Cần quy định rõ hơn vị trí, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân
EmailPrintAa
07:59 16/04/2013

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác lập rõ ràng hơn việc phân công, phân nhiệm và cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, phù hợp với thông lệ lập pháp của các nước trên thế giới...

Cụ thể: Dự thảo quy định Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; Chính phủ thực hiện quyền hành pháp; tòa án nhân dân (TAND) thực hiện quyền tư pháp. Như vậy là đã đảm bảo quyền lực nhà nước thống nhất, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Tuy nhiên, trong Dự thảo quy định cơ quan TAND, viện kiểm sát nhân dân (KSND) đưa vào một chương (Chương 8) là không phù hợp. Vì trong thực tế, 2 cơ quan này hoàn toàn khác nhau về tổ chức, vai trò, vị trí, nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn. TAND thực hiện quyền tư pháp. Vậy viện KSND thực hiện nhánh quyền lực nào? Chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của viện KSND ra sao trong bộ máy nhà nước? Vì thế, tôi xin góp ý như sau:

Việc xác định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của viện KSND như trong Dự thảo là chưa rõ ràng. Cần quy định viện KSND thành 1 chương riêng; thể hiện tính lôgic, rành mạch trong việc phân định quyền lực từng cơ quan trong chỉnh thể thống nhất quyền lực nhà nước quy định trong Hiến pháp mới năm 2013 này. Đồng thời, giao thêm nhiệm vụ, chức năng bảo vệ pháp luật, kiểm sát việc tuân theo pháp luật, kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật, truy tố tội phạm ra tòa án; ban hành kiến nghị, kháng nghị các hành vi, văn bản vi hiến đến Hội đồng Hiến pháp để xử lý theo quy định của pháp luật.

Về vị trí của viện KSND trong bộ máy nhà nước: Là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước khác và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một nguyên tắc cần được khẳng định trong Hiến pháp nhằm đảm bảo tính thống nhất của pháp chế, tạo điều kiện cho viện KSND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Do đó, đề nghị bổ sung Khoản 1 Điều 112 (Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992) là: Viện KSND là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Quy định như vậy mới khẳng định đầy đủ vị trí, vai trò của Viện KSND trong bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN.

Về chức năng, nhiệm vụ của viện KSND: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: “Bảo đảm tốt hơn các điều kiện để viện KSND thực hiện hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp”.

Viện KSND không chỉ có trách nhiệm truy tố, buộc tội kẻ phạm tội trước pháp luật mà còn có trách nhiệm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội, kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp. Khi phát hiện các vi phạm trong hoạt động tư pháp, luật quy định cho Viện KSND thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cá nhân, cơ quan hữu quan chấn chỉnh khắc phục vi phạm. Thực tiễn cho thấy, nhiều quyết định kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của viện kiểm sát mặc dù có căn cứ nhưng không được cơ quan hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành.

Do đó, để viện KSND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đảm bảo tính thống nhất của pháp chế XHCN, đề nghị bổ sung Điều 112 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Các quyết định kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của Viện KSND phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành”. Quy định như vậy cũng để viện KSND đề cao vai trò, trách nhiệm của mình khi ban hành các quyết định kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp.


    Ý kiến bạn đọc