Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Châu Tuấn |
Tính đến hết năm 2013, tổng số doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là 2.857, tăng 427 doanh nghiệp so với năm 2011, trong đó số doanh nghiệp kinh doanh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm trên 50% tổng số doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ mới để mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đã xuất hiện một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị liên hoàn, từ sản xuất đến tiêu thụ, như: nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; kinh doanh dịch vụ, vv…
Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng(khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW, ngày 23/11/1996 của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 09/12/2011 về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/9/2013 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo; chỉ đạo UBND tỉnh kiện toàn Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp tỉnh, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh; thực hiện thí điểm kết nạp những chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng theo Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30/01/2013 của Ban Tổ chức Trung ương v.v... Nhờ vậy, công tác phát triển đảng, các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước đã có những chuyển biến đáng kể.
Đến nay, toàn tỉnh có 85 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, chiếm 74% số tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp (tăng 50 tổ chức cơ sở đảng so với năm 2011) với tổng cộng 1.816 đảng viên, chiếm tỷ lệ gần 40% so với tổng số đảng viên trong doanh nghiệp. Từ năm 2010 đến nay kết nạp được hơn 900 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp được 235 đảng viên mới. Một số tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước từng bước phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo đảng viên, các tổ chức đoàn thể; tuyên truyền người quản lý doanh nghiệp, người lao động chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; chủ động trao đổi với quản lý doanh nghiệp để thống nhất đề nghị, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tham gia xây dựng và thực hiện điều lệ, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, các quy định, quy chế, nội quy lao động trong doanh nghiệp; vận động công nhân lao động tham gia tích cực vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới... góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị tại các địa phương.
Cùng với tổ chức đảng, toàn tỉnh có 288 tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, với tổng số 10.577 đoàn viên. Đa số các tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp khẳng định được vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và người lao động trong doanh nghiệp; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, công nhân viên chức, người lao động thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; thăm hỏi động viên người lao động có hoàn cảnh khó khăn; giám sát vệ sinh lao động, vệ sinh thực phẩm và đề xuất những biện pháp trong quản lý và tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất lao động...; quan tâm đổi mới phong cách, tác phong làm việc, thực hiện nghiêm kỷ luật lao động, xử lý kịp thời các kiến nghị của công nhân; đóng góp ý kiến vào các văn bản pháp luật, các chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi, chế độ, nghĩa vụ của công nhân, người lao động.
Trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có 61 tổ chức Đoàn thanh niên cơ sở với 2.519 đoàn viên. Nhìn chung, vai trò của tổ chức Đoàn từng bước được phát huy. Công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên trong các doanh nghiệp đã có bước chuyển biến; thu hút được nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia, như: Phong trào thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, Uống nước nhớ nguồn, Tuổi trẻ sáng tạo; hội thi tay nghề giỏi; các hoạt động văn hóa- văn nghệ, thể thao....; qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; phòng chống tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông v.v…
Trong hơn 2 năm qua, các doanh nghiệp khu vực này đã thành lập mới thêm 43 chi hội phụ nữ, nâng tổng số chi hội lên con số 82, với 1.786 hội viên. Nhìn chung, các chi hội phụ nữ sau khi được thành lập, đã thể hiện được vai trò, vị trí của tổ chức hội, tham gia đóng góp tích cực trong các phong trào từ thiện, tương trợ, giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn; đề xuất với chủ doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với lao động nữ; thực hiện phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" góp phần tích cực vào thành công của doanh nghiệp.
Thông qua thực tiễn công tác xây dựng đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Hà Tĩnh, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu và giải pháp để tiếp tục thực hiện Kết luận 80- KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW (khóa VIII) trong tình hình mới, như sau:
Về kinh nghiệm:
Một là: Phải đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò và sự cần thiết phải thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để tạo sự thống nhất trong nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người lao động. Đặc biệt, cần làm cho chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hiểu đúng, đầy đủ vai trò, vị trí và tác dụng của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp; hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể là có lợi, góp phần làm cho doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, phát triển bền vững. Các cấp ủy cần ban hành nghị quyết chuyên đề và định kỳ sơ, tổng kết công tác xây đựng đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thiết thực, cụ thể.
Hai là: Cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các thành viên trong hệ thống chính trị để xây dựng những cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, từ đó làm cơ sở để xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp.
Ba là: Phải tập trung tiến hành khảo sát, đánh giá, phân loại đúng thực trạng tình hình các doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch cụ thể về việc thành lập tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp một cách thực chất, không chạy theo số lượng đơn thuần. Giao trách nhiệm cụ thể cho ngành dọc cấp trên trực tiếp (tổ chức đảng, các đoàn thể) thực hiện công tác xây dựng đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp.
Bốn là: Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại hình doanh nghiệp; coi trọng xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, làm rõ mối quan hệ giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, giám đốc và các đoàn thể. Gắn công tác xây dựng đảng với công tác xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thành viên trong hệ thống chính trị tại doanh nghiệp.
Năm là: Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng và các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Một số giải pháp chủ yếu:
1. Tiếp tục đổi mới phương pháp nhiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, thuyết phục các chỉ thị, nghị quyết của đảng; về công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, từng tổ chức trong doanh nghiệp. Xác định đúng, cụ thể đối tượng chủ yếu để tập trung tuyên truyền, thuyết phục, vận động để thực hiện. Tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, chủ doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động đối với công tác xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống về Đảng, về các đoàn thể nhân dân nhằm nâng cao giác ngộ về Đảng, giai cấp, ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức chính trị của chủ doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động trong doanh nghiệp. Hằng năm, vào dịp tổng kết cuối năm cần đánh giá công tác xây dựng đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân trong các doanh nghiệp, đồng thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong công tác xây dựng đảng, đoàn thể ở các doanh nghiệp.
2. Phát huy vai trò, vị trí của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; đảm bảo các tổ chức này thực sự vững mạnh. Chú trọng công tác kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy và cán bộ để tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân thực sự là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động trong doanh nghiệp.
3. Nâng cao chất lượng hoạt động Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn của các cấp ủy đảng, đoàn thể cấp trên trong việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Tăng cường công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền đối với doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
4. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn, nhất là về quy mô, nguồn vốn, lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; số lượng, chất lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên đang làm việc thường xuyên, ổn định tại các doanh nghiệp nhưng đang sinh hoạt ở nơi khác, để xây dựng kế hoạch thành lập, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể nhân dân phù hợp. Tích cực làm tốt công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là những doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn, ổn định và sản suất kinh doanh có hiệu quả, nhưng chưa có tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân.
5. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh có trách nhiệm phối hợp cùng với các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy để tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo của tỉnh về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Xác định cụ thể tổ chức đảng, đoàn thể cấp trên trực tiếp của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, không nhất thiết các tổ chức đảng, đoàn thể ở doanh nghiệp nào cũng trực thuộc Đảng uỷ Khối doanh nghiệp tỉnh.
6. Các cấp ủy, ban chấp hành đoàn thể cấp trên cơ sở phải thường xuyên quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, các đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng chi ủy, đặc biệt là đội ngũ bí thư chi bộ, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên, chi hội trưởng phụ nữ. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho cấp ủy, lãnh đạo các đoàn thể trong doanh nghiệp; nghiên cứu để có chế độ, chính sách chăm lo, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp.
Lê Đăng Chất - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)