Vấn đề an ninh xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số
EmailPrintAa
17:23 30/10/2023

Chuyển đổi số được coi là cú hích cho sự chuyển đổi phương thức làm việc của nhiều lĩnh vực, nhiều nghề nghiệp trong đó có lĩnh vực an sinh xã hội (ASXH). Việt Nam sẽ xây dựng tổ chức ASXH hiện đại, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế, chính vì vậy, chuyển đổi số chính là điều kiện tiên quyết để tổ chức ASXH ở Việt Nam phát triển hiện đại.

Ảnh minh họa

Dữ liệu số an sinh xã hội

Đối với hệ thống ASXH, để có thể chuyển các hoạt động quản lí, kiểm soát, khai báo, đăng kí, lưu trữ, tra cứu và thụ hưởng ASXH sang môi trường số, tức là số hóa thông tin đầu vào, nước ta đã triển khai bước chuyển đổi thông tin từ dạng analog ở thế giới thực sang định dạng kĩ thuật số. Trên cơ sở hệ thống dữ liệu, việc ứng dụng kĩ thuật số để liên kết, sử dụng dữ liệu số sẽ làm cho hệ thống ASXH trở lên thuận lợi, nhanh, hiệu quả so với cách thức truyền thống, khi phải tác nghiệp với đống hồ sơ lưu trữ. Và khi các hoạt động ASXH diễn ra trên môi trường số không chỉ sẽ gia tăng và làm giàu hơn nguồn dữ liệu, tiết kiệm chi phí in sao hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực; cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt” trong ASXH.

Trên cơ sở triển khai Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31-3-2021 của Chính phủ qui định cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm xã hội (BHXH), ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm như: Xây dựng Quy chế quản lí, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các hệ thống phần mềm nghiệp vụ và từ cơ sở dữ liệu tập trung, ngành BHXH Việt Nam chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về Bảo hiểm với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành khác phục vụ quản lí nhà nước và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến.

Tính đến 15-7-2023, hệ thống thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư đã xác thực được 88.797.864 thông tin nhân khẩu, trong đó có hơn 80 triệu người đang tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), chiếm 91% tổng số người tham gia. Đồng thời, hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 123.866.984 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư; 12.519 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp (CCCD) đạt 97,7% tổng số sơ sở KCB BHYT trên toàn quốc, tra cứu thành công với 32.585.579 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT. Bên cạnh đó, việc triển khai hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT thay cho BHYT giấy (gần 30 triệu tài khoản VssID với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ trên VssID phục vụ KCB BHYT); gia hạn 18.218 thẻ BHYT thông qua DVC gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia và trả quá trình đóng BHTN cho 187.694 trường hợp; tiếp nhận và xử lí 2.664 giao dịch đăng kí, đóng BHXH tự nguyện...

Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp, liên thông các TTHC, DVC trực tuyến, triển khai ứng dụng “Định danh điện tử quốc gia” (VneID), Sổ sức khỏe điện tử, hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam.

Những thay đổi trên đã giúp đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho người bệnh và cán bộ y tế khi làm thủ tục KBC BHYT. Cơ quan BHXH giảm bớt chi phí in ấn thẻ BHYT (chỉ tính riêng năm 2022, đã tiết kiệm 24,7 tỉ đồng so với năm 2021), tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin, tạo bước ngoặt, góp phần kiến tạo ngành BHXH Việt Nam số, theo đúng định hướng của Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ASXH quốc gia.

Đối với lĩnh vực trợ giúp xã hội (TGXH) những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kết nối DVC thành công tới Hệ thống đăng kí, giải quyết chính sách TGXH trực tuyến của 57/63 tỉnh, thành phố được triển khai và tiếp nhận hồ sơ tại địa chỉ http://dvcbtxh.molisa.gov.vn (6 địa phương còn lại đang khẩn trương hoàn thành việc kết nối: Lai Châu, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Quảng Bình, Tuyên Quang, Đắk Nông).

Tính đến 12-7-2023, cả nước có hơn 3.727.764 người (chiếm khoảng 3,8% dân số) hưởng chính sách TGXH thường xuyên tại cộng đồng (trong đó: 1.412.862 người cao tuổi; 1.622.639 người khuyết tật; 16.205 trẻ em mồ côi; 146.807 trẻ em dưới 3 tuổi; 85.151 người đơn thân nuôi con) và 365.822 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH). Hệ thống DVC trực tuyến lĩnh vực người có công được triển khai tại địa chỉ https://csdl-nguoicocong.molisa.gov.vn. Đến nay, hệ thống liên thông đã tiếp nhận 377 hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp mai táng từ DVC liên thông TTHC đăng kí khai tử, xóa đăng kí thường trú, trợ cấp, hỗ trợ mai táng phí. Đến nay 63/63 tỉnh/thành phố đã triển khai chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng hưởng chính sách ASXH (chỉ tính từ tháng 1-2023 đến 22-6-2023 đã có 26/63 tỉnh/thành phố chi trả qua tài khoản là 115.806 đối tượng/538.563 người mong muốn trả qua tài khoản với tổng số tiền là 141.752.851.000 đồng).

Số lượng đối tượng được duy trì kết nối, chia sẻ dữ liệu với trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư  là hơn 3,6 triệu đối tượng đã được cấp định danh cá nhân/CCCD, trong đó đã có hơn 2,1 triệu đối tượng BTXH đã được xác thực thành công qua CSDL quốc gia về dân cư. Song cùng với cơ sở dữ liệu về BTXH, hệ thống CSDL trẻ em đang duy trì việc kết nối và chia sẻ cho hơn 17,061 triệu CSDL trẻ em, thực hiện xong việc làm giàu khoảng 5 triệu dữ liệu trẻ em đối với CSDL về dân cư.

Ngoài trụ cột BHXH trong cấu trúc ASXH, thì cấu trúc về việc làm, thu nhập và giảm nghèo, hiện đã triển khai việc tích hợp, kết nối, chia sẻ CSDL hộ nghèo, hộ cận nghèo với CSDL quốc gia về dân cư, bước đầu thu thập hơn 7 triệu dữ liệu trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước theo cơ chế quản lý tập trung thống nhất tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cấu trúc ASXH về các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như tình trạng người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin… đang khai thác, cập nhật, làm sạch trường dữ liệu để kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cổng thông tin CSDL quốc gia về dân cư.

Hạ tầng số an sinh xã hội

Tính đến ngày 12-7-2023, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan đảng, nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối thông tin phục vụ Chính phủ số đến 1.005 huyện, xã trên toàn quốc, tạo nền tảng cho hạ tầng số ASXH phát triển. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực ASXH đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ an sinh số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Kết quả trọng tâm bước đầu đã đạt được, như giải quyết chính sách TGXH trực tuyến tại địa chỉ http://dvcbtxh.molisa.gov.vn. Triển khai Nền tảng chia sẻ, tích hợp cấp bộ, địa phương (LGSP- Local Government Service Platform), kết nối với Nền tảng kết nối, chia sẻ quốc gia (NGSP - National Government Service Platform) qua mạng Truyền số liệu chuyên dùng để đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin. Thông qua NGSP đã kết nối được với các CSDL quốc gia về đăng kí doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); CSDL quốc gia về BHXH (BHXH Việt Nam); nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lí trạm y tế xã, quản lí thông tin y tế, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc và ngân hàng dữ liệu ngành dược; CSDL quốc gia về văn bản qui phạm pháp luật (Bộ Tư pháp); CSDL danh mục dùng chung (Bộ Thông tin và Truyền thông); CSDL quốc gia về dân cư (Bộ Công an), thu thập, cập nhật, phân tích, xử lý số liệu thống kê của cả nước, các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về kinh tế, dân số, lực lượng lao động, việc làm, BHXH; thu thập, cập nhật và xử lý số liệu thực hiện hằng tháng, quí về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, người có công, bảo trợ xã hội, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội... của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành về ASXH.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách và giao dịch với cơ quan quản lí về ASXH, các đơn vị đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng với các nền tảng kênh số khác nhau: Tổng đài điện thoại 19009068, Cổng thông tin điện tử, Fanpage Facebook, Zalo... góp phần thúc đẩy ASXH Việt Nam phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế.

Cung cấp dịch vụ an sinh xã hội trên môi trường số

Trên cơ sở Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ (Đề án 06), các cơ quan quản lí nhà nước về ASXH đã triển khai, hoàn thiện một số DVC trên cơ sở kết nối, khai thác, xác thực thông tin công dân từ CSDL quốc gia về dân cư, tạo thuận lợi hơn cho người dân khi thực hiện giao dịch như: Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng; "Đăng kí khai sinh - Đăng kí thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi" và "Đăng kí khai tử - Xóa đăng kí thường trú - Trợ cấp mai táng". BHXH Hà Nam và Hà Nội được triển khai làm điểm đã tiếp nhận và giải quyết 19.818 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; 740 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 2 nhóm DVC liên thông; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp và chi trả quá trình đóng BHTN cho 81.830 trường hợp...

Thời gian qua, việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin ASXH trên môi trường số đang từng bước hướng tới sự an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin để mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số từ môi trường thực lên môi trường số. Kết quả đột phá là phổ cập dịch vụ an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản tới người dân và doanh nghiệp. Định kỳ thực hiện theo dõi, phân tích log tường lửa, máy chủ, các thiết bị an ninh mạng; Quản lý cấu hình thiết bị mạng, máy chủ tại Trung tâm tích hợp dữ liệu; Cập nhật bản vá hệ điều hành, các thiết bị bảo mật; cập nhật bản quyền cho hệ thống Mail Gateway, tường lửa, chống spam mail, chống virus; thực hiện đánh giá cấp độ của các hệ thống thông tin theo hướng dẫn tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ về đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ. Kịp thời thông báo và phối hợp rà quét, xử lý các cảnh báo về mã độc, lỗ hổng mất an toàn thông tin.

Với quyết tâm chính trị, nhận thức và xác định đúng tầm quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số ASXH, đòi hỏi Nhà nước bảo đảm được những nền tảng, điều kiện và thể chế cơ bản để bảo vệ, quản lý và phát triển hệ thống ASXH Việt Nam trên không gian mạng.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH là xu thế bắt buộc và là việc của mỗi cơ quan quản lí Nhà nước theo lĩnh vực phụ trách và của toàn xã hội. Do đó, vai trò của Nhà nước là dẫn dắt tạo ra nền tảng số, đề ra thể chế, hỗ trợ nguồn lực để hệ thống ASXH số Việt Nam phát triển hiện đại, thực chất, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước cường thịnh, an dân trong kỉ nguyên số.

Nguồn: TS. Nguyễn Tiến Hùng
Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư/xaydungdang.org.vn

( https://xaydungdang.org.vn/bao-hiem-xa-hoi/van-de-an-ninh-xa-hoi-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-19947 )


    Ý kiến bạn đọc