Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Lễ công bố QĐ thành lập Ban Nội chính |
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng cũng được hình thành, phát triển và tổ chức có hệ thống chặt chẽ từ trung ương đến cơ sở. Nhưng so với các ban khác của Đảng, thì đến ngày 5/1/1966 Ban Nội chính Trung ương mới được thành lập, với tên gọi ban đầu là Ban Pháp chế Trung ương. Năm 2007, Ban Nội chính và một số ban của Đảng được sáp nhập về Văn phòng Trung ương Đảng theo Quyết định số 45-QĐ/TW, ngày 11/4/2007 của Bộ Chính trị. Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã chủ trương lập lại Ban Nội chính Trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy. Đối với Hà Tĩnh, sau ngày tái lập tỉnh (ngày 01/9/1991), thực hiện Chỉ thị số 29 - CT/TW, ngày 8/11/1993 của Ban Bí thư Trung ương và Hướng dẫn số 146 -HD/NCTW, ngày 20/11/1993 của Ban Nội chính Trung ương, ngày 6/5/1994, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 68-QĐ/TU thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy. Sau một thời gian hoạt động, ngày 08/3/2001 thực hiện chủ trương của Trung ương, Ban Nội chính Tỉnh ủy được sáp nhập về Văn phòng Tỉnh ủy, sau đó được tổ chức thành Phòng Nội chính.
Thường trực Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng Ban Nội chính |
Thực hiện Quy định số 183-QĐ/TW, ngày 08/4/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, ngày 27/6/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 654-QĐ/TU thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy trên cơ sở sáp nhập Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh và Phòng Nội chính Văn phòng Tỉnh ủy. Sau một năm đi vào hoạt động với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Ban Nội chính Tỉnh ủy đã sớm ổn định tổ chức bộ máy, sắp xếp, kiện toàn các phòng, bộ phận chức năng để đi vào hoạt động hiệu quả (đến nay đã có 18 cán bộ, công chức, trong đó có 16 đ/c có trình độ đại học và trên đại học, 04 đ/c có trình cao cấp và cử nhân lý luận chính trị); xây dựng và ban hành Quy chế làm việc, chương trình công tác, chọn những nội dung công việc trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện; xây dựng quy chế phối hợp công tác với các ban Đảng, các cơ quan trong khối nội chính và các ngành liên quan về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng (Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra tỉnh…); phối hợp với các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về công tác nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới; nghiên cứu, rà soát các văn bản của Đảng, Nhà nước, của tỉnh liên quan đến công tác nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, Ban đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hoặc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của tỉnh.
Ban đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị về công tác đảm bảo an ninh trật tự và kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, 5 quy chế phối hợp, 8 kế hoạch, 23 báo cáo định kỳ, đột xuất và chuyên đề; thành lập tổ công tác để kiểm tra, giám sát đối với 4 vụ án phức tạp, được dư luận quan tâm, làm việc với các cơ quan tư pháp cấp tỉnh để kịp thời chấn chỉnh trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các cơ quan tư pháp cấp huyện theo tinh thần Chỉ thị 15-CT/TW; đưa 4 vụ án, 2 vụ việc vào diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án Nguyễn Đình Ân và đồng bọn phạm tội “vu khống và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”; vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” tại xã Xuân Viên, “Cố ý làm trái trong đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Cầu Bến Thủy 2” tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân; vụ án “Lợi dụng cấp đất trái thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng” tại xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ; vụ án “Chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái phép, gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản” tại xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà; vụ án “Gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản, đánh người gây thương tích” tại xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh và vụ án “Gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản và trộm cắp tài sản” tại Khu Kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh. Ban tiến hành khảo sát tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản; nắm tình hình, kết quả thực hiện công tác nội chính và phòng chống tham nhũng tại 12 huyện, thành, thị ủy; đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 25/2/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản theo Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị”. Hoạt động của Ban góp phần thúc đẩy, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan thực hiện tốt hơn nữa công tác nội chính và phòng chống tham nhũng; phát hiện nhiều vấn đề cần được xử lý tiếp theo, đồng thời đôn đốc các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, tồn đọng kéo dài, trong đó một số vụ đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, được dư luận đồng tình.
Bên cạnh đó, Ban Nội Tỉnh ủy đã hoàn thành tốt một số nhiệm vụ khác, như: sơ kết, tổng kết một số nghị quyết, chỉ thị, thông báo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Tỉnh ủy, trọng tâm là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX), 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21, Chỉ thị 15, Kết luận số 130 của Bộ Chính trị và sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đảm bảo an ninh trật tự xã hội và trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới; triển khai Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW và Thông báo 155-TB/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Giao ban định kỳ công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, qua đó tham mưu, đề xuất một số chủ trương, biện pháp mới; thẩm định một số văn bản có liên quan trình Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy; góp ý vào các dự thảo Luật, văn bản quy pham pháp luật; tham gia 9 đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về kiểm tra, giám sát nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; công tác tạm giữ, tạm giam; giải quyết khiếu nại, tố cáo; rà soát công tác cán bộ ở cơ sở; công tác xây dựng cơ sở an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu; việc thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn; quán triệt chuyên đề về phòng chống tham nhũng tại Trường Chính trị Trần Phú cho 4 lớp Trung cấp lý luận chính trị tập trung và 1 lớp chuyên viên chính; đôn đốc việc hướng dẫn nghiệp vụ công tác cho các đơn vị trong khối nội chính và cấp ủy cấp huyện.
Tại buổi làm việc giữa Ban Nội chính Trung ương với Thường trực Tỉnh ủy và các cơ quan nội chính Hà Tĩnh, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đánh giá cao kết quả công tác của Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh, thể hiện qua việc nhanh chóng ổn định tổ chức để đi vào hoạt động có nền nếp, cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; các đồng chí lãnh đạo Ban có tác phong sâu sát, cụ thể, làm việc với trách nhiệm cao; cán bộ, công chức chủ động, sáng tạo, tận tụy với công việc. Vai trò, vị thế của Ban được khẳng định, dư luận xã hội đánh giá tốt; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác nội chính và phòng chống tham nhũng; khẳng định chủ trương tái lập Ban Nội chính Tỉnh ủy là đúng đắn, thực sự là cơ quan tham mưu cho cấp ủy.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh |
Năm 2014 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình thế giới, khu vực, có những diễn biến khó lường. Các thế lực thù địch, phần tử phản động trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng hoạt động chống phá cách mạng nước ta. Tình hình tội phạm trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, bạo lực gia tăng, nhất là tội phạm có tổ chức, sử dụng “vũ khí nóng”, tội phạm ma túy, hành vi chống người thi hành công vụ. Việc thực hiện chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và một số chính sách xã hội khác còn có những bất cập, dễ dẫn tới khiếu kiện đông người, vượt cấp. Tình trạng tham nhũng chưa được đẩy lùi... Tình hình đó đặt ra trách nhiệm nặng nề cho Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan trong khối nội chính.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
- Nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của Ban Nội chính Tỉnh ủy, với tư cách là cơ quan tham mưu cho cấp ủy tỉnh về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng, về tầm quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng và vai trò cơ quan chủ đạo.
- Nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy, trong đó lưu ý 5 nhiệm vụ được nêu trong Quy định số 183-QĐ/TW, ngày 08/4/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và Quy định số 667-QĐ/TU, ngày 12/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Ban Nội chính Tỉnh ủy.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, từng bước xây dựng Ban Nội chính Tỉnh ủy có tổ chức chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cao, hoạt động nền nếp; có tổ chức đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; sự phân công, phối hợp giữa các phòng, bộ phận trong cơ quan hợp lý, hiệu quả cao; chuẩn bị tốt các lớp cán bộ kế cận. Cán bộ, đảng viên làm việc ở Ban Nội chính Tỉnh ủy phải có quan điểm chính trị vững vàng, gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm, say mê, đặc biệt là có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với cái sai; giữ mình trong sạch, liêm chính; làm việc có nguyên tắc; đồng thời nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, quy định về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng.
- Thiết lập mối quan hệ công tác, phối hợp chặt chẽ với các ban Đảng, các cơ quan trong khối nội chính, các cơ quan liên quan ở tỉnh, huyện. Cùng với đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy phải thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan nội chính nhằm tạo được sự chuyển biến rõ rệt, tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương; bảo đảm các vụ án tham nhũng phải được đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tin rằng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh sẽ phát huy tốt vai trò, vị thế, trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy và nhân dân tỉnh nhà trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng chống tham nhũng.
Đình Trọng (Ban Nội chính Tỉnh ủy)
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)