Nghị quyết 46-NQ/TW, ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới khẳng định: Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn, xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền”.
Trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực ngành Y tế có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong thời gian qua, nhất là từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 03 -NQ/TU, ngày 03/11/2011 “về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến năm 2015 và những năm tiếp theo”, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao y đức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành y; tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi để đội ngũ thầy thuốc phát huy năng lực.
Hiện nay, mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh có 17 đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh (1 bệnh viện đa khoa, 3 bệnh viện chuyên khoa, 2 chi cục và 11 trung tâm, trạm chuyên khoa); tuyến huyện, thành, thị có 12 bệnh viện, 12 trung tâm y tế dự phòng, 12 trung tâm Dân số kế hoạch hoá gia đình; 262 trạm y tế xã, phường, thị trấn, Tổng số cán bộ, viên chức y tế công lập có 4.666 người (bình quân 36 cán bộ y tế/1 vạn dân). Cán bộ y tế xã, phường có 1.374 người, (bình quân mỗi trạm y tế có 5 cán bộ, 164 trạm y tế có bác sỹ, đạt tỷ lệ 62,5%); trên 90% thôn, bản có nhân viên y tế; 100% xã, phường có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi.
Cùng với cơ cấu nhân lực từng bước được điều chỉnh phù hợp thì chất lượng nguồn nhân lực y tế cũng được nâng cao. Hiện nay, toàn ngành có 681 bác sỹ (tăng 162 bác sỹ so với năm 2005) trong đó có 2 tiến sỹ, 44 thạc sỹ, 25 bác sỹ chuyên khoa II, 181 bác sỹ chuyên khoa I và 429 bác sỹ (bình quân 5,61 bác sỹ/1vạn dân). Về dược có 1 thạc sỹ, 4 chuyên khoa I và 23 đại học, (bình quân 0,18 dược sỹ/1 vạn dân). Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế luôn được ngành và các địa phương quan tâm. Từ năm 2005 đến nay, toàn ngành đã đào tạo và đào tạo lại 958 cán bộ y tế cấp huyện, 820 nhân viên y tế thôn, bản; gửi đào tạo 139 bác sỹ. Nhiều cán bộ được gửi đi đào tạo chuyên ngành kỹ thuật cao, thực hiện được các kỹ thuật theo phân tuyến, các dịch vụ khám, chữa bệnh bằng kỹ thuật mới, chuyên sâu. Ngoài ra, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế từng bước chấn chỉnh, khắc phục.
Tuy nhiên, xét theo nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân thì nguồn nhân lực ngành Y tế của Hà Tĩnh hiện nay đang còn nhiều bất cập. Tình trạng thiếu cán bộ có trình độ đại học và sau đại học, có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm ở các lĩnh vực khám chữa bệnh đến dự phòng cũng như khối quản lý và mất cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực khá phổ biến (thiếu bác sĩ, dược sĩ, cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học; thừa y sĩ, điều dưỡng trung học, cán bộ hành chính). Đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm trong chăm sóc, phục vụ người bệnh của một bộ phận cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn vẫn còn nhiều hạn chế …
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và cải thiện tình hình về nhân lực y tế của tỉnh trong thời gian tới, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý cán bộ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo có định hướng cụ thể, thiết thực, kết hợp hài hoà giữa đào tạo theo hệ thống bằng cấp chính quy với đào tạo chuyên sâu theo chuyên đề, nâng cao kỹ năng thực hành. Kết hợp giữa đào tạo và bồi dưỡng, đào tạo mới và đào tạo lại, đào tạo một cách toàn diện cả về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý kinh tế phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tiễn của địa phương. Chú ý đào tạo chuyên môn đi đôi với nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn và phục vụ bệnh nhân.
Thứ hai: Trên cơ sở chiến lược phát triển nguồn nhân lực và mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân mà cấp ủy, chính quyền tỉnh đã xác định, cần chú trọng và phát triển hình thức đào tạo theo địa chỉ. Hàng năm ngành Y tế có kế hoạch và quy hoạch chỉ tiêu nhân lực cần đào tạo để tham mưu và làm cơ sở cho UBND tỉnh ký hợp đồng với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để đào tạo đủ chỉ tiêu. Đối tượng học theo chỉ tiêu này phải cam kết sau khi ra trường nhất thiết về địa phương công tác và được tỉnh hỗ trợ kinh phí trong quá trình học tập.
Thứ ba: Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách phù hợp trong việc khuyến khích thu hút, đãi ngộ cán bộ phù hợp với trình độ năng lực và mức độ cống hiến, có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ công tác tại vùng khó khăn, miền núi; có biện pháp điều tiết, hạn chế sự mất cân đối thu nhập giữa hệ khám chữa bệnh với hệ dự phòng và quản lý hành chính.
Với việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nhóm giải pháp trên, tin rằng công tác phát triển nguồn nhân lực của ngành y tế trong thời gian tới sẽ có những bước phát triển góp phần quyết định vào việc nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong tỉnh.
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)