Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: VẪN CÒN NHIỀU CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VI PHẠM
EmailPrintAa
09:44 24/06/2013

Sáng ngày 21/6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh (Khóa XV) về tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2005-2010. Báo cáo tổng kết và các ý kiến tham luận tại Hội nghị cho thấy, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết (Nghị quyết được ban hành vào ngày 16/7/2005), công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã có những chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp trong tình hình mới.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ và Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh (Khóa XV), các cấp ủy Đảng, chính quyền đã đưa các chỉ tiêu dân số vào Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm để tổ chức thực hiện, xác định kết quả thực hiện công tác dân số là một trong những căn cứ đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ trong xếp loại tổ chức cơ sở Đảng cuối năm. Việc triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết cũng như các chủ trương, chính sách DS-KHHGĐ của Đảng, Nhà nước được tổ chức tương đối rộng khắp, thường xuyên đã góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của lãnh đạo các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. 

Đối với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, sự thay đổi rõ nhất, có thể kiểm chứng được đó là nhiều huyện, xã từ chỗ trước năm 2005 chỉ giao tiêu chí nhưng không bố trí kinh phí thì nay đã giao chỉ tiêu cùng với bố trí ngân sách địa phương cho công tác DS-KHHGĐ. Trong 7 năm qua, nguồn ngân sách các huyện là 4 tỷ 396 triệu đồng; ngân sách xã là 8 tỷ 273 triệu đồng, vượt mức Nghị quyết 13 quy định, bằng 11,47% so với ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ. Trong khi đó, ngân sách của Trung ương và của tỉnh đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ tăng qua từng năm, từ năm 2005 đến năm 2012 tổng cộng là 80 tỷ 362 triệu đồng.

Đối với các tầng lớp nhân dân, hiệu quả tác động lớn nhất đó là số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tự nguyện thực hiện mô hình gia đình 2 con ngày càng tăng. Trong các địa phương thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, nổi bật là phường Nam Hồng (Thị xã Hồng Lĩnh) với việc làm tốt công tác truyền thông, xây dựng được đội ngũ cán bộ dân số nhiệt tình tâm huyết, giảm rõ rệt tỷ lệ sinh con thứ 3; xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn) là địa phương đi đầu trong việc đưa công tác DS-KHHGĐ vào hương ước các thôn, xây dựng được nhiều Câu lạc bộ về DS-KHHGĐ. 

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác DS-KHHGĐ của tỉnh vẫn còn những tồn tại hạn chế, đặc biệt là về mức sinh và ổn định quy mô dân số. Tỷ suất sinh giảm chậm, không ổn định và còn cao so với cả nước. Từ năm 2005 đến năm 2010 mức sinh giảm nhưng từ năm 2010 đến năm 2012 mức sinh lại tăng mạnh, cụ thể: Tỷ suất sinh thô năm 2005 ở mức 13,31 %o, năm 2010 là 12,68%o nhưng năm 2012 vọt lên 17,42%o trong khi Nghị quyết 13 đề ra giảm tỷ suất sinh thô xuống mức 13,12%o vào năm 2010. Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Tĩnh cao trong nhiều năm liên tiếp, giảm chậm và hiện vẫn còn cao hơn bình quân chung của cả nước: từ 125 bé trai/100 bé gái (năm 2005) xuống 113,7 bé trai/100 bé gái (năm 2010) và 112,6/100 bé gái (năm 2012). Nếu không tính đến biến động cơ học thì mỗi năm dân số Hà Tĩnh tăng xấp xỉ 1 vạn người, tiềm ẩn gia tăng dân số lớn. Tỷ lệ sinh trên 2 con giai đoạn 2000-2009 giảm chậm, bình quân mỗi năm giảm dưới 1% (kế hoạch đặt ra là 3%). 

Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước luôn khẳng định, đề cao tính tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn diễn ra ở tất cả các huyện, thị, thành phố. Thống kê ban đầu cho thấy, trong 7 năm qua, có 1.021 cặp vợ chồng là cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số, trong đó có hơn 300 người là đảng viên giữ chức vụ. Những địa phương có số cán bộ, đảng viên vi phạm cao là Lộc Hà, Kỳ Anh, Hương Sơn, có những trường hợp là Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban dân số xã, Huyện ủy viên - Trưởng phòng Giáo dục sinh huyện vẫn sinh con thứ 3. Trong khi đó việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số lại không thống nhất. Cùng một hình thức và mức độ vi phạm nhưng mỗi nơi xử lý một kiểu, chưa có sức răn đe. Quan điểm “xử lý nghiêm, bình đẳng các tập thể, cán bộ, công chức, đảng viên và những người vi phạm chính sách DS-KHHGĐ” theo tinh thần các chỉ thị 39, 44 của BTV Tỉnh ủy, Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh và các quyết định 18, 21 của UBND tỉnh chưa được thực hiện nghiêm túc, tạo dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Do nhận thức chưa đầy đủ về tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của công tác dân số, nên một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong một số thời gian đã buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân số. Có không ít địa phương có biểu hiện tư tưởng chủ quan thỏa mãn với những thành công của công tác dân số.

Tổ chức bộ máy làm công tác dân số đặc biệt là ở cấp xã chưa ổn định, thiếu thống nhất, yếu về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phụ cấp thấp nên không yên tâm công tác, số lượng nghỉ hoặc bỏ việc hàng năm tương tối cao. Đến cuối năm 2012, mục tiêu “bố trí mỗi xã, phường, thị trấn một cán bộ là chuyên trách làm công tác dân số và thực hiện chế độ BHXH, BHYT đối với đội ngũ này” (như Nghị quyết 13 đề ra) chưa thực hiện được. Đầu tư nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ của tỉnh chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và yêu cầu để thực hiện mục tiêu Chiến lược đề ra. Mức đầu tư hiện nay mới đạt ở mức hơn 0,3 USD, chưa đạt mức tối thiểu 0,6 USD/người/năm như mục tiêu Chiến lược đề ra. Đơn cử như Lộc Hà là huyện có mật độ dân số vào lại cao nhất tỉnh, có 16% đồng bào theo đạo thiên chúa, tâm lý tập quán bà con nông thôn ven biển muốn có đông con song sự quan tâm và lãnh đạo chỉ đạo về công tác dân số của cấp uỷ, chính quyền chưa cao. Giai đoạn 2007-2009 Trung tâm Dân số của huyện chỉ có một cán bộ. đến nay cơ sở vật chất của Trung tâm còn khó khăn; cán bộ chuyên trách và CTV dân số ở các xã trong huyện chất lượng không đồng đều.

Để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong thời gian tới, theo chúng tôi cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, HĐND tỉnh tiếp tục ra nghị quyết về công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện chương trình DS-KHHGĐ có hiệu quả. MTTQ và các tổ chức đoàn thể cần xây dựng các phong trào thi đua thiết thực, tổ chức nhiều câu lạc bộ để động viên đoàn viên, hội viên nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời thực hiện tốt chương trình DS- KHHGĐ.

Hai là, các cấp uỷ đảng, chính quyền có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, nhất quán, đồng bộ hơn nữa trong công tác DS-KHHGĐ. Xác định công tác DS-KHHGĐ là một mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị; quy ước, hương ước của xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố và là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, tập thể, cá nhân. 

Ba là, tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình biến động dân số, kết quả thực hiện KHHGĐ, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về sự giảm sút, yếu kém của công tác này ở các đơn vị, địa phương để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và khắc phục kịp thời. Các tổ chức, cơ sở đảng thường xuyên quán triệt, thực hiện Nghị quyết 47/NQ-TW và Chỉ thị 44/CT-TU của Tỉnh ủy, xử lý nghiêm, thống nhất đối với những cán bộ đảng viên, công chức, viên chức vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.

Bốn là, quan tâm đến các “Điểm nóng về dân số”, đề cao ý thức công dân, tiếp tục đưa chính sách dân số vào hương ước vùng giáo để giảm mức sinh và ổn định quy mô dân số. 

Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; củng cố, kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, thay đổi hành vi; nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn; mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ.

Ngọc Bảo - VPTU


    Ý kiến bạn đọc