Để Nghị quyết Hội nghị TW4 (khóa XI) đi vào cuộc sống
EmailPrintAa
08:29 19/04/2012

Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đặc biệt quan tâm; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận với sự đồng tình, nhất trí cao. Đảng ta đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để tổ chức thực hiện Nghị quyết, Trung ương đã nêu 4 nhóm giải pháp: (1) Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình từ trên xuống, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên; (2) Nhóm giải pháp về tổ chức cán bộ; (3) Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; (4) Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Bốn nhóm giải pháp với hơn hai chục vấn đề cụ thể được nêu trong Nghị quyết là toàn diện, đầy đủ, đảm bảo cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết và tăng cường công tác xây dựng Đảng. Vấn đề đặt ra với chúng ta là phải có quyết tâm chính trị như thế nào, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp tùy đặc điểm tình hình và hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đơn vị gắn với chức năng nhiệm vụ được giao để đảm bảo cho việc học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả cao.
Hà Tĩnh triển khai học tập và tổ chức thực hiện Nghị quyết, ngoài các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy đã có Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 23 tháng 3 năm 2012; Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã có Hướng dẫn số 31-HD/BTGTU ngày 26/3/2012, Hướng dẫn số 32-HD/BTGTU ngày 27/3/2012. Các Ban đảng, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục có các văn bản hướng dẫn bổ sung thêm về các nội dung. Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị quán triệt cho đội ngũ cán bộ cốt cán nghỉ hưu trên địa bàn; cho đội ngũ cán bộ cốt cán toàn tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức học tập cho đội ngũ báo chí, văn nghệ sỹ. Các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã và đang quán triệt trong cán bộ cốt cán và xuống cơ sở. Trong các hội nghị, các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên bày tỏ quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi nghị quyết. Để triển khai thực hiện Nghị quyết nghiêm túc, có chất lượng, cùng với việc thực hiện toàn diện 4 nhóm giải pháp của Trung ương và Kế hoạch của Tỉnh ủy, tôi cho rằng cần nhấn mạnh và quan tâm một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất: Hà Tĩnh trong những năm qua đã và đang triển khai mạnh mẽ việc xiết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang theo Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 04/11/2008, Kết luận số 05- KL/TU ngày 25/5/2011 của Tỉnh ủy; Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 03/11/2011 của UBND tỉnh gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh. Do đó, đồng thời với việc tự phê bình và phê bình về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống thì phải kiểm điểm việc thực hiện xiết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính của cán bộ, đảng viên theo các văn bản trên đây của Tỉnh và gắn với việc triển khai thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của BCH Trung ương về những điều Đảng viên không được làm; Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 31/3/2012 của Bộ chính trị về Quy chế giám sát trong đảng. Mặt khác việc kiểm điểm này phải gắn với việc xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị, vai trò đầu tàu gương mẫu của cán bộ đảng viên. Có như vậy việc tự phê bình và phê bình mới có nội dung phong phú, đi vào thực chất, tránh được khuynh hướng thường gặp là kiểm điểm chung chung, hình thức, chiếu lệ, không tạo được chuyển biến gì về nhận thức và hành động sau học tập và tổ chức thực hiên Nghị quyết.
Thứ 2: Phải lấy tự phê bình làm điểm xuất phát và là yếu tố quyết định trong quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình, bởi những lý do: (1) Nghị quyết chỉ rõ "sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên". Chúng ta không được hiểu một cách máy móc, "cơ học" rằng một bộ phận là ở từng con người, nhóm người cụ thể nào đó; sự suy thoái có ở con người này, nhóm người này, mà không có ở con người, nhóm người kia. Mà phải hiểu rằng sự suy thoái có trong mọi cán bộ, đảng viên chúng ta, chỉ là ít hay nhiều mà thôi. Người ưu tú thì ít suy thoái, người trì trệ, bảo thủ thì nặng nề hơn. Sự suy thoái có trong mỗi con người nên phải lấy tự phê bình làm quyết định. Bản thân mình yếu kém như thế nào, tự bản thân biết rõ hơn ai hết, nên chỉ có tự mình nói ra, tự phê bình mới có ý nghĩa, tác dụng cho cả bản thân và tập thể. (2) Thực tế cho thấy, trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình, thường không tránh khỏi sự nể nang, né tránh, sợ đụng chạm, nếu không có tự phê bình tốt thì không thể có phê bình thẳng thắn, cởi mở, nếu không lấy tự phê bình làm chính và điểm xuất phát thì kết quả kiểm điểm sẽ rất hạn chế. (3) Tự phê bình và phê bình lần này Đảng ta chủ trương thực hiện từ trên xuống, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên. Vì vậy sự nể nang, né tránh, "dĩ hòa vi quý" trong sinh hoạt kiểm điểm càng dễ xảy ra. Thực hiện tự phê bình tốt và từ cấp trên xuống sẽ giúp cho việc kiểm điểm cán bộ đảng viên được cởi mở, phát huy tác dụng giáo dục tích cực...
Từ sự cần thiết nêu trên, nên trước khi tiến hành sinh hoạt tự phê bình và phê bình, mọi tập thể, cá nhân phải làm báo cáo tự phê bình nghiêm túc, đầy đủ đạt yêu cầu về nội dung mới tiến hành các cuộc hội nghị tự kiểm điểm. Việc xem xét báo cáo kiểm điểm tập thể cấp ủy phải được tập thể cấp ủy cấp trên cho ý kiến; báo cáo kiểm điểm của cá nhân phải được tập thể cấp ủy (hoặc người đứng đầu cấp ủy) cho ý kiến. Tránh tình trạng cán bộ đảng viên đến hội nghị thiếu sự chuẩn bị nghiêm túc,có trách nhiệm, báo cáo một cách sơ sài, chung chung về hạn chế, khuyết điểm của mình, chờ đợi sự góp ý của những người tham dự hội nghị.
Thứ 3: Cần nhấn mạnh, làm trước, làm kỹ, đến mức cần thiết việc góp ý và gợi ý kiểm điểm. Cho dù tính tự giác trong tự phê bình được phát huy cao đến mấy cũng không loại trừ hẳn được khuynh hướng thành tích chủ nghĩa trong cán bộ đảng viên. Vậy nên cùng với việc phát động sự tích cực, cầu thị phải có yêu cầu thông qua góp ý, gợi ý đến nơi, đến chốn để cán bộ đảng viên báo cáo tự phê bình, và để tập thể cấp ủy đảng sinh hoạt tự phê bình và phê bình.
Kế hoạch số 35-KH/TU của Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã nêu việc góp ý thành một bước công việc rõ ràng. Nhưng nhiều người cho rằng đó chỉ là sự cần thiết cho những nơi, những tập thể, cá nhân nào đó "có vấn đề". Theo tôi, việc góp ý, gợi ý cần đặt ra cho mọi tổ chức đảng, cán bộ đảng viên, không chỉ giới hạn ở những nơi trì trệ, yếu kém, có khuyết điểm. Cấp trên góp ý, gợi ý cho cấp dưới. Tập thể góp ý, gợi ý cho cá nhân cán bộ, đảng viên. Việc góp ý, gợi ý phải toàn diện, lấy những nội dung Nghị quyết đề cập làm chính, bên cạnh đó gợi ý kiểm đếm trên những nội dung khác như việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; việc thực hiện chỉ thị 35 CT/TU, Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND; tính tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm, quyết tâm chính trị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; cần kết hợp chặt chẽ việc thực hiện Chỉ thị với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và chương trình xây dựng nông thôn mới...

Không gò ép thời gian, coi nhẹ hoặc triển khai chiếu lệ, hình thức bước góp ý, gợi ý. Trái lại cần làm kỹ bước này, khi thấy chưa đạt yêu cầu phải tiến hành làm lại, làm thêm, cho đến khi xét thấy báo cáo tự kiểm điểm, tự phê bình đạt yêu cầu mới thôi. Việc góp ý, gợi ý nhất thiết phải thực hiện bằng văn bản; sử dụng cho tập thể, cá nhân để làm báo cáo tự phê bình, đồng thời dùng cho hội nghị kiểm điểm làm cơ sở để xem xét, đề cập những vấn đề được cho là quan trọng đối với tập thể, cá nhân được góp ý, gợi ý, cần được quan tâm, mổ xẻ để khắc phục.  

 Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết nhất trí cao trong Đảng bộ, trong hệ thống chính trị; sự đồng thuận trong nhân dân; với những thành tựu trong phát triển KTXH- QPAN và xây dựng Đảng những năm qua, và tính tích cực quyết tâm của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên trong tỉnh, Hà Tĩnh sẽ học tập và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) nghiêm túc, thành công; tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng đảng và phát triển KTXH tỉnh nhà.


    Ý kiến bạn đọc