Vì Kỳ thi nghiêm túc, thực chất
EmailPrintAa
11:55 16/06/2020

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020 về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2019. Mục tiêu chính của kỳ thi năm nay là xét tốt nghiệp THPT; đồng thời làm căn cứ để đánh giá chất lượng giáo dục của cả nước; từ đó điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp dạy học trong các trường phổ thông. Điểm khác biệt lớn nhất của kỳ thi năm nay là UBND các tỉnh, thành phố được giao chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức tại địa phương.

Cùng với các địa phương, đến thời điểm này, phần lớn các trường đại học đã chủ động đưa ra phương án tuyển sinh. Bên cạnh phương thức xét tuyển chính là sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, các cơ sở giáo dục đại học đều sử dụng các phương thức như: Xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển dựa vào học bạ THPT, xét tuyển thẳng... Việc đa dạng các phương thức xét tuyển thể hiện tính tự chủ cao của các cơ sở giáo dục đại học. Tính tự chủ này phù hợp với Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng năm 2020. Tuy nhiên, tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải trình và nâng cao chất lượng. Để tuyển sinh hiệu quả, bất kỳ một phương thức xét tuyển nào cũng phải bảo đảm chất lượng tuyển sinh, công khai và minh bạch, tránh xáo trộn tâm lý thí sinh.

Ảnh minh họa: qdnd.vn.

Trong mùa tuyển sinh năm nay, để bắt kịp xu thế phát triển, các cơ sở giáo dục đại học đã mở thêm nhiều mã ngành mới, chương trình đào tạo mới. Điều này khiến nhiều phụ huynh và học sinh lúng túng không biết lựa chọn ngành nghề nào vừa phù hợp với khả năng, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Theo quy định, từ ngày 15 đến 30-6 là thời gian thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học, cao đẳng. Chọn ngành nghề đam mê hay theo nhu cầu của thị trường? Câu trả lời là: Thành công sẽ đến với bất kỳ ai nếu người đó có đam mê, năng lực và sự kiên trì. Chọn cho mình một nghề cũng đồng nghĩa với việc chọn tương lai của mình. Thế nên, đứng trước ngưỡng cửa lớn của cuộc đời, việc cần làm của các thí sinh lúc này là tự trang bị những hành trang, kiến thức cần thiết để chinh phục kỳ thi sắp tới và từ đó đưa ra sự lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực và sở trường.

Năm nào cũng vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Bởi vậy, làm thế nào để kết quả của kỳ thi vừa đánh giá đúng năng lực của học sinh, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục luôn là câu hỏi khiến những người làm công tác giáo dục phải trăn trở, lo toan. Nhất là thời gian qua, hiện tượng tiêu cực trong thi cử và "bệnh thành tích" trong giáo dục ở một số địa phương vẫn còn. Dù năm nay, kỳ thi giao cho địa phương tổ chức nhưng vẫn có kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT. Đây chính là sự tăng cường giám sát chất lượng và bảo đảm minh bạch cho kỳ thi.

Vụ gian lận thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La năm 2018 chắc chắn là bài học nhãn tiền để các địa phương đề cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức kỳ thi với tâm thế tất cả vì quyền lợi, công bằng cho học sinh. Cần nhận thức thấu đáo rằng, việc tổ chức chặt chẽ, đánh giá khách quan, trung thực kỳ thi tốt nghiệp THPT là điều kiện, tiền đề quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học có nguồn phổ điểm tin cậy nhằm làm tốt hơn công tác tuyển sinh đại học.

Nguồn: Uyên Nhi/qdnd.vn


    Ý kiến bạn đọc