Bất cập trong chính sách an sinh xã hội với chính sách DS-KHHGĐ
EmailPrintAa
09:38 21/11/2013

Trong khi những hộ nghèo đông con được hưởng nhiều chế độ như: vay vốn ưu đãi, hưởng các khoản trợ cấp của Nhà nước, con đi học được miễn giảm học phí, miễn đóng thuế nhà đất... thì những gia đình thực hiện tốt chính sách dân số lại không được hỗ trợ gì mặc dù hoàn cảnh của họ hết sức khó khăn. Điều này vô hình trung gây khó khăn trong việc tuyên truyền người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.

Vợ chồng anh Võ Hồng Sơn và chị Trần Thị Hà (thôn Quang Trung, xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) có 2 con nhưng chỉ có 2 sào ruộng, quanh năm vất vả mà không đủ ăn. Từ ngày chị Hà sinh cháu thứ 2, sức khỏe giảm sút, nay đau mai yếu. Thành ra, nguồn sống của cả nhà trông vào những ngày công phụ hồ của anh Sơn. Chị Dương Thị Hường – cộng tác viên dân số thôn Quang Trung cho biết: “Xóm có 60 hộ thuộc diện nghèo nhưng khi xét hộ nghèo thì phải “giơ lên, đặt xuống” mãi. Gia đình anh Sơn mặc dù hoàn cảnh nghèo, nhưng khi bình xét, họ nói, 2 vợ chồng chỉ nuôi 2 đứa con nên không được”.

Chị Phan Thị Bích Ngại – chuyên trách dân số xã Thịnh Lộc chia sẻ: “Việc bình xét hộ nghèo dựa vào nhiều tiêu chí, chủ yếu là dựa vào thu nhập, nhưng một trong những yếu tố được lưu ý nhất là việc gia đình đó đông con hay không. Bên cạnh đó, việc xử phạt những gia đình vi phạm chính sách dân số lại không được thực hiện. Điều này dẫn đến tâm lý “đẻ nhiều con đã có hộ nghèo” của một số người dân. Đây là bất cập trong chính sách an sinh xã hội (ASXH) với chính sách DS-KHHGĐ, ảnh hưởng rất lớn đến công tác truyền thông dân số và cũng chính là điều mà những người làm công tác DS-KHHGĐ luôn trăn trở. Bởi trong khi họ phải lặn lội đến từng thôn xóm để vận động người dân “dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt” thì đồng bào lại có cái lý: đẻ nhiều thì được hộ nghèo, mà được hộ nghèo thì có nhiều cái lợi hơn.

Trong khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã ổn định quy mô dân số, đạt mức sinh thay thế và tiến tới nâng cao chất lượng dân số thì tỉnh ta vẫn đang loay hoay nỗ lực giảm sinh. Vấn đề cấp bách hiện nay là thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm sinh, thực hiện tốt chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ nhưng hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện chính sách dân số còn nhiều khó khăn, trong đó có sự bất cập trong chính sách ASXH với chính sách DS-KHHGĐ. Trong khi những hộ nghèo, đông con được hưởng nhiều chế độ như: vay vốn ưu đãi, hưởng các khoản trợ cấp của Nhà nước, con đi học được miễn, giảm học phí… thì những gia đình thực hiện tốt chính sách dân số lại không được hỗ trợ gì mặc dù hoàn cảnh của họ hết sức khó khăn. Điều này gây khó khăn trong việc tuyên truyền người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, đặc biệt, khi mà ngày càng nhiều người dân có tâm lý muốn sinh con “dự phòng” thì công tác tuyên truyền lại càng khó khăn hơn.

Rõ ràng, việc sinh đông con đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân và tạo gánh nặng cho xã hội. Chính sách ASXH là phải lo cho người nghèo nhưng lại không song hành với biện pháp xử lý những gia đình vi phạm chính sách dân số. Để giải quyết vấn đề này, các chương trình dân số cần được lồng ghép với phát triển KT-XH, đặc biệt là lồng ghép thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo với giảm các chỉ tiêu về dân số cho các đối tượng là hộ nghèo để từng bước đẩy lùi nghèo đói và nâng cao chất lượng dân số.

Anh Mai Khắc Trung – Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc (Can Lộc): Thực tế, chính quyền địa phương không hề có tiêu chuẩn đẻ nhiều con mới được bình xét hộ nghèo, nhưng khi bình xét ở cơ sở, người dân sẽ lưu ý, quan tâm đến gia đình đông con hơn. Điều này vô tình “khuyến khích” người dân sinh nhiều con và ỷ lại vào hộ nghèo, gây khó khăn cho công tác DS-KHHGĐ. Nắm bắt được thực trạng đó, hàng năm, khi bình xét hộ nghèo, chúng tôi đều lưu ý đến việc chấp hành chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước của hộ nghèo. Nếu đã là hộ nghèo mà vẫn sinh thêm con, vi phạm chính sách dân số thì chúng tôi không xem xét hộ nghèo vào năm sau

.Chị Đoàn Thị Huệ - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Can Lộc: Trong các cuộc họp giao ban, chuyên trách dân số các xã vẫn thường phản ánh bất cập trong bình xét hộ nghèo dẫn đến khó khăn trong công tác tuyên truyền. Nắm bắt được tâm lý đó, chúng tôi luôn tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền để lãnh đạo làm việc với chuyên trách XĐGN nhằm phối hợp để làm tốt công tác rà soát, tránh tình trạng một số gia đình “cố gắng nghèo”, sinh nhiều con để được hộ nghèo.


    Ý kiến bạn đọc