Bám sát thực tiễn để chỉ đạo, đưa chính sách vào cuộc sống: Thực hiện Quyết định 26 - những điểm vướng
EmailPrintAa
08:21 31/10/2012

Sau khi Hà Tĩnh Online phản ánh những vướng mắc trong quá trình triển khai QĐ 26 về HTLS cho phát triển sản xuất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM tỉnh Lê Đình Sơn đã giải đáp và chỉ đạo hướng giải quyết những vấn đề đặt ra. “Tỉnh sẽ luôn bám sát thực tiễn để chỉ đạo và có sự điều chỉnh để chính sách thực sự đi vào cuộc sống’- Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đã khẳng định rõ điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn với PV Báo Hà Tĩnh.

PV: Xin ông cho biết, tại sao tỉnh lại quyết định ưu tiên nguồn vốn lớn trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để dành cho HTLS?

Ông Lê Đình Sơn: Nguồn vốn phân bổ cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được chia làm 2 nguồn: Vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp (hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh phí tuyên truyền tập huấn, hỗ trợ giải quyết vấn đề môi trường). Nguồn dành cho phát triển sản xuất trước đây thường được sử dụng để hỗ trợ trực tiếp các mô hình ở các địa phương. Năm 2012, sau quá trình đúc kết từ thực tiễn, với sự tham mưu của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ngân hàng Nhà nước và các sở, ngành liên quan, tỉnh quyết định dành phần lớn nguồn vốn phát triển sản xuất cho việc HTLS.

Muốn được HTLS, bản thân người nông dân phải chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và các mô hình kinh tế của họ phải đạt được tiêu chí về quy mô khá trở lên theo quy định của QĐ 26. HTLS không phải là cho không mà chỉ hỗ trợ một phần về lãi suất, tạo điều kiện cho người sản xuất có lợi nhuận cao trong phát triển kinh tế, thông qua hỗ trợ lãi suất chính là hướng dẫn cho người vay nâng cao năng lực cho chính họ. Nhờ đó, người dân cần phải có sự tính toán đầu tư thế nào cho hiệu quả để bảo toàn và phát huy nguồn vốn của gia đình và Nhà nước. Nguồn lực hỗ trợ là yếu tố kích cầu, còn chủ thể thực hiện là người dân - đây chính là mục tiêu căn bản mà chính sách HTLS cho phát triển sản xuất hướng tới.

Bên cạnh đó, thông qua các loại hình sản xuất được hỗ trợ, tỉnh cũng đồng thời định hướng người nông dân trong việc lựa chọn những sản phẩm chủ lực. Lợn, trâu bò, hươu, nuôi trồng thủy sản.... với những nhóm quy mô sản xuất phù hợp là những đối tượng được QĐ 26 hỗ trợ lãi suất.

Như vậy, QĐ 26 vừa thúc đẩy sự chủ động và vào cuộc tích cực của người nông dân trong việc xây dựng các mô hình sản xuất, vừa dẫn dắt họ tới những sản phẩm có định hướng thị trường. Chính quyền các cấp từ huyện đến xã và các ngân hàng cần thực sự dành sự quan tâm, tâm huyết thực hiện chính sách này để tạo nguồn lực lớn cho việc thực hiện đề án phát triển sản xuất ở các địa phương.

Mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình chị Nguyễn Thị Loan (Thạch Châu - Lộc Hà) được vay 200 triệu đồng theo QĐ 26

 PV: Thực tế ở nhiều địa phương hiện nay, hầu hết các xã khó sử dụng hết nguồn HTLS, đặc biệt là các xã nằm trong nhóm về đích trước năm 2015. Mặc khác, cũng có một số xã nằm ở nhóm sau, được phân bổ vốn ít nhưng nhu cầu vay vốn HTLS để phát triển sản xuất rất lớn. Tỉnh có sự chỉ đạo như thế nào đối với vấn đề này, thưa ông?

Ông Lê Đình Sơn: Nguồn vốn dành cho HTLS cho các mô hình sản xuất theo QĐ 26 là nguồn phân bổ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Vì vậy, có sự ưu tiên cho các xã trong nhóm về đích trước, là các xã điểm, theo đó, 3 xã về đích năm 2012 sẽ có nguồn lớn nhất, tiếp đó là 13 xã về đích 2013, 34 xã về đích 2015…

Qua kiểm tra thực tế hiện nay, nhiều xã đang còn tồn đọnggiải ngân chưa hết nguồn được phân bổ theo QĐ 26 trong năm 2012. Trong đó, các xã điểm về đích sớm nhưng phát triển sản xuất chưa mạnh sẽ càng thừa vốn nhiều hơn. Vì vậy, trên cơ sở đề xuất của các địa phương VP Điều phối chương trình xây dựng NTM, do chính sách mới ban hành, khả năng hấp thu chưa cao, UBND tỉnh đã thống nhất, trong năm 2012, tiền hỗ trợ lãi suất chỉ chiếm 15% trong tổng kinh phí hỗ trợ sản xuất theo nguồn phân bổ của TW. Mục tiêu là tạo điều kiện cho các địa phương chuyển nguồn HTLS sang các chính sách hỗ trợ khác: như giống cây trồng, hạ tầng hàng rào các mô hình để tận dụng tối đa nguồn được phân bổ trong năm 2012 cho đầu tư phát triển sản xuất.

Điều 7 của QĐ 26 đã quy định rõ: trường hợp số tiền HTLS thực tế vượt chỉ tiêu được thông báo thì được bổ sung chỉ tiêu hoặc bổ sung tăng kế hoạch năm sau. Vì vậy, một số xã được phân bổ nguồn vốn nhỏ trong khi nhu cầu sản xuất lớn nên đã hết nguồn, tỉnh chỉ đạo các huyện có sự điều chuyển kịp thời và hợp lý. Yêu cầu các xã khi nguồn HTLS đã hết mà vẫn còn những mô hình đủ điều kiện, đặc biệt là các mô hình lớn chưa được vay theo chính sách này thì đề xuất sớm với huyện để có sự điều chuyển kịp thời. Đối với các mô hình lớn, đủ điều kiện, khi cần, chính quyền xã có thể xác nhận hỗ trợ lãi suất để ngân hàng cho vay, sau đó tỉnh, huyện sẽ chuyển nguồn về để thực hiện chính sách hỗ trợ.

 Thông qua hỗ trợ lãi suất là hướng dẫn cho người vay nâng cao năng lực cho chính họ

PV: Thưa ông, nguồn kinh phí HTLS được cấp cho các địa phương theo sự phân bổ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM hàng năm. Trong khi đó, có những dự án sản xuất kinh doanh nhu cầu vốn dài 1,2 hoặc 3 năm. Vì vậy, nhiều xã băn khoăn phải xác nhận HTLS cho các mô hình trong thời gian như thế nào để vừa đúng quy định tài chính vừa đảm bảo quyền lợi cho hộ vay?

Ông Lê Đình Sơn: Điều 6 của QĐ 26 đã quy định rõ: các tổ chức tín dụng thực hiện HTLS cho các khoản vay mới cả ngắn, trung và dài hạn để đầu tư trực tiếp vào sản xuất, chế biến theo cơ chế tín dụng thông thường. Theo đó, chính sách không giới hạn thời gian vay mà chỉ giới hạn số tiền hỗ trợ cho một khách hàng vay vốn với mức tối đa: 1 tỷ đồng cho tổng mức vay 10 tỷ; 1,5 tỷ đồng cho tổng mức vay 10-20 tỷ và 2 tỷ đồng cho tổng mức vay trên 20 tỷ.

Chính sách HTLS được tỉnh thực hiện trong khoảng thời gian khá dài: từ năm 2012 kéo dài đến hết năm 2015. Nguồn HTLS cho năm 2012 còn chưa sử dụng hết và nguồn cho những năm tiếp theo sẽ tiếp tục được phân bổ cho các địa phương. Vì vậy, nếu dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đủ điều kiện để vay vốn theo QĐ 26 thì các địa phương cần mạnh dạn trong việc xác nhận hỗ trợ cho người dân. Phải căn cứ vào mục đích, nhu cầu vay vốn và thời gian thực hiện dự án để xác nhận thời gian được HTLS, không nên chưa làm đã lo thiếu nguồn trong năm sau. Tỉnh đảm bảo đủ nguồn và sẽ chủ động phân nguồn sớm từ đầu năm để việc HTLS không bị gián đoạn khi dự án vay vốn kéo dài từ năm nay sang năm sau.

Chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã cần vào cuộc quyết liệt, giúp người dân vận dụng nguồn hỗ trợ để xây dựng thành công các mô hìnhsản xuất

PV: So với nguồn dành đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn vốn phân bổ cho HTLS nói riêng và hỗ trợ phát triển nói chung ở các địa phương đang triển khai chậm hơn. Không ít lãnh đạo xã cho rằng, trong việc phân bổ vốn chương trình mục tiêu xây dựng NTM, nên ưu tiên nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng trước hết. Xin ông cho biết quan điểm của tỉnh về vấn đề này?

Ông Lê Đình Sơn: Nguyện vọng về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của các xã không sai nhưng trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM, vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có 19 tiêu chí bao hàm tất cả những nội dung về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng... nhưng mục tiêu hướng đến cuối cùng của chương trình này không phải là hoàn thành 19 tiêu chí mà là xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực làm chủ của người dân. Muốn vậy các địa phương phải xây dựng và thực hiện thật tốt các đề án phát triển sản xuất. Tỉnh đã và sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cũng như sự chỉ đạo cho nội dung trọng tâm này.

Trong việc phân bổ nguồn vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh yêu cầu các địa phương không được chuyển nguồn đầu tư cho phát triển sản xuất sang sử dụng các mục đích khác. Phải nhận thức rằng, người nông dân khó mà chủ động tiếp cận được chính sách, bởi vậy nếu chính quyền xã không chủ động và tâm huyết làm chiếc cầu nối đưa chính sách đến với người dân thì việc giải ngân nguồn vốn chậm là điều tất yếu. Nếu xã không giải ngân được nguồn vốn phát triển sản xuất, tỉnh sẽ chuyển cho các xã làm tốt, bởi vậy xã sẽ mất nguồn và người dân cũng mất quyền lợi. Cho nên, chính quyền xã cần thực sự vào cuộc trong quá trình tuyên tuyền, khuyến khích, hỗ trợ các hồ sơ thủ tục giúp người dân vận dụng nguồn lực hỗ trợ để xây dựng thành công các mô hình, thực hiện tốt đề án sản xuất, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

PV: Xin cảm ơn ông!


    Ý kiến bạn đọc