Dồn sức hoàn thành kê khai thiệt hại do sự cố môi trường
EmailPrintAa
16:18 19/09/2016

Sáng nay (19/9), Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh chủ trì cuộc họp giao ban UBND tỉnh để nghe các nội dung chuẩn bị trình Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII; kết quả kê khai thiệt hại do sự cố môi trường.
 

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định thiệt hại nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, đối tượng... và có sự giám sát của đảng viên, người dân.

 

Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Đặng Ngọc Sơn và Dương Tất Thắng; trưởng các ban HĐND tỉnh; các Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và một số huyện, thị, thành trong tỉnh.

 

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Chất lượng văn bản HĐND tỉnh đạt chất lượng chưa cao là do một số ban của HĐND tỉnh chưa làm tốt chức năng của mình.

 

 Mở đầu cuộc họp, đại diện Văn phòng UBND tỉnh thông báo đã nhận được nội dung chuẩn bị trình kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII từ các sở, ban, ngành, gồm: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ những tháng còn lại trong năm; Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Hà Tĩnh; Tờ trình dự thảo Nghị quyết thông qua danh mục các dự án dự kiến khởi công mới giai đoạn 2017 - 2020 sử dụng ngồn vốn ngân sách Trung ương; nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện một số cơ chế chính sách trọng tâm giai đoạn 2011 - 2015; Tờ trình, dự thảo nghị quyết về sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số loại phí, lệ phí; Báo cáo về tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại các huyện ven biển.

 
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu phát biểu một số nội dung liên quan công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh  

Tờ trình, dự thảo Nghị quyết thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và than bùn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về Đề án phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nhằm cải thiện chỉ số minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 162/2015/NQ - HĐND ngày 12/12/2015 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016- 2017; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết thông qua Danh mục dự án đầu tư PPP trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tạo nguồn lực xây dựng thị xã Hồng Lĩnh đạt đô thị loại 3 vào năm 2020.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Hà Tĩnh đã có sự chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chặt chẽ, chính xác từ tỉnh đến tận cơ sở trong rà soát, thống kê, đánh giá và hỗ trợ thiệt hại, được Trung ương đánh giá cao.

 

Về tình hình khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, công tác kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường đã được UBND tỉnh kịp thời triển khai chính sách của Trung ương và ban hành các chính sách của tỉnh để hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Đến nay, đã hoàn thành việc hỗ trợ 3.748 tấn gạo (2.719 tấn còn lại đang tiếp tục được cấp phát); hỗ trợ tiền cho các chủ tàu, thuyền lắp máy và lắp máy dưới 90 CV với 5.012 chiếc bằng số tiền 23.066,5 triệu đồng; hỗ trợ 100% theo BHYT cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng; hỗ trợ thành lập 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn, với số tiền 125 triệu; hỗ trợ 50% chi phí tiền điện cho các kho đông lạnh; hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng...

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Thu học phí trong thời điểm khó khăn do sự cố môi trường cần ở mức phù hợp so với mặt bằng các tỉnh trong khu vực.

 

Lượng tàu thuyền đánh bắt đã tăng và ổn định trong thời gian vừa qua. Số tàu khai thác ven bờ công suất dưới 90 CV hoặc không lắp máy hoạt động đạt tỷ lệ từ 50-60%, tàu công suất trên 90CV (khai thác xa bờ) đạt tỷ lệ từ 80 - 83%.

Sản lượng hải sản khai thác được thu mua và tiêu thụ hết; giá bán sản phẩm đang tăng dần; tình hình NTTS trên địa bàn tỉnh đang tiến hành bình thường; diện tích NTTS mặn lợ đã thả đạt 95% kế hoạch; diện tích sản xuất muối đến nay đạt 99ha/103ha, đạt 96%.

Tính đến 18/9, phạm vi kê khai, xác định thiệt hại, gồm: 367 thôn, xóm thuộc 62 xã, phường của 7 huyện, thị xã, thành phố. Số lượng kê khai thiệt hại bước đầu: 5.804 tàu cá; 1.007,46 ha ao hồ NTTS; 68.297m3 nuôi lồng bè; 57.785ha sản xuất muối; 26.953 lao động bị ảnh hưởng.

Về dự thảo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, 9 tháng năm 2016, tổng sản phẩm trong tỉnh theo giá so sánh 2010 ước đạt 26.302 tỷ đồng, giảm 12,65% so với cùng kỳ năm 2015; thu ngân sách đạt thấp so với kế hoạch...

 

Ông Trần Tú Anh - Giám đốc Sở KH&DT: Tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm do nhiều dự án lớn gặp khó khăn hoặc chưa đi vào hoạt động như dự kiến.

 
 

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Sơn: 9 tháng, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 5.282 tỷ đồng, đạt 36,4% dự toán HĐND tỉnh giao. Cần nhìn thẳng sự thật để có phương án thu đạt kết quả co nhất.

 
 

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đinh Nho Hậu: Ngành Thuế tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ở mức cao nhất. 9 tháng ngành đã thu đạt 3.700 tỷ đồng.

 

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh yêu cầu: Trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cần có sự đánh giá, dự báo sâu, cụ thể về ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, sự chỉ đạo, triển khai thực hiện của các cấp trong tỉnh; nêu giải pháp khắc phục, bảo đảm môi trường.

 
   

Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng giáo dục đại trà đang có vấn đề. Kiểm điểm nghiêm các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến sự cố môi trường.

Tiếp tục tập trung cao các giải pháp thu ngân sách; rà soát lại các danh mục dự án; tập trung đánh giá, rà soát, có đề xuất về các chính sách của tỉnh.

Việc nâng mức thu học phí cần làm rõ dựa trên cơ sở nào, trong thời điểm này đã nên chưa.

Về kết quả kê khai thiệt hại do sự cố môi trường, các địa phương đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định thiệt hại nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, đối tượng, nhất là có sự giám sát của đảng viên, người dân.

Các sở, ngành, địa phương cũng cần chuẩn bị tốt các nội dung chuẩn bị trình kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII.

Theo Trọng Tuệ/baohatinh.vn


    Ý kiến bạn đọc