Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi. Hiến pháp mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Có thể nói, đề cao chủ quyền nhân dân là quan điểm cơ bản xuyên suốt toàn bộ nội dung của Hiến pháp năm 2013.
Trước hết, quan điểm đề cao chủ quyền nhân dân thể hiện thông qua việc Đảng và Nhà nước ta xác định nhân dân là chủ thể xây dựng và thi hành Hiến pháp, hay nói cách khác, xây dựng và thi hành Hiến pháp là công việc của nhân dân. Đây là quan điểm của chủ nghĩa lập hiến hiện đại. Quan điểm này được thể hiện ngay từ lời nói đầu khi Hiến pháp khẳng định: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Và cũng xuất phát từ quan điểm này mà Điều 69 của Hiến pháp khi nói về Quốc hội đã có sự thay đổi quan trọng. Theo đó, Quốc hội không phải là cơ quan “duy nhất” thực hiện quyền lập hiến nữa mà đã có sự thay đổi trong tư duy về quyền lập hiến: Nhân dân mới là chủ thể tối cao của quyền lập hiến. Quá trình tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân với hơn 26 triệu lượt ý kiến đóng góp cho bản dự thảo và việc Quốc hội thông qua bản Hiến pháp sửa đổi với 97,59% số đại biểu Quốc hội tán thành đã chứng minh cho sự đúng đắn và tiến bộ của quan điểm đó.
Có một chi tiết rất đáng chú ý trong Hiến pháp năm 2013 là cụm từ “Nhân dân” được viết hoa, điều mà các bản Hiến pháp trước đây không có. Điều này thể hiện sự tôn vinh vai trò của nhân dân - chủ thể của quyền lực Nhà nước và là chủ thể của đất nước.
Một trong những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 khi quy định về phương thức thực hiện quyền lực Nhà nước của nhân dân là đặt dân chủ trực tiếp lên trước dân chủ đại diện. Điều này cho thấy, nhận thức về tầm quan trọng của phương thức thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp đã được thấu suốt. Hơn nữa, ngay cả phương thức thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ đại diện cũng được phát triển hơn. Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước không chỉ thông qua Quốc hội và HĐND như trước đây mà còn thông qua các cơ quan Nhà nước khác. Như vậy, chủ thể đại diện cho nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước đã được mở rộng hơn.
Quan điểm đề cao chủ quyền Nhân dân cũng được thể hiện tại Điều 4 Hiến pháp khi nói về Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung nội dung: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Như vậy, Đảng không chỉ lãnh đạo nhân dân mà Đảng phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Quan điểm đề cao chủ quyền nhân dân được thể hiện sâu sắc thông qua việc đề cao quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp sửa đổi. So với Hiến pháp năm 1992, trong bản Hiến pháp mới, chương về quyền con người được chuyển từ vị trí chương 5 lên thành chương 2. Đây không phải là sự thay đổi cơ học thuần túy mà nó đánh dấu một sự thay đổi lớn về nhận thức xuất phát từ quan điểm đề cao chủ quyền nhân dân.
Một điểm được cho là rất mới trong Hiến pháp năm 2013 khi quy định về quyền con người, quyền công dân là không còn các quy định theo cách thức được Nhà nước thừa nhận các quyền này mà quyền con người ở đây được hưởng một cách mặc nhiên và Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm cho những quyền đó được thực hiện trên thực tế. Nhiều chuyên gia luật pháp cho rằng, quy định về quyền con người trong Hiến pháp nước ta có những điểm tiến bộ hơn pháp luật quốc tế.
Theo pháp luật quốc tế về nhân quyền, nghĩa vụ của Nhà nước trong thực hiện quyền con người được thể hiện ở 3 cấp độ là: “tôn trọng, bảo vệ, thực hiện”. Vượt lên cả 3 cấp độ đó, Hiến pháp nước ta quy định nghĩa vụ của Nhà nước là “tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm”. Nghĩa vụ “bảo đảm” là bao trùm nhất, là tiến bộ hơn so với tiêu chuẩn quốc tế. Hiến pháp năm 2013 bổ sung thêm nhiều quyền con người, quyền công dân quan trọng như: quyền sống; quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghiên cứu và thụ hưởng các kết quả khoa học; quyền xác định dân tộc của mình, quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp; quyền được sống trong môi trường trong lành…
Một điểm được cho là mới nữa về quyền con người trong Hiến pháp là quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, TTATXH, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Việc Hiến pháp bổ sung thêm chức năng “phản biện xã hội” của MTTQ Việt Nam cũng được cho là xuất phát từ quan điểm đề cao chủ quyền nhân dân. Vì như vậy là Hiến pháp đã khẳng định rõ hơn quyền đóng góp ý kiến của nhân dân trong quá trình xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án của Nhà nước thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Chế độ báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng Chính phủ, của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý được quy định trong Hiến pháp cũng chính là nhằm đề cao quyền lực của nhân dân.
Cuối cùng, tại Điều 120, điều cuối của Hiến pháp sửa đổi đã mở ra cơ chế để nhân dân phúc quyết Hiến pháp. Phúc quyết về bản chất cũng là để nhân dân thể hiện quyền lực, trí tuệ của mình trong việc xây dựng và thi hành Hiến pháp.
Như vậy là từ lời nói đầu cho đến điều cuối cùng của Hiến pháp, quan điểm đề cao chủ quyền nhân dân của Đảng và Nhà nước ta đã được thể hiện nhất quán và xuyên suốt. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng để bản Hiến pháp mới của nước ta nhanh chóng đi vào cuộc sống và trở thành động lực to lớn của sự phát triển đất nước. Bởi vì như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.
Nguyễn Cường (Cục trưởng Cục THADS tỉnh)
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)