Cách mạng tháng Tám và bài học vận động quần chúng
EmailPrintAa
09:24 19/08/2015

70 năm trôi qua nhưng trong tâm khảm của nhiều thế hệ người dân Việt Nam nói chung, Hà Tĩnh nói riêng thì ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 19/8 trong cao trào Cách mạng tháng Tám 1945 vẫn còn âm vang hào khí sôi nổi và niềm tự hào dân tộc lớn lao. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã để lại nhiều bài học lịch sử vô giá, trong đó, có bài học về công tác vận động quần chúng của Đảng.

 

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sau thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945.Ảnh tư liệu

 

Điểm lại trang sử dân tộc những năm tháng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa, không thể không nhắc lại một dấu mốc quan trọng: Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập. Trước những thay đổi mạnh mẽ của tình hình trong nước và trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị T.Ư lần thứ VIII ở Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng, quyết định chuyển hướng sự chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu đó, hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, các giới... tham gia mặt trận. Mặt trận Việt Minh lấy cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu lấy khẩu hiệu là “phản Pháp - kháng Nhật - liên Hoa, độc lập”. Tôn chỉ mục đích là: “Liên hiệp hết thảy tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. (*)

Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, tại các vùng căn cứ địa cách mạng và khắp cả nước, công cuộc chuẩn bị mọi mặt tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền được diễn ra một cách gấp rút, mạnh mẽ. Toàn dân tham gia Mặt trận Việt Minh, ủng hộ Việt Minh, từ tầng lớp nông dân, trí thức, tiểu tư sản cho tới các đảng phái, các hội, đoàn thể... Theo lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã đứng lên giành chính quyền tháng 8/1945.

 

Những năm qua, Hà Tĩnh đã làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua sản xuất. Trong ảnh là Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương do Phó trưởng ban Ngô Thị Doãn Thanh dẫn đầu tham quan mô hình kinh tế trang trại 25 ha, cho thu nhập bình quân hàng năm trên 1 tỷ đồng của hộ ông Nguyễn Nhật Tân (thôn Tây Trà, xã Hương Trà, Hương Khê)

 

 Có thể nói, Mặt trận Việt Minh là một trong những điển hình thành công của Đảng về công tác mặt trận. Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công đến nay, trong các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong thời kỳ xây dựng, đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng công tác tập hợp, vận động quần chúng thành một khối để thực hiện các phong trào hành động cách mạng. Mỗi thời kỳ có một tên gọi khác nhau: Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) trong kháng chiến chống Pháp; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở Việt Nam được thành lập ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ và MTTQ Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay, MTTQ Việt Nam đã làm tốt vai trò tập hợp, lôi cuốn, vận động quần chúng vào các phong trào hành động cách mạng, tạo nên làn sóng yêu nước mạnh mẽ và to lớn, đánh thắng kẻ thù xâm lược và kiến thiết đất nước, xây dựng non sông đàng hoàng, to đẹp như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Trong thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay, trước những khó khăn và thách thức của khủng hoảng kinh tế thế giới và âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhân lên bài học về công tác vận động quần chúng của Đảng ta trong Cách mạng tháng Tám. Cần khơi dậy sức lực, trí tuệ, tiềm năng của toàn dân, tạo nên những phong trào hành động cách mạng trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh Tổ quốc; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sáng kiến tăng năng suất lao động; vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập...

Sức mạnh quần chúng nhân dân là vô cùng to lớn và mạnh mẽ. Cần tăng cường tuyên truyền, vận động để dân hiểu về mục đích, ý nghĩa, cách thức tiến hành các phong trào để dân tự giác và sẵn sàng tham gia, góp phần làm nên thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”.

(*) Tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

 Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc