Cách đây 65 năm, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc.
Để triển khai chỉ thị, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, lời kêu gọi đã trở thành động lực thôi thúc các phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng, động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc vượt qua mọi gian khổ hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trở thành các cao trào cách mạng của nhân dân, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người khẳng định: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua. Ta nhất định thắng. Địch nhất định thua” [[1]]. Thi đua phải là công việc của mọi người, mọi ngành không phân biệt nam, nữ, già, trẻ, nghề nghiệp, nơi cư trú. Từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng; từ các bà và chị em phụ nữ đến các cháu thanh niên; từ bộ đội dân quân đến nhân viên Chính phủ; từ giáo viên đến học sinh; từ sĩ, nông, công, thương binh đến kiều bào ở nước ngoài và đồng bào trong vùng bị tạm chiếm, cá nhân hay đoàn thể… đều là đối tượng của phong trào thi đua ái quốc. Và “thi đua không phải ngày một ngày hai, vào những dịp kỷ niệm, chào mừng nào đó mà thi đua là liên tục, toàn dân, toàn diện và thường xuyên”.
Song song với việc phát động các phong trào thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác khen thưởng. Người thường nhắc nhở: Khen thưởng là một việc làm quan trọng của công tác thi đua. Khen thưởng là sự công nhận của xã hội đối với công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của những người có công. Ngược lại, nếu khen thưởng không đúng, không kịp thời sẽ triệt tiêu động lực, thậm chí còn gây hậu quả xấu đối với công tác thi đua. Từ ý nghĩa đó, ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh Số 48b về việc tuyên dương công trạng hoặc tặng thưởng “Huy chương Quân công” cho những người có công trong việc giành độc lập dân tộc; tiếp đó ngày 6/6/1947, Người ký Sắc lệnh số 58 về việc đặt Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và quy định việc tặng thưởng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đem hết sức mình, tham gia kháng chiến, kiến quốc. Các phong trào thi đua ái quốc đã động viên, thu hút được hàng triệu, hàng triệu người hăng hái tham gia, tiêu biểu như phong trào: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… Trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước hàng loạt phong trào thi đua được phát động, điển hình là các phong trào lớn: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Đồng Khởi”, “Tổng tiến công nổi dậy”, phong trào thi đua giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, thi đua bám trụ “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Phất cao ngọn cờ”, ”Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong, “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”, “Dạy tốt, học tốt”, “Tiếng hát át tiếng bom”… Những phong trào thi đua lúc bấy giờ đã tiếp thêm sức mạnh, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, thực hiện công cuộc cải tạo xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc, làm hậu phương lớn cho Miền Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc.
Sau khi đất nước thống nhất, cả nước bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua tiếp tục phát triển sôi nổi rộng khắp và thu được kết quả có ý nghĩa thiết thực như các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc nhân dân”, “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới với khẩu hiệu thi đua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” nhiều phong trào phát động đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân cùng thi đua như phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Xoá đói giảm nghèo”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã thường xuyên phát động những phong trào thi đua phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, với nhiều nội dung thiết thực, hình thức phong phú, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc, mang lại hiệu quả cao trong đời sống xã hội, góp phần làm động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và của cả nước…Nhờ vậy, năm 2012 Hà Tĩnh đã vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, nhiều mục tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14% (kế hoạch 12,5 % đến 13%); GDP bình quân đầu người đạt 19,6 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt 4.100 tỷ đồng; sản lượng lương thực đạt 50,5 vạn tấn (kế hoạch trên 50 vạn tấn); giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 26,5% (kế hoạch trên 25%); giảm tỷ lệ hộ nghèo: 3,24% (kế hoạch 3 - 4%); tạo việc làm cho trên 2,8 vạn lao động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...Từ phong trào thi đua ái quốc, năm 2011, Hà Tĩnh vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua khen thưởng vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ vai trò của phong trào và công tác thi đua, khen thưởng nên cá biệt có nơi còn hình thức, hiệu quả chưa cao; việc triển khai một số chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về công tác thi đua ở một số đơn vị còn chậm; năng lực của một số cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng còn hạn chế…
Phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong công tác thi đua khen thưởng, đồng thời để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; công tác thi đua khen thưởng của tỉnh Hà Tĩnh cần được tiếp tục quan tâm, đổi mới. Cụ thể:
Thứ nhất, thường xuyên nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về vị trí, vai trò công tác TĐKT; quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; qua đó nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, ý thức gương mẫu của cán bộ, đảng viên, xây dựng thói quen và ý thức chấp hành nghiêm túc pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Thứ hai, đổi mới về nội dung công tác TĐKT. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các phong trào thi đua phải có chỉ tiêu cụ thể, phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với mọi đối tượng, đảm bảo tính công bằng hợp lý trong công tác thi đua. Định kỳ tổ chức các hình thức tôn vinh, gặp mặt các điển hình tiên tiến, các nhân tố mới.
Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng TĐKT, củng cố kiện toàn bộ máy tham mưu về công tác TĐKTcác cấp. Đổi mới nội dung và chú trọng việc kiểm tra, giám sát các hoạt động về thi đua, khen thưởng; đảm bảo tính khách quan, chính xác, kịp thời.
Thứ tư, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng. Thực hiện tốt chính sách khen thưởng, nắm vững tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng nhằm đảm bảo việc khen thưởng cho tập thể, cá nhân phù hợp với thành tích đạt được.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người cho đến hôm nay vẫn mang nhiều giá trị thực tiễn sâu sắc, luôn là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta về nhận thức, tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước; đặc biệt trong giai đoạn nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là “một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, lạc hậu, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” [[2]] thì công tác thi đua càng có vai trò quan trọng, là động lực mạnh mẽ động viên, cỗ vũ mọi tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Dương Trang -VPTU
[1] Thơ chúc tết Xuân Kỷ Sửu - 1949 của Hồ Chí Minh
[2] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)