UNESCO ra nghị quyết vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
EmailPrintAa
17:14 23/11/2023

Tại Phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 ngày 21/11 diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), UNESCO vừa thông qua Nghị quyết về danh sách 53 danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024 sẽ được tổ chức ngày vinh danh và kỷ niệm, trong đó có Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Hà Tĩnh, Việt Nam).

Du khách dâng hương tại mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (sinh năm 1724 - mất năm 1791), quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông được sinh ra trong một gia đình thế gia vọng tộc có cha là ông Lê Hữu Mưu đỗ đệ tam giáp tiến sỹ làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông. Mẹ là bà Bùi Thị Thường, một người phụ nữ thông minh, hiền lành quê ở Bầu Thượng, Tình Diệm, Hương Sơn (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Lê Hữu Trác thi đậu tam trường nhưng khi cha mất ông bỏ đường cử nghiệp chuyển sang học võ, nghiên cứu binh thư và đã giành được nhiều thắng lợi khi tham gia trận mạc. Sau mấy năm chinh chiến ông chán ghét cảnh đầu rơi máu chảy lại nhận được tin anh trai mất, nhà còn mẹ già nên ông lấy cớ xin về sống ở quê mẹ (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) và chuyên tâm nghiên cứu nghề thuốc. Ông tự đặt cho mình hiệu là Hải Thượng Lãn Ông - Ông già lười và không màng danh lợi, phú quý vinh hoa, trở thành một thầy thuốc, một danh sư nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam với quan điểm “Mình đã trót là một ông thầy thuốc thì phải làm cho hết sức của mình, dựng lên một lá cờ trong y giới”.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Trong cuộc đời làm thầy thuốc của mình, ông đã sưu tầm và phát hiện trên 300 vị thuốc nam, góp phần làm phong phú thêm kho thuốc quý của dân tộc, tổng hợp thêm hơn 2.850 phương thuốc chữa bệnh phổ biến cho nhân dân. Riêng cuốn “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập và 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền dân tộc, được xem là báu vật của nền y học Việt Nam. Công lao to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là đã đặt nền móng cho y học nước nhà. Ông được xem là ông Tổ của đông y Việt Nam và là tấm gương sáng về y đạo, y thuật cho đời sau noi theo. Đặc biệt, 9 bài học về y đức của Đại danh y Lê Hữu Trác trong Y huấn cách ngôn và 8 chữ “Nhân, minh, đức, trí, lượng, thành, khiêm, cần” mãi là ngọn đuốc sáng ngời soi đường chỉ lối cho những người công tác trong ngành y. Đại danh y Lê Hữu Trác không chỉ là một nhà y dược học vĩ đại mà còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng tiến bộ, có tinh thần nhân đạo sâu sắc. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được kết tinh bởi tri thức uyên thâm, tư tưởng tiến bộ, đạo đức trong sáng, thể hiện qua những tác phẩm đồ sộ mà giá trị còn mãi đến ngày nay.

Việc UNESCO vinh danh danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của cá nhân danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời”, là những giá trị mà tổ chức này đang thúc đẩy.

Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 7 danh nhân được UNESCO vinh danh, cùng tham gia kỷ niệm là Nguyễn Trãi (năm 1980), Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), Nguyễn Du (năm 2015), Chu Văn An (năm 2019), nữ sĩ Hồ Xuân Hương (năm 2021), Nguyễn Đình Chiểu (năm 2021) và danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (năm 2023).

Nguyễn Thị Nga (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch)


    Ý kiến bạn đọc