Bảo đảm ASXH - nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh nhà.
EmailPrintAa
16:06 29/07/2013

An sinh xã hội (ASXH) là một tiêu chí quan trọng đánh giá trình độ và chất lượng sự phát triển của các quốc gia. Mục tiêu “phát triển bền vững” phụ thuộc rất nhiều vào việc ban hành và thực hiện các chương trình ASXH. Một quốc gia càng phát triển càng đòi hỏi một hệ thống ASXH hoàn thiện. Điều này lý giải sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các quốc gia, các khu vực.

Có nhiều phạm vi và mô hình ASXH khác nhau ở những nước khác nhau, nhưng mục đích chung vẫn là đảm bảo mức sống cho tất cả mọi thành viên trong xã hội trước những rủi ro và tác động bất thường về kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt, các chính sách an sinh còn nhằm đảm bảo công bằng xã hội cho những đối tượng không tham gia vào quá trình kinh tế thị trường và bảo vệ họ trước những rủi ro, khó khăn và đe doạ mà không phải do chính họ gây ra; đảm bảo thu nhập và một số điều kiện thiết yếu khác cho cá nhân, gia đình và cộng đồng khi họ bị giảm hoặc không có thu nhập do mất việc làm, mất sức lao động, cho những người già, cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật, lao động di cư, những người yếu thế, đối tượng chính sách …; đảm bảo mọi người dân có mức sống trung bình, không rơi vào tình trạng bần cùng hoá. 

ASXH gồm các cấu thành: ưu đãi xã hội, cứu trợ xã hội, bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó BHXH là trụ cột quan trọng nhất. Đối với nước ta, bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nội dung chủ yếu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020. 

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 22/11/2012 nêu rõ “Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội”. 

Trong những năm qua, công tác bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước, bảo vệ tổ quốc. 

Năm 2012 tổng số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh là 817.000 người, chiếm 64% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ bao phủ BHYT là 63% dân số toàn tỉnh. Số người tham gia BHYT ước tính đến cuối tháng 6/2013 là 764.492 người, giảm 20.701 người so với cùng kỳ năm 2012.

Hàng năm, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh xét duyệt và thẩm định trên 5.000 hồ sơ hưởng các chế độ BHXH; thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH khoảng 66.000 người. Nhìn chung số lượng đối tượng hưởng các chế độ chính sách và kinh phí chi hiện nay ở Hà Tĩnh lớn so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ước tính đến cuối tháng 6/2013 đã chi trả hơn 1.234.803 triệu đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2012 cho các đối tượng hưởng BHXH, BHTN, BHYT kịp thời, đầy đủ. Quyền lợi khám, chữa bệnh cho người tham gia BHYT được đảm bảo. Công tác chi trả hiện nay chủ yếu đang thực hiện bằng tiền mặt, trả tận tay đối tượng tại các xã, phường, thị trấn. 

Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thực hiện cải cách hành chính, thực hiện quy  trình ‘‘Giao dịch một cửa’’ bắt đầu từ năm 2007. Hiện nay quy trình này cơ bản đã hoàn thiện, được áp dụng từ BHXH tỉnh đến BHXH các huyện, thành phố, thị xã, đáp ứng yêu cầu giải quyết các thủ tục, phục vụ tốt hơn, thuận tiện hơn đối với cơ quan, đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện công tác BHXH, BHYT trên địa bàn của tỉnh còn một số hạn chế, yếu kém. Trong một thời gian dài, chế độ BHXH ở nước ta chỉ mới tập trung đối với cán bộ viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng nên chưa mở rộng đến mọi người lao động trong xã hội. Trên địa bàn tỉnh, diện bao phủ bảo hiểm xã hội thấp, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh còn 37% dân số chưa có thẻ BHYT, số này chủ yếu thuộc đối tượng là nông dân, ngư dân, diêm dân, lao động tự do. Đây là thách thức lớn đối với việc thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân theo chủ trương của Đảng và Nhà Nước. Mặt khác, tình trạng nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp còn nhiều; tháng 6 đầu năm 2013 số nợ của các đơn vị là 42.322 triệu đồng, trong đó: Nợ BHXH 36.408 triệu đồng; nợ BHYT 4.196 triệu đồng. Việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp chưa thực sự được quan tâm. Hàng trăm doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh đi vào hoạt động nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) và yêu cầu về chất lượng phục vụ của người có thẻ BHYT ngày càng cao trong khi đó khả năng đáp ứng còn hạn chế. Bệnh nhân có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh ở tuyến Trung ương và ngoại tỉnh nhiều, chi phí hàng năm cho KCB ngoại tỉnh chiếm khoảng 30% nguồn kinh phí khám, chữa bệnh BHYT (toàn tỉnh 120 tỷ đồng/năm). Người có thẻ BHYT còn phàn nàn về chất lượng phục vụ, chuyển tuyến điều trị, sử dụng thuốc trong điều trị và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh. Giá nhiều loại thuốc thanh toán BHYT mặc dù đã được đấu thầu, nhưng vẫn cao hơn so với thị trường (trong khi đó chi phí thuốc chiếm đến 60% chi phí khám chữa bệnh). Mặt khác, công tác truyền thông, tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu ; nhiệm vụ tuyên truyền chính sách BHYT được phân công cho nhiều cấp, nhiều ngành nhưng chưa cụ thể, rõ ràng. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên và sâu rộng, các hình thức tuyên truyền bằng báo viết, báo hình, trang thông tin điện tử chưa phát huy được hiệu quả, rất khó cho người dân tiếp cận. 

Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trên, trước tiên phải kể đến nguyên nhân khách quan từ thực tiễn kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong những năm gần đây: gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng và suy giảm kinh tế thế giới, phân hoá giàu nghèo gia tăng, thu nhập của người dân còn thấp. Vì thế mục tiêu phát triển bền vững không dễ dàng thực hiện, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống ASXH càng không hề đơn giản. Bên cạnh đó, BHXH ở Việt Nam được triển khai với 3 loại hình là: bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp; hiện cả nước có khoảng 53,1 triệu lao động, gần 89 triệu dân song mới chỉ có 9,6 triệu người thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH, tập trung chủ yếu ở khu vực hành chính - sự nghiệp và kinh tế nhà nước. Đây là con số khiêm tốn vì nhiều lao động làm công ăn lương từ ba tháng trở lên không tham gia BHXH. Trong một thời gian dài, BHXH không được nhìn nhận là một vấn đề xã hội cấp bách. Chính quyền và người dân đều tỏ ra thờ ơ với BHXH, “văn hoá bảo hiểm” chưa phổ biến. Mặc dù trong luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã quy định các hình thức bảo hiểm bắt buộc, tự nguyện, song nhu cầu và khả năng tham gia của hơn 70% dân số nông thôn vào các loại hình ASXH này là rất hạn chế. Đa số không có lương hưu, thiếu việc làm và công tác bảo đảm ASXH và BHXH còn thấp.  

 Trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan bảo hiểm xã hội ở địa phương trong việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa chặt chẽ. Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện luật bảo hiểm xã hội và luật bảo hiểm y tế chưa được thường xuyên. Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được hiện đại hóa và còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa chủ động tiếp cận với người lao động và người sử dụng lao động. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được quan tâm đúng mức. Mặt khác, tình trạng nợ đọng BHXH ở các doanh nghiệp do làm ăn thua lỗ, nhiều đơn vị không có khả năng trả nợ. Một số đơn vị đăng ký tham gia BHXH, nhưng sau đó không giao dịch với cơ quan BHXH. Ngoài ra, một số đơn vị hành chính sự nghiệp cấp tỉnh, huyện còn nợ số tiền đóng BHTN do chưa được ngân sách cấp đủ kinh phí. 

Từ những hạn chế và nguyên nhân trên cho thấy: vấn đề về xây dựng một hệ thống ASXH vững chắc và lớn mạnh đang là mục tiêu cấp thiết của nước nhà. Đối với Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh thành cả nước nói chung, thực hiện ASXH là trách nhiệm xã hội tất yếu và cần được ưu tiên hàng đầu. Giải pháp quan trọng nhất chính là mở rộng tư duy, nhìn nhận vấn đề ASXH theo chiều hướng “nhìn xa trông rộng”, có làm được cuộc cách mạng tư duy thành công từ các ngành các cấp cho đến mọi tầng lớp nhân dân thì mới thực sự đạt được một nền ASXH toàn diện, đảm bảo phát triển bền vững. Trước mắt, cần tiếp tục thực hiện nhanh chóng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH, BHYT, kế hoạch hành động số 108/CTr-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT; nâng cao tầm nhận thức cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT. Khi nhận thức về ASXH và tầm quan trọng của BHXH của cán bộ, nhân dân được nâng lên thì chính sách ASXH mới thực sự đi vào đời sống. Bên cạnh đó, cần có khen thưởng, biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt; đồng thời phê phán, xử lý nghiêm các đơn vị và cá nhân vi phạm, đặc biệt các cơ quan, ban ngành đoàn thể cần xem mình là người tiên phong, đi đầu làm gương về đảm bảo chế độ BHXH, BHYT cho cán bộ, công nhân viên. 

Thứ hai, phát triển, mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn toàn tỉnh. Cần đưa ra những chính sách hỗ trợ ưu việt hơn nữa trong việc đóng góp một phần kinh phí từ ngân sách địa phương, nhằm khuyến khích người dân, nhất là người có thu nhập dưới mức trung bình tham gia BHYT, đặc biệt là đồng bào vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, nên có những chính sách hỗ trợ các hộ gia đình gặp rủi ro, rơi vào tình trạng nghèo đói do thiên tai, dịch bệnh, tai nạn...

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia BHXH, BHYT, nâng cao chất lượng phục vụ và thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Đổi mới, hoàn thiện phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, bảo đảm tốt quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT.

Thứ tư, thực hiện minh bạch, công khai và tăng cường quản lý hoạt động các cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được khám chữa bệnh đúng quy trình, được hưởng dịch vụ y tế đồng đều nhau. Đồng thời, hạn chế, ngăn chặn tình trạng trục lợi quỹ BHYT, lạm dụng các chỉ định dịch vụ y tế kỹ thuật cao và sử dụng thuốc đắt tiền.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về BHYT, BHXH. Tăng cường  phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và BHXH ở các cấp trong việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Quản lý tốt đối tượng đóng và tham gia BHYT, BHXH từ cơ sở. Củng cố và tăng cường quản lý Quỹ BHXH, quỹ BHYT bảo đảm thu, chi hiệu quả và an toàn theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. 

Để tăng trưởng kinh tế cần những yếu tố thị trường, nhưng để ổn định và phát triển bền vững cần có ASXH. Trong quá trình này, vai trò chủ đạo của nhà nước là không thể thiếu. Đảng ta đã chỉ rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020 “Phát triển hệ thống ASXH đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm”.

Với sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, tin tưởng rằng, tỉnh Hà Tĩnh sẽ triển khai thực hiện thành công chương trình hành động số 108/CTr-UBND ngày 11/4/2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, thúc đẩy nền ASXH tỉnh nhà ngày càng phát triển mạnh mẽ, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. 

Khánh Huyền - VPTU


    Ý kiến bạn đọc