Viết nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du
EmailPrintAa
13:45 13/11/2015

Nhân dịp kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới, Ban Biên tập Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh xin giới thiệu một số bài viết của tác giả Lê Đình Tuấn, nguyên giáo viên Văn, Trường PTTH Chuyên Hà Tĩnh về Truyện Kiều.

BÀI 1: "LỜI QUÊ" TRỞ THÀNH LỜI NGHỆ THUẬT BẤT TỬ

 

Kết thúc Truyện Kiều Nguyễn Du viết:

Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh.

Thật khiêm nhường, đến mức không thể khiêm nhường hơn, nếu không muốn nói là Nguyễn Du đã hạ mình từ chối giá trị do mình sáng tạo ra. Đã là Lời Quê nghĩa là bình thường, nôm na, quê mùa, lại còn "chắp nhặt" chứ không phải là sáng tạo gì mới mẻ. Đã vậy, Nguyễn Du cho rằng đây chỉ là chuyện dông dài, linh tinh vụn vặt, không đáng kể. Tác giả như muốn nói rằng truyện tôi viết ra cốt để thực hiện một chức năng hết sức thứ yếu, bên cạnh những chức năng hết sức cao cả của văn chương nghệ thuật, đó là chức năng giải trí. Nếu có Mua vui cũng được một vài trống canh thì Nguyễn Du thỏa nguyện. Tôi cho rằng lời kết thúc Truyện Kiều càng làm cho chúng ta thêm kính trọng Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc.

 
Bìa cuốn sách “Vịnh Nguyễn Du và Truyện Kiều”  

Truyện Kiều - Lời Quê sự thật đã trở thành một lời nghệ thuật bất tử, là kiệt tác số một trong nền văn chương cổ điển nước nhà và đã trở thành một giá trị văn hóa chung cho cả nhân loại. Bởi từ khi Truyện Kiều ra đời cho đến nay và có lẽ cho cả mai sau nhân dân trong nước, nhân dân thế giới đều tụng ca Truyện Kiều là: Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu.

Truyện Kiều là câu chuyện của một người - cô Kiều. Rộng hơn một chút là cả gia đình Kiều… Nhưng qua sự sáng tạo Nguyễn Du nó trở thành tiếng nói của nhiều người, tiếng nói của mọi thời và Truyện Kiều không chỉ là một chuyện kể về một cuộc đời, một số phận mà trở thành một Tiếng thơ ai động đất trời  theo cách nói của nhà thơ cộng sản Tố Hữu và cũng là cách tiếp nhận và tôn vinh của nhiều người. Tiếng thơ động nhất trời ấy đã trở thành lời non nước (Nghe như non nước vọng lời ngàn thu) Tiếng thơ ấy trước hết là Tiếng thương và sau là Tiếng ru (Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày). Chiều sâu nhân đạo của Tiếng thương ý nghĩa sâu xa của Tiếng ru làm nên giá trị nhân đạo cao cả của Tiếng thơ.

Nhờ nghệ thuật điển hình hóa mà Truyện Kiều có ý nghĩa giá trị phổ quát rộng rãi. Lời Quê tự nó đã thức dậy trong mọi người nhiều mối liên hệ bất ngờ thú vị. Dù là ai, làm gì, ở đâu đều có thể tìm thấy mọi khoảnh khắc của đời mình trong Truyện Kiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ hay một người dân bình thường vẫn có thể lẩy Kiều khi đứng trước một tình huống lịch sử, một cảnh ngộ của đời, hay một tình tiết trong cuộc sống thường nhật.

Hồ Chủ tịch trong lần gặp gỡ các đại biểu về dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 (tháng 2/1951) đã đọc Đến bây giờ mới thấy đây, Mà lòng đã chắc những ngày một hai (Truyện Kiều, câu 2281, 2282). Tổng thống Mỹ Bill Clinton  khi sang thăm Việt Nam trong bài diễn văn đọc tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã lẩy một câu Kiều đầy ý nghĩa: Sen tàn cúc lại nở hoa (Truyện Kiều, câu 1795). Ngày 07/7/2015, khi hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Washington, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lẩy Kiều: Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời. (Truyện Kiều, câu 3121, 3122)). Mặt khác, Lời Quê trong Truyện Kiều là lời được kết tinh từ cái đẹp vốn có của Tiếng Việt. Cách cảm, cách nghĩ của Nguyễn Du phù hợp với điệu hồn, với cách nghĩ, cách cảm của người dân Việt Nam. Vì thế ai cũng muốn từ Truyện Kiều mà "vận vào" chuyện mình một cách rất hồn nhiên, tự nhiên. Bởi vậy, Truyện Kiều không chỉ gợi người ta liên hệ, so sánh mà như muốn góp phần nối dài ra, mở rộng ra, sáng tạo mãi.

Bấy nhiêu giá trị đã làm cho Truyện Kiều vượt lên trên một Lời Quê bình thường, trở thành một kiệt tác nghệ thuật. Đó là kiệt tác được sinh ra từ “đôi mắt biết nhìn thấy sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” của Nguyễn Du như lời tựa của Mộng Liên Đường.

 Lê Đình Tuấn - P.Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc