Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
13:34 14/11/2013

Suốt dọc chiều dài đất nước, mỗi vùng đất, mỗi miền quê đều có những di tích, danh lam thắng cảnh, nơi lưu giữ tình đất hồn người dân việt. Đó chính là vốn di sản văn hóa quí báu có giá trị rất lớn trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, giáo dục truyền thống và phát triển du lịch. Sau khi Nghị quyết TW5 (khóa VIII) ra đời, Ban hấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-TU của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa Hà Tĩnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5. Nhờ làm tốt công tác tham mưu, định hướng, tuyên truyền nên việc thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Đặc biệt trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, trong những năm qua, các ngành chức năng đã tham mưu, triển khai nhiều hoạt động như tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân; điều tra, nghiên cứu, kiểm kê và xét duyệt xếp hạng các di tích; lập quy hoạch, chiến lược và huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích được xếp hạng; quản lí, khai thác giá trị di sản văn hóa gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn Hà Tĩnh… 

Trước năm 1998, trên địa bàn tỉnh chỉ mới có hơn 30 di tích được xếp hạng, hầu như chưa có di tích nào được trùng tu, tôn tạo lớn; các di sản văn hóa phi vật thể hầu như chưa được quan tâm đúng mức, đến nay, tỉnh ta có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích quốc gia 339 di tích cấp tỉnh; 01 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp (Ca Trù). Hiện đã lập hồ sơ khoa học trình UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh), Danh nhân văn hoá thế giới (Đại thi hào Nguyễn Du), 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Đường Hồ Chí Minh và Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trần Phú). Nhiều di tích quốc gia sau khi xếp hạng đã được trùng tu, tôn tạo một cách cơ bản. Tính đến năm 2012 có 40 di tích quốc gia và 81 di tích cấp tỉnh đã được đầu tư chống xuống cấp. Công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học được quan tâm triển khai và thu được nhiều kết quả có giá trị như khai quật Lũy đá cổ tại xã Kỳ Lạc, di chỉ khảo cổ học Cồn Sò tại xã Thạch Lạc, di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi tại xã Xuân Viên, nghiên cứu hệ thống Giếng Chăm tại Hà Tĩnh, khảo sát khảo cổ học ven chân núi Hồng Lĩnh… nhờ đó đã phát hiện nhiều hiện vật, tư liệu quý phục vụ nghiên cứu khoa học và định hướng phát triển nền văn hóa Hà Tĩnh. Tại di chỉ Bãi Cọi - Phôi Phối, qua ba lần tổ chức khai quật vào các năm 2009, 2010 và 2012 đã phát hiện nhiều hiện vật độc đáo, theo nhận định bước đầu của các nhà nghiên cứu, đây là điểm giao thoa của hai nền văn hóa cách đây 2500 - 2000 năm là văn hóa Đông Sơn (phía bắc) và Sa Huỳnh (phía nam). Đặc biệt tại di chỉ khảo cổ học Thạch Lạc, lần đầu tiên các nhà khảo cổ đã phát hiện được một ngôi mộ cổ với hài cốt còn tương đối nguyên vẹn (hiện nay đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh) cùng với hàng trăm hiện vật thu được, bằng phương pháp tính tuổi tuyệt đối AMS (Accelerator Mass Spectrometry) cho biết niên đại của di chỉ Thạch Lạc trong khoảng 4.800 năm đến 4.400 năm. Phát hiện này đã chứng minh rằng tại vùng đất Thạch Lạc từ rất xa xưa đã có sự xuất hiện và cư trú của con người và chính họ đã tạo ra một nền văn hoá mang bản sắc riêng…

Văn hóa phi vật thể và các hình thức sinh hoạt cộng đồng được quan tâm, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Ca Trù, Chèo Kiều ở Nghi Xuân, hát sắc bùa ở Kỳ Anh, ví phường vải ở Can Lộc, hát giặm ở Thạch Hà, ví đò đưa ở Đức Thọ, lễ hội cầu Ngư ở Cẩm Xuyên… Các lễ hội truyền thống như đua thuyền ở xã Trung Lương, thị trấn Hương Khê, xã Cẩm Nhượng, lễ hội Báo ân Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ ở Hồng Lĩnh, lễ hội Chùa Hương Tích ở huyện Can Lộc, lễ hội Đền Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu Kỳ Anh, lễ hội Đền Chiêu Trưng, chùa Chân Tiên ở Lộc Hà, Đền Nen, lễ hội Chăm cha bới ở bản Rào Tre, Hương Khê… được khôi phục và phát huy. Nhiều hội thảo, đề tài khoa học cấp quốc gia và cấp tỉnh, cấp ngành được triển khai nghiên cứu; nhiều ấn phẩm khoa học có giá trị được biên tập, xuất bản như Từ điển Hà Tĩnh, Di tích danh thắng Hà Tĩnh, Ca Trù Cổ Đạm, Làng cổ Hà Tĩnh, Lễ hội Hà Tĩnh, Địa chí Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Kỳ Anh, Hương Khê, các tập kỷ yếu hội thảo khoa học về văn hiến Hà Tĩnh, Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Phan Đình Phùng, Ngô Đức Kế, Trần Phú, Hà Huy Tập, Ngã ba Đồng Lộc…Đặc biệt, ngoài việc huy động nguồn kinh phí các cấp, chủ trương xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã được triển khai sâu rộng và thu được nhiều kết quả. Tính đến nay, đã huy động được nguồn xã hội hóa gần 500 tỷ đồng cho công tác bảo tồn di sản văn hóa, gấp gần 5 lần nguồn vốn ngân sách.

Có thể khẳng định rằng, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể được quan tâm, bảo tồn và lưu giữ có hiệu quả, đời sống văn hoá của nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều nét mới trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức được hình thành, các giá trị về văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc được phổ biến, đề cao…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh đang gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định, đó là: Tình trạng xâm hại, lấn chiếm, hoạt động mê tín, dị đoan vẫn còn diễn ra tại một số di tích lịch sử văn hóa trong tỉnh; nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hàng năm rất hạn hẹp trong khi nguồn ngân sách tỉnh và các địa phương hết sức khó khăn, việc kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội hóa ngày càng hạn chế, nhất là đối với các di tích lịch sử, cách mạng, di sản văn hóa phi vật thể. Hoạt động lễ hội truyền thống còn bộc lộ nhiều thiếu sót, đó là việc tổ chức lễ hội nhiều nơi còn lộn xộn, còn để xẩy ra tình trạng đốt vàng mã, xin xăm, xóc thẻ, hàng quán bày bán tràn lan, chèo kéo khách, vứt rác bừa bãi… Các loại hình văn hóa phi vật thể rất dễ bị mai một theo thời gian nhưng việc gìn giữ, bảo tồn khó khăn vì lực lượng nghệ nhân mỏng, tuổi cao, nguồn kinh phí tổ chức các lớp truyền dạy còn hạn chế. Công tác phát triển, sưu tầm và lưu giữ các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống, các môn thể thao, trò chơi truyền thống... chưa được quan tâm thường xuyên.

Để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng này chúng ta cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền các cấp, các tổ chức và nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc. Ưu tiên đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích cấp quốc gia, di sản văn hoá thế giới, các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, lễ hội tiêu biểu. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp, ngành, cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tham gia, tổ chức và hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về di tích, thực hiện tốt xã hội hóa bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với quản lý bằng pháp luật, đặc biệt thực hiện tốt quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm đem lại những giá trị nhân văn - một vấn đề công chúng quan tâm./.

Hồng Lam – BTG TU


    Ý kiến bạn đọc