Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
EmailPrintAa
16:03 12/08/2020

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt. Trên tuyến đầu chống dịch, các lực lượng chức năng ngày đêm căng mình làm việc, không quản khó khăn, nguy hiểm với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhằm cứu chữa, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho người dân.

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhất định nhưng chỉ cần một mắt xích yếu kém, một khâu lơ là thì công sức của cả hệ thống chính trị, mọi người dân trong thời gian qua sẽ đổ sông, đổ bể. Vì thế, đòi hỏi mỗi người dân phải luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, chung tay với các cấp chính quyền bằng những hành động cụ thể vì bản thân, gia đình, xã hội để trở thành những “pháo đài” trong cuộc chiến với dịch Covid-19 lần này.

Ở khía cạnh nào đó có thể thấy, người dân đón nhận thông tin về các ca bệnh Covid-19 cũng như tình hình dịch, bệnh lần này với thái độ điềm tĩnh hơn. Thế nhưng, lẫn trong sự điềm tĩnh này còn có cả sự chủ quan, lơ là phòng, chống dịch. Đây là điều hết sức nguy hiểm! Nếu như những lần trước, ngay khi nghe tin về dịch bệnh và chưa có yêu cầu giãn cách xã hội, người dân đã chủ động phòng, tránh bằng cách đeo khẩu trang, súc miệng bằng nước muối, rửa tay thường xuyên; chuẩn bị đồ ăn ở nhà mang đi làm; hạn chế ra ngoài, tụ tập đông người... thì nay, nhiều người vẫn tụ tập ăn uống trên vỉa hè, tại các hàng quán mà không giữ khoảng cách an toàn; không đeo khẩu trang khi ra ngoài; không rửa tay sát khuẩn theo khuyến cáo, hướng dẫn của Chính phủ và ngành y tế.

Ứng dụng Bluezone được xem như là “khẩu trang điện tử”. Ảnh minh họa: TTXVN.

Cũng liên quan đến dịch Covid-19, nhằm hạn chế tiếp xúc, giúp người dân thuận tiện trong khai báo y tế và kịp thời hỗ trợ, đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị đã xây dựng một số ứng dụng miễn phí sử dụng trên điện thoại di động thông minh, như: NCOVI, Bluezone... Trong đó, ứng dụng Bluezone được xem như là “khẩu trang điện tử”, giúp cảnh báo nếu người dùng đã tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, giúp giảm thiểu các nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng. Đối với tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh ở nước ta, ứng dụng này truy vết tối ưu nhất khi số lượng người dùng đạt khoảng 30 triệu người, tốt nhất là 45 triệu người trở lên. Mặc dù được các cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi nhưng kể từ khi ra mắt ngày 18-4-2020, tính đến trưa ngày 11-8-2020, ứng dụng này mới đạt 14,9 triệu lượt tải. So với tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh ở nước ta (tính đến cuối năm 2019 là gần 44 triệu người), con số tải ứng dụng này còn quá thấp; đồng thời cho thấy, nhiều người dân còn thờ ơ trong việc bảo vệ bản thân, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, vì vậy, không chỉ lực lượng phòng, chống dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương mà mỗi người dân cần đặc biệt nêu cao ý thức cảnh giác. Cùng với thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, giữ vệ sinh cá nhân..., người dân cần tuân thủ hướng dẫn khai báo y tế điện tử, cài đặt các ứng dụng công nghệ như NCOVI, Bluezone... Bởi theo đánh giá của Bộ Y tế, để xét nghiệm hiệu quả nhất thì chúng ta phải truy vết được ca bệnh bằng cách kết hợp nhiều giải pháp, như: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” cùng với sử dụng các ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm tất cả những việc làm nhỏ trên và dành ra ít phút để tải, cài đặt các ứng dụng, thực hiện khai báo một số thông tin theo yêu cầu, hướng dẫn, mỗi chúng ta đã góp phần bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.

Nguồn: Nguyễn Đức Tuấn/qdnd.vn

( https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/viec-lam-nho-y-nghia-lon-631365 )


    Ý kiến bạn đọc