Cẩn trọng với các bệnh thời điểm giao mùa
EmailPrintAa
08:02 02/04/2013

Vào thời gian cuối xuân sang hè, thời tiết tuy nắng ấm nhưng thỉnh thoảng có những đợt gió mùa đông bắc làm tiết trời trở lạnh đột ngột. Đây là nguyên nhân khiến cho trẻ em và người già dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, tim mạch...

Giao mùa xuân - hè là thời điểm số lượng trẻ ốm đau, nhập viện tăng do khí hậu thay đổi và thời tiết thuận lợi để các dịch bệnh bùng phát. Thời tiết nóng như đầu hè sẽ là nguyên nhân chính gây nên một số bệnh cho trẻ như viêm họng, viêm phế quản, tiêu chảy… Đặc biệt, trẻ em là đối tượng có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, rất dễ mắc những bệnh nguy hiểm. Tại phòng khám bệnh, BVĐK Thạch Hà, chị Hà (thị trấn Thạch Hà), đưa con trai 2 tuổi tới khám cho biết: Mấy ngày nay, thời tiết nóng, khó chịu nên con chị bị ho, sốt cả ngày đêm, thở khò khè, ra mồ hôi trộm”.

Bác sĩ (BS) Hoàng Thanh Lực – Giám đốc BVĐK Thạch Hà cho biết: “Trong tháng 3, Bệnh viện đã tiếp nhận 220 trẻ đến khám và điều trị (tăng gần 50 trẻ so với tháng 2). Trong đó, 80% trẻ đến khám và điều trị bệnh viêm đường hô hấp. Ngoài ra, trẻ nhập viện do bị thủy đậu, quai bị và sốt virut cũng có nhưng không nhiều. Thời tiết giao mùa rất nguy hiểm đối với người già có tiền sử bệnh tăng huyết áp, phổi, phế quản và nhiều bệnh mãn tính khác. Tuy nhiên, thời điểm này, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh liên quan đến tim mạch tăng không nhiều và cũng chưa ghi nhận trường hợp nào nguy kịch”.

Theo BS Nguyễn Chí Trung - Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), giao mùa là thời điểm có tỷ lệ người mắc cao các loại cúm mùa, đặc biệt là trẻ em. Bên cạnh đó, các bệnh quai bị, rubela cũng đang xuất hiện ở một số địa phương. Ngoài ra, do thời tiết nắng ấm nên nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi… cũng phát triển. Đây là nguồn lây nhiễm bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm.

Để phòng tránh các bệnh thường gặp đối với trẻ em vào thời điểm giao mùa, theo BS Hoàng Thanh Lực, người lớn phải chú ý đến trẻ em nhiều hơn; cho trẻ em ăn uống đầy đủ, chơi ở nơi thoáng mát, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Đặc biệt là khi cho trẻ ra ngoài, vì nhiều cha mẹ chủ quan, thấy trời nắng ấm tưởng trẻ nóng nên không cho mặc đủ ấm. Thời điểm giao mùa, mặc dù trời nắng nhưng gió vẫn lạnh, trẻ đang ở trong nhà cho ra ngoài trời đột ngột rất dễ bị cảm lạnh hoặc bị viêm phế quản.

Theo BS Nguyễn Chí Trung, để phòng tránh tốt dịch bệnh, sự vào cuộc của cán bộ y tế chưa đủ mà cần có sự tham gia phòng chống, giám sát, kịp thời phát hiện của mỗi người dân. Bản thân mỗi người cần phải chủ động trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho chính mình và người thân. Đối với trẻ em, cha mẹ cần được tư vấn và đưa trẻ đến các cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng các loại bệnh như: cúm, thủy đậu, rubela… Ngoài ra, người dân không nên chủ quan với bệnh sốt xuất huyết mà nên phòng tránh muỗi đốt và vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng để giảm thiểu tác nhân gây bệnh.


    Ý kiến bạn đọc