Đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
09:07 30/07/2012

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy đưa công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn” là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Vấn đề này được coi là giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững, cần được triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Ngày 27 - 11 - 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Đây là một Đề án có tính xã hội và nhân văn sâu sắc, không chỉ thể hiện "ý Đảng" mà còn nhận được sự đồng thuận cao của người dân.

Trong thời gian qua, Hà Tĩnh xác định mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm bảo đảm nâng cao kỹ năng để người nông dân sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập, có cơ hội tìm được việc làm ổn định, từng bước tổ chức lại sản xuất tiến tới sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Hầu hết cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nhận thức được tầm quan trọng việc dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững khu vực nông thôn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, xuất hiện một số mô hình sản xuất bước đầu có hiệu quả như: Mô hình thí điểm Nuôi Ong tại xã Mỹ Lộc (Can Lộc). Hiện nay, đã hình thành Câu lạc bộ nuôi Ong và xây dựng được thương hiệu, đăng ký chất lượng, bao bì sản phẩm. Mô hình Mây tre xuất khẩu đã thành lập được các tổ hợp sản xuất tại xã Thạch Văn (Thạch Hà) và xã Mỹ Lộc (Can Lộc), sản xuất cung ứng hàng lồng đèn cho Công ty TNHH Đức Phong (Nghệ An) và các mặt hàng mây tre đan phục vụ nhu cầu người dân trong tỉnh. Thông qua đó, kỹ năng nghề, năng suất lao động và thu nhập của người nông dân được nâng lên rõ rệt; tạo động lực để thu hút những lao động nông thôn khác tham gia các khóa đào tạo nghề được tổ chức tại địa bàn tỉnh. Đến nay, Hà Tĩnh đã tổ chức 366 lớp dạy nghề, với 10.858 học viên và thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án khác để hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gồm 103 lớp, với số lượng 3.284 học viên. Tổng kinh phí hỗ trợ cho các trung tâm dạy nghề và các trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp tham gia hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn là 57 tỷ đồng (trong đó trang thiết bị dạy nghề: 27,2 tỷ đồng, cơ sở vật chất: 29,8 tỷ đồng). Tổng kinh phí hỗ trợ cho người lao động là 26.720 triệu đồng (nguồn kinh phí thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn 15.720 tỷ đồng; kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo 4 tỷ đồng; kinh phí từ các chương trình, dự án khác 7 tỷ đồng).

Tuy nhiên, những kết quả đạt được chỉ mới là bước đầu, thực tiễn quá trình triển khai thực hiện cho thấy việc dạy nghề cho lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn:

Việc thực hiện các chủ trương, chính sách về Đề án xây dựng nông thôn mới chưa đồng bộ; chưa xây dựng được quy hoạch vùng sản xuất theo quy mô cấp xã như mục tiêu của Đề án đặt ra. Do vậy, qua điều tra nhu cầu đào tạo và lựa chọn nghề để dạy cho lao động nông thôn ở các địa phương, các cơ sở dạy nghề chưa sát hợp với thực tế.

Trong quá trình thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn có lúc, có nơi còn thiên về số lượng, thiếu sự tính toán trên cơ sở khoa  học và kinh tế để xác định nghề cần đào tạo cho người dân. Việc xây dựng chính sách và tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn chưa gắn kết được với doanh nghiệp theo nguyên tắc dạy nghề theo nhu cầu thị trường hay dạy nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động.

Nhiều cơ sở dạy nghề thiếu giáo viên (Theo Nghị quyết số 96/2008/NQ-HĐND, ngày 10/12/2008 của HĐND tỉnh phê chuẩn Đề án “Đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực lao động kỹ thuật giai đoạn 2009 - 2015” số giáo viên dạy nghề cần bổ sung thêm 267 người, trong đó 176 giáo viên biên chế; nhưng đến nay, theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội số giáo viên chỉ mới bổ sung được 96 người, trong đó 36 người biên chế); chương trình dạy nghề chưa được quản lý và phân bổ khoa học, thống nhất.

Chưa giải quyết tốt vấn đề mấu chốt là tổ chức thị trường, bài học “được mùa rớt giá” vẫn đang nóng lên trong khu vực sản xuất nông nghiệp và sản phẩm làng nghề ở nông thôn hiện nay cần được giải quyết. Kinh phí hỗ trợ dạy nghề, học nghề vẫn còn thấp; lao động sau khi học nghề gặp khó khăn về vốn để mở rộng sản xuất.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ là một chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn là một tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (quy định trên 35% tỷ lệ lao động qua đào tao). Do đó, cần sớm tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là các vùng bị ảnh hưởng bởi đô thị hóa và vùng tái định cư nhường đất cho các dự án lớn đang triển khai trên địa bàn. Trong thời gian tới, để chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đi vào thực chất và hiệu quả, theo chúng tôi cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phải xác định mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là để nông dân làm kinh tế, tìm cơ hội có việc làm, tăng thu nhập, tránh việc tổ chức học nghề chỉ mang tính phong trào, hình thức gây lãng phí. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các ngành liên quan xây dựng nội dung hướng dẫn cụ thể, chi tiết về điều kiện tổ chức dạy nghề cho cơ sở được tổ chức học nghề và điều kiện được học nghề của cá nhân. Đặc biệt, cần nắm chắc các nhu cầu (theo từng nghề, nhóm nghề, vị trí công việc...) của người dân ở từng địa phương và của doanh nghiệp.

Thứ hai, do tính đa dạng vùng miền và tính đặc thù của người nông dân và lao động nông thôn (trình độ học vấn không đều, lao động theo mùa vụ, thói quen canh tác...), nên việc tổ chức các khóa đào tạo phải linh hoạt về chương trình, phương thức đào tạotruyền đạt...

Thứ ba, đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, xóa đói, giảm nghèo góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở nông thônxây dựng nông thôn mới. Trước mắt, cần tập trung vào các nghề dễ và gần gũi với người nông dân như trồng rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi thú y… Các nghề khó học và khó thu hút được lao động như cơ khí, điện nên triển khai có lộ trình phù hợp để có thể thu hút được học viên. Đặc biệt, cần chú ý tới cơ chế hỗ trợ học nghề, liên kết để tạo đầu ra cho lao động và sản phẩm nghề.

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tiếp tục cải tiến và mở rộng hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổng kết và biểu dương các điển hình tiên tiến trong tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn và các mô hình điển hình; đồng thời nêu lên những hạn chế, yếu kém để rút kinh nghiệm khắc phục, sửa chữa.

Dạy nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn, sau gần ba năm triển khai, với phương châm vừa làm vừa điều chỉnh theo nguyên tắc lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá, phân định trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân. Tin tưởng rằng, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng và Chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung trong thời gian tới ở tỉnh ta sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn nữa, góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành một tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển như Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã đề ra.


    Ý kiến bạn đọc