Cả thệ thống chính trị cần vào cuộc phòng chống dịch
EmailPrintAa
08:23 24/02/2014

Sáng 23/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo báo cáo, đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh cúm A(H7N9) trên người. Tuy nhiên, dịch gia tăng đột biến và lan rộng đến các tỉnh biên giới Trung Quốc, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất cao.

Đối với dịch cúm A (H5N1), trong 2 tháng đầu năm 2014, sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh, nước ta tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp. Các trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm vi rút cúm A (H5N1).

Riêng với bệnh sởi, tại Việt Nam, từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 cả nước đã có 18 tỉnh, thành phố đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi. Để kiểm soát dịch sởi, khẩn trương khống chế dịch sởi, giảm số mắc và biến chứng do sởi, song song với việc tăng cường tiêm chủng thường xuyên, Bộ Y tế triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vác xin sởi trên toàn quốc. Theo đó, từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2014, trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi trên toàn quốc chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc xin sởi sẽ được tiêm vắc xin.

Tại Hà Tĩnh, từ ngày 13/2/2014 đã xuất hiện dịch cúm trên đàn gia cầm tại 4 thôn của 2 xã Cẩm Quan và Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên). Ngành Thú y đã tiến hành điều tra, lấy mẫu xác định 4 mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A (H5N1) trên đàn gia cầm. Số gia cầm được tiêu hủy là 2.667 con. Ngành Y tế đang theo dõi sức khỏe hàng ngày cho 55 người có tiếp xúc với gia cầm ốm, chết. Hiện tại các cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến và chỉ đạo quyết liệt nhằm hạn chế lây lan gia cầm sang gia cầm và gia cầm sang người. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm A(H5N1), A (H7N9) trên người.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, mặc dù cúm A(H7N9) chưa xảy ra ở Việt Nam nhưng các ngành, các địa phương cần tập trung tuyên truyền sâu rộng đến người dân về cách phòng, chống dịch bệnh. Công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9) cần cả thệ thống chính trị vào cuộc; các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ đối phó với dịch. Đối với công tác tiêm chủng vác xin sởi và tiêm vét vác xin sởi cần được đẩy mạnh, đồng thời thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng trước và trong thời gian triển khai tiêm chủng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiện đề nghị cần đẩy mạnh các hoạt động của đoàn liên ngành về phòng chống dịch cúm gia cầm. Sở Y tế cần triển khai, kiện toàn các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động, tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ; chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch nếu có ca bệnh. Sở NNPT&NT triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch trên gia cầm. Sở Công thương phối hợp với các ngành tăng cường giám sát, kiểm tra ngăn ngừa gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc thẩm lậu vào địa bàn.


    Ý kiến bạn đọc