Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở ở tỉnh ta hiện nay - thực trạng và giải pháp
EmailPrintAa
16:07 21/09/2012

Những năm qua các cấp, các ngành ở Hà Tĩnh đã đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ lí luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Ngày 20/11/2008, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 07 -NQ/TU “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Trường Chính trị Trần Phú và Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, thị xã”; ngày 19/8/2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 09 -NQ/TU “về nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn”; ngày 12/3/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND “về ban hành quy định khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 1998 - 2012”. Các nghị quyết, quyết định đã tạo được một cơ chế hết sức thuận lợi cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ cấp cơ sở nói riêng với những chính sách cụ thể đối với người dạy, người học lí luận chính trị, xây dựng cơ sở vật chất … đáp ứng nhu cầu đào tạo trước mắt cũng như lâu dài.

Theo số liệu điều tra, đại đa số cán bộ xã, phường, thị trấn được đào tạo, bồi dưỡng và có trình độ lý luận chính trị nhất định. Số cán bộ có trình độ sơ cấp lí luận chính trị chiếm gần 20%; số có trình độ trung cấp lí luận chính trị là chiếm gần 50%; số có trình độ cao cấp lí luận chính trị và cử nhân chính trị chiếm gần 10%. Thực tế cho thấy, số cán bộ đã đào tạo qua các chương trình lí luận chính trị nhìn chung được trang bị kiến thức tương đối toàn diện về lí luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; các kiến thức về xây dựng Đảng; công tác dân vận, Nhà nước và pháp luật …; được cập nhật kịp thời nhiều kiến thức lí luận và thông tin mới. Thông qua đó, phẩm chất và năng lực thực tế của cán bộ nhìn chung được nâng lên; quán triệt sâu sắc hơn đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; giải quyết công việc cụ thể, khách quan, toàn diện hơn, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả rõ rệt, bản thân người cán bộ tự tin hơn trong công tác. Từ đó, có thêm được kinh nghiệm về cách thức tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước xuống tận nhân dân; chú trọng, chăm lo đến đời sống nhân dân địa phương về mọi mặt, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phát huy mọi khả năng của cơ sở để xây dựng địa phương vững mạnh. Đặc biệt, họ có sự trưởng thành rõ rệt về lập trường, tư tưởng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, lề lối làm việc khoa học, dân chủ, khiêm tốn, trách nhiệm hơn với công việc được giao, đa số đều có thể đảm nhận những công tác khác nhau, đáp ứng cơ bản các nhiệm vụ chính trị đề ra.

Tuy nhiên, trên thực tế số cán bộ cơ sở phải tiếp tục đưa đi đào tạo theo yêu cầu còn chiếm tỷ lệ cao; một số cán bộ cơ sở đạt trình độ trung cấp lí luận chính trị nhưng được đào tạo đã lâu, họ có kinh nghiệm và kiến thức, song tâm lý chung là hoạt động cầm chừng, ngại giải quyết các vụ việc phức tạp, ngại suy nghĩ, ảnh hưởng đến tính tìm tòi sáng tạo cái mới trong hoạt động thực tiễn tại cơ sở, làm cho cơ sở mất đi tính chủ động và chậm đổi mới. Sự yếu kém về trình độ lí luận là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh các căn bệnh chủ quan duy ý chí, giáo điều, kinh nghiệm. Vì thế họ thường đề cao chủ nghĩa kinh nghiệm và sự từng trải của bản thân để giải quyết mọi công việc theo cảm tính chủ quan của mình, dẫn đến tự thoả mãn với những kinh nghiệm “trường đời” của mình, ngại học tập, ngại nghiên cứu, thậm chí sợ học lí luận. Đối với số cán bộ này cần phải đào tạo lại hoặc bồi dưỡng kiến thức lí luận chính trị mới, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, nhằm tạo cho họ có nhận thức, hành động đúng. Mặt khác, cán bộ cơ sở nhìn chung luôn biến động qua các kỳ bầu cử, không ổn định trong suốt nhiệm kỳ.

Để tiếp tục nâng cao trình độ lí luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, khắc phục những hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, theo chúng tôi cần thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp sau:

Một là, Nâng cao nhận thức, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và mọi cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của học tập lí luận chính trị trong tình hình hiện nay; tiếp tục đổi mới công tác giảng dạy và học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lí luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ cơ sở nói riêng . Đây là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao trình độ lí luận chính trị, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, tác phong làm việc, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở trong thời kỳ mới.

Hai là, Đổi mới công tác quy hoạch, đánh giá, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách hợp lý đối với cả người dạy và người học lí luận chính trị; khuyến khích cán bộ tự giác học tập, rèn luyện nâng cao trình độ lí luận chính trị để họ yên tâm học tập và có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng.

Ba là, Kết hợp nâng cao trình độ lí luận chính trị với công tác tổng kết thực tiễn ở cơ sở, giúp cán bộ cấp cơ sở tránh được những sai lầm, hạn chế trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo ở địa phương, từng bước nâng cao trình độ lí luận chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, có điều kiện làm phong phú thêm vốn lí luận và thực tiễn của bản thân.

Bốn là, Nâng cao ý thức tự giác học tập lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, để mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác “Học chính trị trước hết là để đi lại với nhau cho có nghĩa, có tình”. Cán bộ, đảng viên từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Thực tế cho thấy, không phải cán bộ nào được đào tạo cũng có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh ta nhìn chung nhiều hạn chế, nhất là trình độ chuyên môn, lí luận chính trị và quản lý Nhà nước. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nhằm nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ lí luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cơ sở là việc hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay.


    Ý kiến bạn đọc