Cần xác định rõ hơn cơ chế giám sát
EmailPrintAa
08:15 08/04/2013

Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội, trong thời gian qua, việc tiến hành lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã và đang diễn ra sôi nổi khắp cả nước...

Lâu nay, cơ chế giám sát của chúng ta phải qua nhiều chủ thể, tầng nấc, trong khi vai trò giám sát tối cao của Quốc hội chưa thực sự được phát huy đúng tầm. Hơn thế, giám sát Hiến pháp chưa có sự phân biệt với các loại giám sát khác.

Mặc dù Hội đồng Hiến pháp đã được quy định chức trách, nhiệm vụ, song đó không phải là cơ quan tài phán độc lập mà là một cơ quan chính trị, do Quốc hội thành lập, không có địa vị pháp lý độc lập. Khi có sai phạm Hiến pháp, cơ quan này kiến nghị Quốc hội và các cơ quan nhà nước xem xét; bởi vậy, rất khó đóng vai trò bảo hiến. Từ thực tế này, nên chăng cần phải thành lập Tòa án Hiến pháp độc lập hoặc bổ sung quyền lực cho cơ quan Hội đồng Hiến pháp sao cho cơ quan này hoạt động có tính độc lập, từ đó góp phần tăng quyền lực tư pháp (do Tòa án và Viện Kiểm sát đảm trách) vốn là vấn đề lâu nay đang tồn tại nhiều hạn chế.

Thứ 2, về vai trò lãnh đạo của Đảng. Cần khẳng định vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử và trong cuộc cách mạng hiện nay. Tuy nhiên, Hiến pháp cần làm rõ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội để “các tổ chức Đảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật”; bàn kỹ và bổ sung về quyền và nghĩa vụ của Đảng. Mục đích của những vấn đề này là phân rõ quyền lực, tránh tình trạng quyền lực thuộc về nhiều chủ thể như bấy lâu, đồng thời làm rõ trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân trước những quyết định của mình. Ví dụ Hiến pháp quy định Chủ tịch nước “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân” (khoản 5 Điều 93) nhưng Tổng Bí thư Trung ương Đảng mới là Bí thư Quân ủy Trung ương, tức là người lãnh đạo cao nhất lực lượng này.

Thứ 3, cùng với việc bổ sung quyền, nghĩa vụ của Đảng, Hiến pháp cần làm rõ cơ chế giám sát Đảng của nhân dân (kể cả giám sát bầu cử trong Đảng, lựa chọn bổ nhiệm cán bộ), đặc biệt là cơ chế giám sát chế độ bảo hiến. Thực hiện được điều này thì bản chất của Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” và vai trò nhân dân – chủ thể của đất nước mới được thể hiện rõ. Điều này đồng nghĩa với việc hạn chế được tình trạng lạm quyền của một số chủ thể quyền lực, gia tăng sức mạnh cho nhân dân, chủ thể được xác định là “ông chủ”.

Thứ tư, cần khẳng định và làm rõ vai trò, vị thế quan trọng của lực lượng doanh nhân. Khi đất nước càng phát triển, vai trò của lực lượng này càng thể hiện rõ. Do đó, để khẳng định sức mạnh xã hội và kiểm soát một cách hợp pháp lực lượng xã hội, Khoản 1, Điều 2 cần bổ sung lực lượng này, bởi vì hiện tại Dự thảo còn ghi: “… mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Ngoài ra, một số vấn đề khác về tính chặt chẽ và hình thức diễn đạt cần phải sửa chữa như: điều 65 và 66 đều nói về giáo dục nên gộp lại cho ngắn gọn, diễn đạt dễ hiểu. Một số khoản trong Điều 64 quy định về văn hóa, văn học, nghệ thuật, theo tôi là còn rườm rà nên ngắn gọn, bởi vì các quy định cụ thể thì đã có luật và văn bản dưới luật.

Hiến pháp càng cô đúc, chặt chẽ càng tốt. Cần thống nhất các diễn đạt như “nơi ở hợp pháp” trong Điều 36 và “chỗ ở hợp pháp” trong Điều 37, cụm từ “theo pháp luật” (ở Điều 11, 32, 54), “theo quy định của pháp luật” (Điều 31, 56, 58), “theo quy định của luật” (Điều 58).


    Ý kiến bạn đọc