Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
EmailPrintAa
15:17 25/06/2013

Thực hiện Thông báo số 04- TB/BCĐ, ngày 30/5/2013 của BCĐ sơ kết 5 năm thực hiện NQ 26 hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 7 (khóa X) và 4 năm thực hiện NQ 08 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 24/6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo chuyên đề “Đưa Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống”.

Đ/c Đinh Xuân VIệt - Phó Bí thứ Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo sơ kết Nghị quyết của tỉnh chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện Lãnh đạo các ban Đảng, Ủy ban Kiểm tra , Văn phòng Tỉnh ủy; Các thành viên BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ sơ kết NQ của tỉnh; Đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở văn hóa, thể thao và du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông, Trường Chính trị Trần Phú, Báo Hà Tĩnh, Đài phát thanh - truyền hình, Hội Nhà báo, Hội Liên hiệp văn học- nghệ thuật, các đoàn thể cấp tỉnh; Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh; Trung tâm văn hóa triển lãm tỉnh; Đại diện một số báo TW và địa phương đóng trên địa bàn; Trưởng ban Tuyên giáo các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc; Đại diện Thường trực Đảng ủy xã Hương Minh - Vũ Quang…

Qua các tham luận và ý kiến thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã nhất trí đánh giá: Trong thời gian qua, các cấp uỷ, đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, hiệu lực quản lý trong công tác tuyên truyền nghị quyết của trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trọng tâm là về Chương trình MTQG xây dựng NTM. Nội dung của công tác tuyên truyền từng bước được đổi mới, đa dạng và phong phú hơn. Các cơ quan thông tin đại chúng đã quan tâm dành nhiều thời lượng hơn, xây dựng các chuyên trang chuyên mục để tuyên truyền. Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, các tạp chí, bản tin trong tỉnh đã mở nhiều chuyên trang, chuyên mục, tổ chức các buổi toạ đàm và giới thiệu những mô hình hay, những cách làm mới, những tập thể và cá nhân điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức các hội thi tuyên truyền về Nông thôn mới, nâng cao nhận thức cho hội viên; Ngành Văn hóa - thể thao và Du lịch với các hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, phối hợp tổ chức các chương trình văn nghệ, sân khấu hóa; Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh đã đa dạng  hóa các hình thức tuyên tuyền; Ban Tuyên giáo các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền qua hệ thống phát thanh cơ sở và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp nhằm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả thiết thực… Từ đó góp phần vào thành công chung của tỉnh trong công cuộc xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà phát triển theo hướng hiện đại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, bởi một số nơi cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về ý thức, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình đối với mục đích, ý nghĩa và nội dung các Nghị quyết cũng như trong việc xây dựng nông thôn mới, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, vào sự giúp đỡ của xã hội, chưa phát huy vai trò chủ thể của người dân để chủ động vươn lên, trong khi đó ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế. Ở một số nơi, sự phối hợp trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thiếu tính đồng bộ, cụ thể và kịp thời. Mặc dù Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh bước đầu đã giúp cho bộ mặt nông thôn có nhiều bước tiến đáng kể, nhưng tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương. Công tác tuyên truyền nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong thời gian qua có lúc, có nơi chưa được tiến hành thường xuyên, thiếu kịp thời, chưa quyết liệt, chưa được quan tâm đúng mức; Tài liệu, kinh phí và các điều kiện phục vụ cho công tác tuyên truyền còn hạn chế; các hình thức tuyên truyền thiếu tính phong phú, sinh động. Một số cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên nhất là ở cấp xã năng lực còn hạn chế nên việc truyền đạt, thông tin về các chủ trương, chính sách, nội dung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình MTQG xây dựng NTM đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều bài viết, phóng sự, tọa đàm đăng tải trên các các phương tiện thông tin đại chúng hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh, chưa có nhiều bài viết sâu sắc, mang tính định hướng lớn về sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, công tác phối kết hợp giữa các cơ quan trong khối tuyên truyền vẫn còn thụ động, thiếu nhuần nhuyễn nên hiệu quả chưa đạt được như mong muốn… 

Để công tác tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là phong trào xây dựng Nông thôn mới thực sự đi vào chiều sâu, đạt kết quả thiết thực, đồng chí Đinh Xuân Việt đã có ý kiến kết luận Hội thảo và đề nghị các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tự giác, tích cực hưởng ứng tham gia, qua đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận xã hội. Đồng chí chỉ rõ: Công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, phải làm cho mọi người dân khu vực nông thôn hiểu được lợi ích, vai trò và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ, chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phong trào “Toàn dân xây dựng NTM”. Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, để phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, các tổ chức tham gia xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch. Coi đây là một quyết sách lớn, là một nhiệm vụ chính trị vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, nhằm tạo luồng sinh khí mới, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong tỉnh; Cần phải đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, các hình thức tuyên truyền phải dễ hiểu, dễ áp dụng, sinh động, phong phú, không lý luận suông, sát với thực tiễn và phù hợp với từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng có trình độ khác nhau. Chú trọng tuyên truyền các gương điển hình của các tập thể, cá nhân; những sáng kiến, kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả để phổ biến nhân rộng;Nâng cao chất lượng của đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên các cấp trong công tác tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phong trào xây dựng nông thôn mới. Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Thông tin - tư tưởng và các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng hấp dẫn, sinh động và phong phú hơn. 

Đồng chí yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc thực hiện chức năng phản biện xã hội và giám sát đối với các dự án, hạng mục thi công tại các địa phương; phản ánh kịp thời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, đề xuất với các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trong quá trình tuyên truyền, vận động cần lắng nghe ý kiến người dân, không quan liêu, áp đặt, người dân phải được bàn bạc dân chủ, trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến đối với chủ trương, chính sách; quản lý, giám sát đối với các dự án xây dựng nông nghiệp, nông thôn mới ở mỗi địa phương. Thường xuyên sâu sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là phản ánh của người dân về những khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình thực hiện để tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền kịp thời bổ sung, điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với từng vùng, địa phương; Tiếp tục tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ tuyên truyền về lĩnh vực này một cách bài bản và đạt chất lượng cao, luôn bám nắm cơ sở, hiểu rõ văn bản, chính sách của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực này; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổng kết, rút kinh nghiệm để chỉ đạo tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình. Kịp thời tổng kết biểu dương khen thưởng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa với việc biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác tuyên truyền giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh…

Đây là Hội thảo chuyên đề có nhiều nội dung quan trọng, góp phần nhằm đưa Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống một cách có chiều sâu,  hiệu quả và thiết thực. 

Mai Linh - BTGTU


    Ý kiến bạn đọc