Cần hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
EmailPrintAa
08:36 13/03/2013

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Nghiên cứu các nội dung của dự thảo luật này, xin đóng góp một số ý kiến như sau:

1. Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại chương IV dự thảo luật. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm đúng mức đến việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; khai thác, sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh lương thực và thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, QPAN của đất nước.

Đồng đất “bờ xôi ruộng mật” 9,12 ha ở xã Thiên Lộc (Can Lộc) "nằm chờ" dự án.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương trong thời gian qua là tình trạng quy hoạch “treo”, quy hoạch, kế hoạch không ổn định, hay bị thay đổi gây khó khăn cho đời sống của nhân dân trong các vùng quy hoạch.

Vì vậy, trong Chương IV của dự thảo luật, tại Điều 34 (nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất), đề nghị bổ sung một nguyên tắc hết sức quan trọng là: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đảm bảo ổn định, lâu dài, hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Mặt khác, thời hạn công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất “không quá 30 ngày, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” quy định tại Điều 46 dự thảo luật là quá dài. Bởi vì khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì không có lý do gì để trì hoãn việc công bố.

Thực tế cho thấy quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất càng sớm được công bố công khai bao nhiêu thì càng tạo thuận lợi cho việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch và có lợi cho người dân trong vùng quy hoạch bấy nhiêu. Vì vậy, đề nghị rút ngắn thời hạn công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ không quá 30 ngày xuống không quá 15 ngày kể từ ngày quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.

2. Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Chương VI của dự thảo. Ban soạn thảo đã hệ thống hóa hầu hết các văn bản pháp luật hiện hành về lĩnh vực này vào trong dự thảo. Do đó, các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự thảo đáp ứng các yêu cầu: rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng. Tuy nhiên, ngoài các cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định trong dự thảo, chúng tôi đề nghị cần bổ sung thêm một cơ chế mới là: việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh được thực hiện theo sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất.

Trường hợp giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất không thỏa thuận được thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất quyết định việc bồi thường, hỗ trợ theo quy định của luật này. Quy định như vậy là nhằm mục đích khuyến khích các nhà đầu tư hỗ trợ thêm cho người bị thu hồi đất. Thực tế thời gian qua đã có nhiều dự án, nhà đầu tư đã áp dụng cơ chế này, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm cho người dân có nơi ở tốt hơn, nhanh chóng ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất, được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ.

3. Về giá đất quy định tại mục 2 Chương VIII của dự thảo luật, đề nghị nên giao cho UBND tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để ban hành bảng giá đất vào ngày 1 tháng 1 hàng năm. Không nên quy định xây dựng bảng giá đất theo định kỳ 5 năm một lần, vì như vậy sẽ dẫn đến sự chậm trễ của các địa phương trong việc điều chỉnh giá đất khi có sự biến động về giá cả thị trường, gây thiệt hại cho người sử dụng đất hoặc gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Mặt khác, nên quy định cho UBND tỉnh trên cơ sở nguyên tắc, phương pháp định giá đất được quyền quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với từng dự án cụ thể với điều kiện không được thấp hơn bảng giá đất. Có như thế thì giá đất mới phù hợp với đặc thù của từng dự án, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, miền, địa phương.


    Ý kiến bạn đọc