Chuyện kể của người phi công lái chuyên cơ cho Bác Hồ
EmailPrintAa
08:35 17/05/2012

Tháng 3 -1969, đường Hà Nội bị bom đạn cày xới, phi công Trần Ngọc Bích nhận mật hiệu “chuyên cơ A” đón Bác từ sân bay Nội Bài về Phủ chủ tịch. “Khi lên máy bay đồng chí Vũ Kỳ và đồng chí Trần Đăng Ninh đỡ Bác lên. Khi hạ cánh, Bác tự bước xuống nhưng tôi vẫn nhận ra Bác yếu đi rất nhiều. Từ đó tôi không bao giờ nhận mật hiệu “chuyên cơ A” nữa và cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Bác”, ông Bích bắt đầu câu chuyện về Bác…
Người phi công lái chuyến cơ ấy quê ở thôn Vạn Phúc Trung, xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Thật xúc động ngay trong gian nhà từ đường của ông Bích có dành một gian đặt bàn thờ Bác. Ông cho biết cứ đến ngày mồng một, ngày rằm ông thường thắp hương lên bàn thờ Bác. Đặc biệt đến ngày sinh nhật và ngày giỗ của Bác ông tự mình đi mua hương hoa, trà bánh bày lên bàn thờ. Bác đối với ông như người cha trong đời.
1 - Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Trần Ngọc Bích đã nhập ngũ vào tháng 10 -1953. Đến tháng 2 -1956, ông được tuyển chọn đi sang tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc học lái máy bay. Tháng 4 -1958, ông tốt nghiệp lớp máy bay TU2 (máy bay ném bom), ở Trường số 2, Quân giải phóng Trung Quốc. Vào thời điểm đó tình hình trong nước có một số biến động, ông Bích phải chuyển sang học lớp máy bay AN2 (vận tải). Sau khi hoàn thành khóa học tháng 2-1960, ông về nước tham gia vào Đoàn bay 919, thuộc Quân chủng phòng không không quân Viêt Nam. “Vào thời điểm đó nước ta chỉ có ba chiếc máy bay trực thăng, chưa có người lái, Liên Xô cử một chuyên gia dạy lái máy và một thợ sửa máy sang giúp đỡ. Khi chuyên gia Menlêép lái máy bay đưa Bác đi công tác đã thiếu lái phụ nên tôi được đảm nhận nhiệm vụ đó. Không lâu sau Đoàn bay 919 có một tổ bay phục vụ Bác và Bộ chính trị”, ông Bích tâm sự.

Từ 1960 đến 1969, người phi công trẻ Trần Ngọc Bích không biết bao nhiêu lần lái chiếc máy bay VN51Đ và chiếc máy bay Lốc xoáy 48 đưa Bác Hồ đi công tác xa. Có lẽ ấn tượng nhất vào mùa hè năm 1963, ông lái máy bay đưa Bác về Tuyên Quang, thăm đồng bào, thăm lại căn cứ địa cách mạng Tân Trào. Ông Bích kể, ngày đó ở Tuyên Quang trời nắng như lửa đốt, đất ruộng nứt nẻ. Đi cùng với Bác có đồng chí Phạm Ngọc Thạch, đồng chí Vũ Kỳ và đồng chí Trần Đăng Ninh. Buổi chiều máy bay đáp xuống Tuyên Quang, nên lịch trình của Bác phải nghỉ đêm. Sáng hôm sau, ăn sáng xong, ông Bích đã lái máy bay đưa đoàn vào Tân Trào. Hôm đó trời đã trưa, máy bay vừa hạ cánh xuống cánh ruộng lúa vừa gặt xong, Bác đi bộ đến một khe suối và nói với mọi người rửa tay chân rồi ăn cơm. Nhìn Bác cởi trần, mặc một chiếc quần cộc, dùng tay khoát nước lên người, ông Bích không ngờ trên thế giới này lại có một vị Chủ tịch quá đỗi giản dị như thế. “Không có bữa cơm nào mà bình dị như bữa cơm ở Tân Trào năm 1963. Bác cùng với đoàn đã trải một chiếc ni lông, dùng dao thái từng nắm cơn đùm. Bác bốc cho mỗi người một miếng cơm và nói “các chú ăn no vào, tối chúng ta mới về đến Hà Nội”. ông Bích nhớ lại.

 Đại tá Trần Ngọc Bích đang xúc động trong những hồi ức về Bác

Đến bây giờ ông Bích không ngờ mình lại được may mắn lái máy bay cho một vĩ Lãnh tụ giản dị, gần gũi với dân như con. Thăm đồng bào ở Tuyên Quang, Bác đi đối dép cao su bốn quai, mặc bộ quần áo ka ki. Sau khi ăn uống, ở Tân Trào điều đầu tiên Bác dặn là: “Các chú phi công chuẩn bị máy bay, Bác nói chuyện với đồng bào xong là ta về”. Nhưng qua cửa máy bay ông Bích vẫn thấy một vị Lãnh tụ đứng giữa cánh đồng mùa hè nắng chang chang, mồ hôi ướt đẫm, nói chuyện với người dân ở các Bản. Ông Bích cho đó là cảnh tưởng xưa nay hiếm đối với một Nguyên thủ quốc gia. “Không có một Nguyên thủ quốc gia nào như Bác. Người bước ra giữa cánh đồng vừa gặt xong lởm chởm gốc rạ, đồng bào vây lấy Người. Anh Ninh thấy có người đưa cho một chóp lá tro đã cầm chạy ra che để Bác nói chuyện. Đúng là một khung cảnh rất ít người làm được như Bác!”.
2 - Những năm lái máy bay đưa Bác đi công tác hay đi thăm đồng bào ông Bích nhận ra ở vị cha già dân tộc có một cái gì đó rấtgần gủi. Lần đầu tiên làm phụ lái cho Menlêép, ông rụt rè, e ngại khi nghĩ tiếp xúc với Bác sẽ rất khó. Nhưng sau khi được Bác hỏi thăm quê quán và dặn: “Cháu cố học lái cho bằng anh, bằng em” thì ông Bích mới biết trong suốt cuộc đời hy sinh vì dân vì nước, Bác rất quan tâm đến người khác cho dù đó là một anh lính tập sự.

Ông Bích nhớ rất rõ hai lần được Bác gọi lên Phủ Chủ tịch ăn cơm. Một lần vào năm 1963, sau khi lái máy bay đưa Bác và Anh hùng vũ trụ Ti tốp đi thăm Vịnh Hạ Long về, Bác đã cho người gọi tổ bay ông Bích lên Phủ Chủ tịch cùng ăn cơm. Lần thứ hai, cả đội bay đang tập thể dục, nghe có người đến thông báo: đội bay anh Bích lên Phủ Chủ tich ăn cơm, Bác đang đợi. Vậy là ai nấy mừng vui, vừa đi vừa hát. “Ăn cơm với Bác thì tôi được ăn nhiều rồi. Nhưng được Bác gọi lên Phủ Chủ tịch ăn cơm, xem phim thì mới hai lần. Tôi cảm giác ăn cơm với Bác ở Phủ Chủ tịch hình như ranh giới giữa một Nguyên thủ quốc gia với một người lái máy bay tầm thường như tôi không còn ranh giới nữa. Bác xem tất cả mọi người như con của một nhà”. Ông Bích còn nhớ, mỗi lần đi công tác, Bác thường đi bộ từ Phủ Chủ tịch ra sân Cột Cờ, sân Quần Ngựa. Người thường đưa, đón Bác là lúc thì anh Tài, lúc thì anh Tín. Ông nhớ mãi lần anh Đặng Tín đi đón Bác. Trên đường về anh Tín xin Bác chiếc huy hiệu. “Đang cùng Bác về Phủ Chủ tịch, anh Tín có nói, “Bác ơi, Bác tặng cháu chiếc huy hiệu”. Thấy anh Tín râu tốt, thường lười cạo, râu cứ lún phún, Bác rất từ tốn: “Ai cũng được cả, nhưng chú cạo bộ râu đi cái đã". Nghe thế anh Tín dạ và cười bẻn lẽn.

 Trong nhà từ đường của mình, ông Bích luôn thành kính dành riêng một góc đặt bàn thờ Bác Hồ

3 - Hình ảnh thời điểm lịch sử tháng 3 -1969, ông Bích không thể nào quên được. Năm đó máy bay Mỹ ném bom, cầu Long Biên bị hư hỏng nặng, đường ra sân bay Nội Bài bị chia cắt. Ngày hôm đó ông Bích nhận mật hiệu “chuyến cơ A” đi đón Bác từ sân bay Nội Bài. “Tôi vẫn nhớ chuyến bay đưa Bác từ sân bay Nội Bài về Phủ Chủ tịch. Hôm đó trời chập choạng tối, tôi đã lái máy bay chờ Bác ở sân bay. Khi Bác bước lên máy bay để về Phủ Chủ tịch tôi nhận ra, Bác đã gầy yếu đi rất nhiều, không biết có còn ngồi máy bay đi thăm đồng bào được nữa không? Và từ đó tôi không nhận được mật hiệu “chuyên cơ A” hay thấy một ông Cụ bước đi rất thanh thoát từ Phủ Chủ tịch lên máy bay. Đó là “chuyến cơ A” cuối cùng của lịch sử Hàng không Việt Nam”, ông Bích lặng người khi kể đến đây.
Sau đó không lâu ông Bích cùng đội bay đi an dưỡng tại Tam Đảo. Rồi một ngày đầu tháng 9 - 1969, tổ bay này nhận tin Bác mất, ai cũng oà khóc nức nở mặc cho nước mắt tuôn chạy xuống gò má. Ông Bích không dấu được cảm xúc kể về ngày đó: “Cuối tháng 8 -1969, chúng tôi nghe Đài tiếng nói Việt Nam thông báo Bác lâm bệnh nặng. Rồi hai, ba ngày sau Đài đưa tin Bác mất, ai cũng vỡ òa trong tiếng khóc thương tiếc. Trong tổ bay, có người nói từ nay chúng ta không còn được chở Bác đi thăm đồng bào dân tộc miền núi, thăm lại chiến khu xưa, rồi nay đi thăm đồng bào miền Nam khi đất nước thống nhất. Bác đã ra đi mãi mãi !”.


    Ý kiến bạn đọc