Cần cơ cấu, bố cục quy định về TAND thành một chương riêng trong Dự thảo Hiến pháp
EmailPrintAa
08:35 20/03/2013

Triển khai công tác lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, kịp thời, và hiệu quả. Sau một thời gian ngắn, toàn tỉnh đã tổ chức hàng ngàn cuộc họp, hàng vạn người tham gia và có hàng trăm ngàn ý kiến đóng góp một cách trí tuệ, thẳng thắn, có chất lượng. Dưới đây là ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về góc nhìn tố tụng.

- Dự thảo Hiến pháp đã bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, cơ cấu, bố cục của Dự thảo về tổ chức quyền lực nhà nước vẫn chưa phân định rõ ràng theo chức năng cơ bản của mỗi loại cơ quan. Cần cơ cấu, bố cục quy định về Tòa án nhân dân thành một chương riêng trong Dự thảo Hiến pháp.

Có thể thấy rằng, Tòa án nhân dân là cơ quan duy nhất thực hiện chức năng tư pháp (xét xử), vì vậy cần tách thành một chương riêng, độc lập trong Hiến pháp để khẳng định vị trí, vai trò của Tòa án trong cơ cấu tổ chức Bộ máy Nhà nước và đây cũng là thông lệ chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, về chức năng, nhiệm vụ giữa Tòa án và Viện kiểm sát là hoàn toàn khác nhau, một số cơ quan khác mặc dù thực hiện hoạt động tư pháp nhưng không phải là cơ quan tư pháp. Do vậy, cần quy định về quyền tư pháp của Tòa án nhân dân thành một chương độc lập riêng để phân định rõ chức năng tư pháp (xét xử) thuộc duy nhất Tòa án.

Ngoài ra cũng cần quy định thêm về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc phối hợp, kiểm soát thực hiện quyền lực Nhà nước.

- Khoản 3, Điều 107 của Dự thảo quy định: “Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt”. Rõ ràng, việc quy định thành lập Tòa án đặc biệt không nên quy định tại Chương VIII. Bởi vì, đây là chương quy định về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, trong khi Tòa án đặc biệt không nằm trong hệ thống Tòa án nhân dân, mà đây là Tòa án do Quốc hội quyết định thành lập trong tình hình đặc biệt. Do vậy, cần quy định thẩm quyền thành lập Tòa án đặc biệt của Quốc hội trong Chương V (quy định về Quốc hội) của Dự thảo.

- Khoản 3, Điều 109 của Dự thảo cần bổ sung quy định chức năng của Tòa án nhân dân tối cao trong việc giải thích luật và phát triển án lệ. Vì thực tiễn hiện nay Tòa án tối cao đã thực hiện nhiệm vụ giải thích luật thông qua việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Việc bổ sung chức năng giải thích luật và phát triển án lệ của TAND tối cao sẽ góp phần đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng, thống nhất, từ đó đảm bảo sự bình đẳng của mọi tổ chức và công dân trước pháp luật và sẽ bổ khuyết kịp thời những “lỗ hổng” khi pháp luật chưa kịp điều chỉnh để bảo vệ quyền lợi người dân tốt hơn. Đồng thời, bổ sung nội dung này cũng là để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.

- Điều 111 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nên bỏ từ “nhân dân” và sửa lại như sau: Bản án quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Việc bỏ cụm từ “nhân dân” nhằm thống nhất với khoản 1 Điều 32 của Dự thảo “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Mặt khác, ngoài Tòa án nhân dân còn có Tòa án quân sự và Tòa án đặc biệt (do Quốc hội thành lập theo Điều 107 Dự thảo) thì Bản án, quyết định đó cũng phải cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành.

- Về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân: chúng tôi hoàn toàn nhất trí như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hiện nay là vẫn quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện 2 chức năng, đó là: thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Quy định về Viện kiểm sát nhân dân như Dự thảo là xuất phát từ các quan điểm đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và phù hợp với thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.


    Ý kiến bạn đọc