Chương trình hành động của UBND tỉnh phải cụ thể hóa các giải pháp thực hiện
EmailPrintAa
08:35 04/11/2015

Sáng 3/11, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự thảo Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII. Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Hồng Lĩnh, Đặng Quốc Khánh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị cùng dự.
 

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Chương trình hành động là cụ thể hóa nghị quyết. Do đó, cần điều chỉnh một số điểm trong phần nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá. Giải pháp thực hiện phải đồng bộ và đầy đủ trên các lĩnh vực.

 

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015-2020, UBND tỉnh xây dựng dự thảo chương trình hành động, nêu rõ mục đích yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá và các giải pháp tổ chức thực hiện, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm tập trung vào 5 nhóm, lĩnh vực: kinh tế, VH-XH, môi trường, phát triển đô thị, giữ vững ổn định chính trị.

 

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Tú Anh đóng góp ý kiến vào dự thảo chương trình hành động

 

Dự thảo chương trình hành động cũng xác định rõ các khâu đột phá, gồm: Đa dạng hoá huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng sớm trở thành khu kinh tế động lực có tầm cỡ quốc gia, quốc tế; thực hiện đồng bộ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; đầu tư phát triển các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại gắn xây dựng nông thôn mới; phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và liên kết vùng, liên vùng và khu vực.

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Ngọc Sơn: Khâu đột phá cần làm rõ nội dung xây dựng nông thôn mới, bởi đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong nghị quyết đại hội của các huyện.

 

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá trên, dự thảo nêu rõ các giải pháp tổ chức thực hiện chủ yếu như: Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế- xã hội; thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với tiếp tục triển khai thực hiện 5 đề án, nhiệm vụ trọng tâm; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống; tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền; thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hộ

 

Giám đốc Sở Công thương - Trần Nhật Tân: Nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá một số vấn đề còn chồng chéo hoặc chưa cụ thể; cần làm rõ hơn các giải pháp; bổ sung nội dung thu hút đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, chế biến vào khâu đột phá.

 

Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo chương trình hành động, đồng thời tập trung phân tích, đóng góp, bổ sung một số ý kiến. Theo các đại biểu, chương trình hành động đã xác định rõ được các nội dung, nhiệm vụ trong tâm và đặc biệt đã đưa ra được các giải pháp cần tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, chương trình hành động cần tập trung, cụ thể hơn nữa, nhất là bổ sung, làm rõ thêm một số khâu đột phá.

 

Cục trưởng Cục thuế - Đinh Nho Hậu: Khâu đột phá nên đưa thêm việc tập trung huy động các nguồn lực. Trong giải pháp cải cách hành chính cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Cả hệ thống chính trị phải tập trung cao độ và có lộ trình cụ thể để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm và đến 2020.

 
 

Giám đốc Sở VHTT&DL – Bùi Đức Hạnh: Khâu đột phá cần xác định lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Trong phần nhiệm vụ trọng tâm cần xác định chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ.

 

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp, xây dựng của lãnh đạo các đơn vị, sở ngành, địa phương, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của chương trình hành động.

Nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không hoàn toàn phụ thuộc vào chương trình hành động. Chương trình hành động là cụ thể hóa nghị quyết, cụ thể hóa các giải pháp tổ chức thực hiện”, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu bộ phận soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, chọn lọc các ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Về bố cục, cần điều chỉnh để logic hơn; bổ sung, điều chỉnh một số điểm trong phần nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá; phần giải pháp phải đồng bộ và đầy đủ trên các lĩnh vực. Đặc biệt, trong phát triển kinh tế cần làm rõ nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng; thực hiện 5 đề án có thời gian dài hơn, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm triển khai thực hiện trong năm 2016.

Nhiệm vụ trọng tâm trên lĩnh vực kinh tế (dự thảo):

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 22%/năm. Đến năm 2020: GRDP bình quân đầu người đạt trên 120 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng (khu vực nông thôn đạt 65 triệu đồng); tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trên 56%, dịch vụ trên 34%, nông, lâm nghiệp, thủy sản dưới 10%; trên 50% số xã và 3 - 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Phấn đấu năm cuối kỳ thu ngân sách trên địa bàn đạt 46.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa trên 24.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD.

Theo Thanh Hoài – Mai Thủy/Baohatinh.vn


    Ý kiến bạn đọc