ta từng ví MXH như hằng hà sa số sao trên trời hoặc như biển lớn thông tin có vùng yên ả, có sóng to, bão lớn đủ chiều. Nhưng loài người cũng tìm cách phân biệt sao tốt, sao xấu, tìm cách truyền cho nhau kinh nghiệm gối sóng, lựa gió mà đi. Vậy thì, xã hội cũng cần, cũng phải tìm cách hướng dẫn, bảo ban nhau để an lành, sống tốt trước những ma trận hỗn độn của MXH.
Sau biết bao rắc rối, bức xúc và cả tội tình gây nên trên không gian mạng, thời gian gần đây, liên tiếp các video clip về “nhịp sống miền núi” do những người trẻ ở vùng cao đưa lên mạng với những cảnh đốt lửa tùy tiện giữa rừng, săn bắt, làm thịt và cả ăn sống chim thú rừng như cuộc sống nguyên sơ, nguyên thủy gây phản cảm, ghê sợ cho người xem. Sự thể vi phạm luật pháp, lạc hậu, phản nhân văn như vậy mà kênh này, kênh nọ thu hút hạng vạn người theo dõi và cả triệu người xem. Rất tiếc là chỉ có lác đác những ý kiến tỏ thái độ bất bình, phản đối. Nghĩa là cộng đồng mạng vẫn chuộng lạ, thờ ơ, rất ít người chủ động phê phán, ngăn chặn.
Mới nhất, cuối tuần qua, tại liên hoan báo cáo viên do Trung ương Đoàn tổ chức, các đại biểu từ những vùng nông thôn, dân tộc, miền núi đã nêu rõ thực trạng tích cực và tiêu cực trong những người trẻ khi sử dụng MXH. Trong đó, sự thiếu ý thức, mất kiểm soát, vô tình cổ xúy cho những hành vi, trào lưu không lành mạnh diễn ra là phổ biến. Cũng tại liên hoan này, một lần nữa các đại biểu tập trung nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng các diễn đàn, trang mạng có hình thức hấp dẫn, nội dung ý nghĩa với những câu chuyện sinh động, nhân văn, những hành vi đẹp, những tấm gương vượt khó... Dùng MXH tích cực, có văn hóa để cuộc sống mạng tốt đẹp lên, đẩy lùi cái xấu, cái ác là giải pháp lợi hại, hiệu quả.
Đã có nhiều cộng đồng mạng lành mạnh được tạo lập nhưng trước sự nhiễu nhương, biến loạn vô ý thức và có ý thức trên MXH ta còn cần nhiều, rất nhiều hơn thế và đây là việc cần đến nhiệt huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ. Có thể nói rằng, các cấp bộ đoàn thanh niên, hội sinh viên rất cần và có thể coi việc xây dựng văn hóa ứng xử trên MXH như một trọng tâm, một mũi nhọn trong công tác thường xuyên.
Cùng với đoàn thanh niên, các nhà trường cũng rất cần chủ động giảng dạy, hướng dẫn học sinh từng bước, từng việc kết hợp các môn tin học, giáo dục công dân và cả trong những bài học cụ thể của các môn khoa học xã hội và tự nhiên khác. Thực tế, không chỉ có cha mẹ, người thân dạy dỗ, bảo ban, quản lý các em học sinh, sinh viên trong sử dụng MXH và nhiều mặt trong cuộc sống mà ngược lại, chính các em đã giúp nhiều người lớn trong sử dụng, tìm kiếm thông tin trên internet, MXH. Cũng như việc các em nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh, đổ rác đúng nơi quy định, tham gia giao thông đúng luật... những người trẻ nói chung và cả học sinh, sinh viên từng giúp gia đình, hàng xóm của mình biết đến những ứng dụng tiện ích của MXH để học hỏi, áp dụng trong đời sống thường ngày và cả trong sản xuất, kinh doanh.
Tuổi trẻ chính là lực lượng nòng cốt đưa đất nước mạnh bước tiến vào công cuộc đổi mới sáng tạo gắn với cuộc sống thông minh và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Có ý thức kết nối với nhau, họ cũng trở thành lực lượng kiến tạo văn hóa ứng xử lành mạnh, hữu ích, sinh động trên MXH và mọi mặt cuộc sống.
Nguồn: qdnd.vn
Tin mới cập nhật
- Tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” ( 03/12)
- Chủ động chăm lo cho người lao động dịp tết Nguyên đán ( 27/11)
- Thủ tướng yêu cầu giải ngân ngay các nguồn lực để xoá nhà tạm, nhà dột nát ( 20/11)
- Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ( 19/11)
- Thủ tướng: Nâng mức hỗ trợ, tạo phong trào, ngày hội xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước ( 12/11)
- Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt ( 04/11)