Vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Âu: Những cuộc cạnh tranh quyết liệt
EmailPrintAa
10:15 27/07/2015

Kết quả bốc thăm vòng loại Cúp bóng đá thế giới (World Cup) 2018 khu vực châu Âu tổ chức ngày 25-7 ở Saint Petersburg (Nga) đã đưa các đội tuyển lục địa già vào những bảng đấu đầy kịch tính. Có thể thấy, để có thể đến nước Nga dự vòng chung kết cúp bóng đá thế giới được tổ chức bốn năm một lần, khán giả môn túc cầu sẽ được chứng kiến những trận đấu đỉnh cao và những bất ngờ thú vị.
 

Thế hệ vàng của đội tuyển Hà Lan sẽ có thể tạo nên bất ngờ trong vòng loại World Cup 2018?

 

Bảng A: Cuộc đua tay ba Pháp – Hà Lan – Thụy Điển

Lá thăm đã đưa các "chú gà trống Gaulois" Pháp cùng ở bảng A với Hà Lan, Thụy Điển, Bulgaria, Belarus và Luxembourg. Có thể thấy, trong bảng A, ba đội có nhiều cơ hội nhất để tranh một suất trực tiếp vào vòng chung kết là Pháp, Hà Lan và Thụy Điển. Trong khi đó, Bulgaria và Belarus cũng có thể tạo nên những bất ngờ thú vị.

Trong bảng A, đội tuyển Hà Lan được đánh giá cao nhất nhờ kết quả ấn tượng tại World Cup 2014 tổ chức ở Brazil. Đội tuyển "cơn lốc màu da cam" luôn là đội bóng ứng cử viên vô địch tại bất kỳ World Cup hay Euro nào nhờ đội hình luôn có những danh thủ hàng đầu châu Âu và thế giới. Các lò đào tạo cầu thủ trẻ của Hà Lan luôn sản sinh ra các thế hệ cầu thủ nổi tiếng. Lối chơi đẹp mắt và quyến rũ của đội tuyển Hà Lan cũng là nguồn cảm hứng cho các cổ động viên trên toàn thế giới. Một suất dự vòng chung kết đối với đội tuyển Hà Lan sẽ không quá khó đối với đội bóng có nhiều tài năng này. Đây cũng là cơ hội cuối cùng của một thế hệ các cầu thủ ưu tú của nền bóng đá Hà Lan đầu thế kỷ 21 như Arjen Robben, Robin Van Persie, Wesley Sneijder, Rafael van der Vaart, Nigel de Jong, Jasper Cillessen thể hiện và tỏa sáng ở một vòng chung kết cúp bóng đá thế giới trước khi qua thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp.

Vị trí nhì bảng A sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa đội tuyển Pháp và Thụy Điển. Trong cuộc đua này, đội tuyển Pháp được đánh giá cao hơn nhờ truyền thống và nhiều cầu thủ giỏi. Các câu lạc bộ của giải hạng nhất Pháp cũng là lò đào tạo nhiều tài năng cho bóng đá Pháp và châu Âu.

Đối với đội bóng từng đoạt chức vô địch thế giới năm 1998 như Pháp, việc có mặt ở vòng chung kết cúp bóng đá thế giới là điều dường như hiển nhiên. Thế hệ của các cầu thủ tài năng như Karim Benzema, Paul Pogba, Olivier Giroud Antoine Griezmann cũng đang muốn tạo nên dấu ấn như thế hệ vàng của bóng đá Pháp như Michel Platini, Luis Fernandez, Jean Tigana, Zinedine Zidane, Didier Deschamps, Laurent Blanc, Vicente Lizarazu, Thierry Henry đã làm được trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước.

Đối đầu với Thụy Điển, đội tuyển Pháp chỉ lo ngại nhất tiền đạo Zlatan Ibrahimovic, một trong những tiền đạo hàng đầu thế giới trong suốt 15 năm qua. Nhưng Ibrahimovic giờ đây đã ở tuổi 34, độ tuổi không cho phép anh thể hiện được phẩm chất ưu tú của một hình mẫu cầu thủ săn bàn thượng thặng vì gánh nặng tuổi tác.

Đội tuyển xứ hoa hồng Bulgaria từng tạo nên ấn tượng mạnh khi loại đội tuyển Pháp ở vòng loại World Cup 1994 ngay trên sân Công viên các hoàng tử trong trận đấu loại cuối cùng mà chỉ cần hòa, các chú gà trống Gaulois đã ung dung cầm vé bay đi Mỹ dự vòng chung kết. Thế hệ vàng của bóng đá Bulgaria như Hristo Stoichkov, Emil Kostadinov, Yordan Lechkov đã tạo nên cơn địa chấn khi tiếp tục thi đấu thành công tại World Cup 1994 và lọt vào tới vòng bán kết.

Tuy nhiên, đã gần 20 năm kể từ khi thế hệ vàng của bóng đá Bulgaria giải nghệ sau World Cup 1998, xứ sở hoa hồng không thể giành quyền tham gia vào vòng chung kết World Cup. Vì thế, Bulgaria, Belarus và Luxembourg chỉ có thể tạo nên những bất ngờ nho nhỏ chứ rất khó tạo nên cơn địa chấn như đã từng làm hơn 20 năm trước.

Bảng B: Bồ Đào Nha chắc suất

Ở bảng B, Bồ Đào Nha may mắn được xếp cùng các đội yếu hơn nhiều như Thụy Sĩ, Hungary, quần đảo Faroe, Latvia và Andorra. Với cầu thủ xuất sắc nhất thế giới Cristiano Ronaldo và các đồng đội, đội tuyển Bồ Đào Nha có lợi thế lớn trên con đường chinh phục ngôi đầu bảng. Vị trí nhì bảng sẽ là cuộc đối đầu giữa Thụy Sĩ và Hungary. Còn đội tuyển Latvia, quần đảo Faroe và Andorra cũng không thể tạo nên bất ngờ khi thực lực còn rất hạn chế.
Bảng C: Ưu thế lớn thuộc về đội tuyển Đức

Đội đương kim vô địch thế giới Đức nằm cùng bảng với các đội bóng trung bình khác của châu Âu như Cộng hòa Séc, Bắc Ai-len, Na Uy, Azerbaijan và San Marino. Ngôi vị đầu bảng dường như đã nằm trong tay đội bóng đương kim vô địch thế giới khi có trong đội hình nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới. Vị trí thứ hai của bảng sẽ là cuộc cạnh tranh giữa Cộng hòa Séc, Bắc Ai-len và Na Uy.

Bảng D: Cuộc đua tay ba

Vị trí đầu bảng D sẽ là cuộc đua giữa ba đội xứ Wales, Serbia và Áo. Trong ba đội kể trên, xứ Wales đang có lợi thế nhờ kết quả thi đấu ấn tượng tại vòng loại Euro 2016. Đội tuyển Áo và Serbia cũng là những ẩn số của bảng. Cạnh tranh vị trí nhì bảng có thể kể tên thêm như Cộng hòa Ai-len. Moldova và Gruzia hoàn toàn có thể tạo nên chút bất ngờ khi các đội được đánh giá cao hơn cũng không hoàn toàn ở thế thượng phong.

Bảng E: Lại là cuộc đua tay ba

Tình hình ở bảng E cũng giống như ở bảng D khi có tới ba đội có khả năng tranh chấp ngôi đầu bảng là Rumania, Đan Mạch và Ba Lan. Dù hiện tại cả ba đội trên đều không có dàn cầu thủ đẳng cấp được mệnh danh là thế hệ vàng như trong quá khứ nhưng với trình độ tương đối đồng đều, cuộc cạnh tranh ngôi đầu bảng vì thế sẽ trở nên khó đoán định trước giờ bóng lăn. Đội duy nhất có thể cạnh tranh vị trí nhì bảng với ba đội kể trên là Montenegro còn Armenia và Kazakhstan khó làm nên chuyện.

Bảng F: Cuộc đối đầu giữa Anh và Scotland

Lá thăm may rủi đã đưa hai đội tuyển trong Liên hiệp Anh là Anh và Scotland ở cùng bảng F. Với thực lực hiện nay, Anh và Scotland sẽ phải cạnh tranh trực tiếp suất đầu bảng. Đội tuyển Slovakia cũng là đối thủ khó chịu đối với Scotland trong cuộc đua giành vị trí nhì bảng. Slovenia, Litva và Malta cũng không thật sự nguy hiểm để có thể gây khó khăn cho ba đội kể trên.

Bảng G: Bảng “tử thần”

Bảng G được xem là bảng “tử thần” khi có tới hai đội cựu vô địch thế giới nằm cùng là Italia và Tây Ban Nha. Cuộc đua tranh vị trí đầu bảng cũng sẽ là cuộc đọ sức của hai cựu vô địch khi trong đội hình có quá nhiều cầu thủ đẳng cấp thế giới. Truyền thống và bản lĩnh sẽ giúp Italia và Tây Ban Nha tạo nên những trận đấu đáng xem ở vòng loại.

Hai đội có thể cạnh tranh vị trí nhì bảng với Italia và Tây Ban Nha là Albania và Israel còn Macedonia và Liechtenstein không có nhiều cơ hội trong cuộc đua khốc liệt này.

Bảng G: Dễ thở cho Bỉ

Đội tuyển Bỉ may mắn rơi vào bảng đấu với các đối thủ khá “nhẹ cân”. Chỉ có đội tuyển Bosnia và Herzegovina và Hy Lạp là có khả năng tranh chấp ngôi đầu bảng G. Bosnia và Herzegovina và Hy Lạp cũng là hai đội cạnh tranh trực tiếp vị trí nhì bảng còn Estonia và đảo Síp không có thực lực nhiều.

Bảng H: Croatia có nhiều cơ hội

Đội tuyển Croatia có nhiều cơ hội đoạt ngôi đầu bảng khi đối thủ tranh chấp có thực lực thật sự chỉ là Iceland và Ukraina. Trên thực tế, Iceland và Ukraina không có nhiều cầu thủ đẳng cấp châu lục. Vì thế, Croatia đang có ưu thế lớn nhất để giành chiếc vé chính thức tham dự vòng chung kết tại Nga. Tuy nhiên, cũng không thể xem thường Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan. Thổ Nhĩ Kỳ và Phần Lan sẽ trở thành hai đội “ngáng đường” khó chịu đối với các đội muốn chiếm ngôi đầu bảng H.

Ở vòng loại khu vực châu Âu, chín đội đầu bảng sẽ giành vé trực tiếp vào vòng chung kết 2018. Tám đội nhì bảng có thành tích xuất sắc nhất sẽ đấu loại theo hình thức lượt đi – lượt về để lựa chọn bốn đội giành chiến thắng chung cuộc vào vòng chung kết.

Với kết quả bốc thăm như trên, cuộc đua giành 13 suất khu vực châu Âu dự vòng chung kết World Cup 2018 được dự đoán sẽ trở nên cực kỳ quyết liệt và gay cấn tới vòng đấu cuối cùng.

Theo Trung Phong/Nhandan.com.vn


    Ý kiến bạn đọc