"Việt Nam nên đăng cai Asiad ở…kì sau"
EmailPrintAa
08:48 04/04/2014

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam.

Liên quan đến việc đăng cai Asiad 18 tại Hà Nội, hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt xung quanh con số kinh phí 150 triệu USD như giải trình của Bộ VHTT&DL trước Quốc hội. Phóng viên VOV online đã có cuộc phỏng vấn với các chuyên gia và nhà quản lý thể thao về vấn đề này.

Nguyên trưởng đoàn TTVN Nguyễn Hồng Minh: “Việt Nam nên đăng cai Asiad ở... kì sau

PV: Thưa ông, khoản kinh phí 150 triệu USD đưa ra liệu có khả thi để đăng cai Asiad lần này?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Theo tôi được biết, tiền nộp lệ phí cho OCA đã mất 20 triệu USD, khi đăng cai phải nộp lệ phí. Số tiền 20 triệu này sẽ nộp rải rác từ giờ đến lúc tổ chức. Như vậy, còn lại 130 triệu. Số tiền này chỉ đủ cho công tác tổ chức, dành cho các việc như: đón tiếp khách nước ngoài, dành cho các tiểu ban như: tiểu ban khai mạc, tiểu ban bế mạc…

Những vấn đề khác như chuẩn bị cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chi phí tổ chức thi đấu và đào tạo VĐV đều rất tốn kém. Theo báo cáo 80% cơ sở vật chất sẵn có, nhưng đó chỉ là nhà thi đấu. Còn các trang thiết bị phải mua, mời trọng tài phải chi tiền, tổ chức các cuộc thi đấu phải mất tiền, đào tạo VĐV cũng tốn kém. Theo tôi, 150 triệu USD không đủ để tổ chức Asiad.

PV: Nếu tổ chức Asiad 18, chúng ta sẽ thu được những lợi ích gì về thể thao cũng như hình ảnh của đất nước?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Asiad là cái đích để VĐV phấn đấu, như một mục tiêu để tất cả các VĐV bước lên trình độ cao, quảng bá hình ảnh đất nước. Đó cũng là cơ hội để các nhà làm thể thao hướng tới một mục tiêu cao hơn. Nhưng vẫn còn nhiều thách thức, bởi thời gian ngắn, để chuẩn bị một lứa VĐV xuất sắc cần từ 8-10 năm. Từ năm 2011, tôi đã đề nghị lùi lại một kì, tức là thêm 4 năm nữa. Theo tôi, Việt Nam vẫn nên đăng cai Asiad nhưng có thể lùi lại đến năm 2023.

PV: Nếu trong trường hợp Việt Nam xin rút đăng cai Asiad, chúng ta phải thực hiện những bước nào?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Hiện nay, tôi thấy không có điều nào cấm không được rút, cũng không có qui định nào phải nộp phạt. Nhưng xin đăng cai phải có văn bản hiệp định. Khi rút đăng cai cũng phải có hợp đồng với OCA. OCA sẽ đưa ra những vấn đề như là: phải tìm một nước khác làm thay, Việt Nam có hỗ trợ gì cho nước đó hay không? Theo chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta phải cử một đoàn cấp cao sang OCA để tìm hiểu xem nếu muốn rút đăng cai phải tuân thủ những quyết định gì.

PV: Theo ông, hiện có quốc gia nào muốn đăng cai Asiad 18 ngoài Việt Nam?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Trước đây, Ấn Độ xin đăng cai 3 lần đều không được, đến lần này Ấn Độ không tham gia nữa. Đài Loan mới chỉ có dự định nhưng gác lại. UAE cũng mới chỉ có ý định nhưng sau đó đã xin rút lui. Trường hợp Indonesia lại không được chính phủ hỗ trợ. Mà OCA qui định nước nào đăng cai phải có sự bảo hộ của chính phủ. Hiện nay, tôi chưa thấy có nước nào muốn nhận đăng cai Asiad.

Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á Hoàng Vĩnh Giang: “Không nên để ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia”

 

Phó chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á Hoàng Vĩnh Giang. (ảnh: Hải Đăng) 

PV: Có những ý kiến cho rằng con số 150 triệu USD khó đủ để tổ chức Asiad, ông nghĩ sao về ý kiến này?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Chúng ta đã có những bàn bạc và tính toán cụ thể, được sự đồng thuận của Đảng và Chính phủ trước khi tham gia giành quyền đăng cai Asiad. Nguồn kinh phí chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2020, khoảng 30 tỷ USD. Trong quy hoạch chung của Thành phố, ngành thể thao cũng tận dụng được và sẽ làm giảm đáng kể chi phí. Nếu chúng ta khéo làm, khoản tiền 150 triệu USD còn thừa đủ để tổ chức.

PV: Nếu chúng ta rút lui, điều này liệu có ảnh hưởng đến uy tín quốc gia?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Một nước như Thái Lan còn tổ chức được Asiad 5 lần. Theo tôi, chúng ta không thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh và truyền thống của đất nước. Nếu bây giờ xin rút đăng cai, hình ảnh của đất nước không biết đến bao giờ mới khôi phục lại được.

PV: Về việc xây dựng một số công trình phục vụ cho Asiad như Làng VĐV, đường đua xe đạp lòng chảo…, chúng ta đã có những dự định cụ thể như thế nào?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Làng VĐV sẽ được đấu thầu cho các doanh nghiệp. Khi hoàn tất Asiad 18 sẽ chuyển thành dạng căn hộ. Chúng ta không cần lo ngại về vấn đề này bởi vẫn còn nhiều phương án dự trù. Chẳng hạn như sử dụng các khách sạn 4-5 sao để phục vụ cho Asiad.

Đường đua xe đạp lòng chảo nhiều khả năng sẽ được đối tác Hàn Quốc hỗ trợ. Nếu chúng ta khéo làm, việc xây dựng Đường đua xe đạp lòng chảo sẽ không tốn kém. Theo tôi, lợi ích từ thể thao là không thể cân đong đo đếm. Hơn nữa, đã có nhiều quốc gia tại châu Á tin tưởng mà bỏ phiếu cho mình. Trong lịch sử, chỉ có những quốc gia gặp phải thiên tai, địch họa thì họ mới xin rút lui không đăng cai Asiad, sau khi đã giành được quyền đăng cai.

Nhà báo Nguyễn Lưu: “Nhiều môn thi đấu Asiad Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm tổ chức

 

Nhà báo Nguyễn Lưu. (ảnh: TT&VH) 

PV: Ông đánh giá thế nào về con số 150 triệu USD để chuẩn bị cho Asiad?

Ông Nguyễn Lưu: Tôi thấy con số 150 triệu USD rất khó khả thi. Tôi có may mắn được tham dự nhiều kì đại hội thể thao lớn và đã theo dõi 2 phiên điều trần của Quốc hội về vấn đề này. Theo tôi thì con số đó là không đủ. Để phát triển thể thao và hình ảnh của Việt Nam thì không nhất thiết phải đăng cai Asiad.

Tất cả các quốc gia đăng cai Asiad từ trước đến giờ, đều là cường quốc về kinh tế và thể thao. Đây là điều quan trọng nhất, mang tính cốt tử khi nói về một nước chủ nhà Asiad.

Để tạo nên một lứa VĐV xuất sắc để tranh chấp huy chương Asiad cần thời gian và kinh phí không nhỏ. Thêm vào đó, có 12 môn nằm trong danh sách thi đấu Asiad mà Việt Nam chưa từng tổ chức, như cưỡi ngựa nghệ thuật, đua xe đạp lòng chảo… Những vấn đề về tổ chức hay đào tạo VĐV cho các môn đó chúng ta chưa từng có kinh nghiệm, nên sẽ gặp nhiều khó khăn.

PV: Cho đến vòng chung kết để giành quyền đăng cai Asiad, còn lại ba nước là UAE, Việt Nam và Indonesia. Nhưng sau đó, nước giàu nhất là UAE lại tự xin rút lui, nhường quyền đăng cai cho hai nước còn lại. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Nguyễn Lưu: Tôi cho rằng UAE đã có tính toán của họ khi rút lui. Chứ không phải vì tình cảm mà nhường cho chúng ta. Tôi có nghe các nhà hoạch định thể thao giành 10-15 HCV, nhưng theo sự tính toán của tôi thì mục tiêu đó là rất khó khăn.

PV: Ông đánh giá thế nào về khả năng tranh chấp huy chương của Việt Nam tại Asiad 18?

Ông Nguyễn Lưu: Nếu chúng ta làm chủ nhà Asiad mà trắng tay, hoặc chỉ giành một vài huy chương thì lại làm xấu đi hình ảnh của chủ nhà trong mắt bạn bè quốc tế. Chúng ta có HCV Asiad duy nhất ở Quảng Châu 2010 thuộc về võ sĩ karate Lê Bích Phương nhưng không biết 5 năm sau, Phương ở phong độ nào.

Riêng về tài năng Nguyễn Thị Ánh Viên, đoạt 4 HCV tại giải bơi lội trẻ tại Mỹ. Đó là điều đáng mừng nhưng thành tích của Ánh Viên còn xa so với thành tích của các VĐV vô địch châu Á. Cho đến lúc này, tôi chưa thấy có VĐV nào của Việt Nam có khả năng cao để giành HCV Asiad. Do đó, chỉ tiêu 10-15 HCV là rất khó khả thi.

PV: Về cơ sở vật chất để phục vụ Asiad, hiện nay chúng ta đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm và cần phải xây mới, nâng cấp bao nhiêu hạng mục?

Ông Nguyễn Lưu: Tôi đã dự cả hai cuộc giải trình trước Quốc hội về vấn đề này. Các vị lãnh đạo ngành thể thao cho rằng có 80% cơ sở vật chất đáp ứng được. Về con số 80%, tôi cảm thấy rất lo lắng. Vì 80% này là các cơ sở vật chất để đáp ứng SEA Games, chứ không phải Asiad. Tôi rất muốn chứng kiến một Asiad ở đất nước mình. Nhưng chúng ta nên xem xét trong từng tình hình cụ thể./.


    Ý kiến bạn đọc