Già hóa dân số - những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi (Kỳ cuối): Để thích ứng với một xã hội già hóa
EmailPrintAa
09:09 27/12/2013

Mẹ già như trái chín cây”, người cao tuổi (NCT) được ví như trái chín cây, như ngọn đèn trước gió mong cậy nhờ con cái. Nhưng ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn rất nhiều cụ ông, cụ bà “thất thập cổ lai hy” ngày ngày phải làm công việc đồng áng nặng nhọc, chăm sóc cháu khi con cái đi làm ăn xa... Tuổi cao, sức yếu, đời sống của người già ở các vùng quê đã khó nay càng khó hơn!

Đã gần 80 tuổi, nhưng cụ Săm (xóm 7, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên) vẫn chưa có lấy một ngày thảnh thơi bởi cụ phải chăm sóc người con gái bị điên cùng 2 đứa cháu ngoại. Lấy chồng khi mới 18 tuổi, nhưng không lâu sau đó, chồng cụ mất trong khi đi làm ăn ở miền Nam, để lại cụ và cô con gái.

May mắn, con gái cụ lớn lên khỏe mạnh, xinh đẹp. Theo chân người làng, chị Thái (con gái cụ) cũng vào miền Nam kiếm sống rồi lập gia đình. Những tưởng cuộc sống cụ Săm phần nào đỡ vất vả, giờ chỉ còn phải bươn chải kiếm cơm nuôi miệng, nhưng nào ngờ, tai ương ập đến. Con gái cụ đang khỏe mạnh bỗng phát bệnh, người điên điên dở dở. Chồng thấy vậy cũng lặng lẽ bỏ đi, để lại chị Thái bệnh tật và 2 đứa con thơ. Cụ Săm lại lặn lội vào Nam đưa mẹ con chị Thái về quê chăm sóc.

Cụ Săm tâm sự: “Tôi không còn sức để làm nhiều ruộng nữa nên có những tháng, mẹ con, bà cháu phải sống nhờ vào sự cưu mang của hàng xóm. Ở tuổi “gần đất xa trời”, tôi chỉ lo sau này không có ai chăm sóc cho mẹ con nó”.

Không đến mức cám cảnh như cụ Săm, nhưng ông Ngãi (70 tuổi, ở xóm 4, xã Trường Sơn, Đức Thọ) cũng đang phải “đầu tắt mặt tối”. Có đến 4 người con, nhưng gia đình đứa nào cũng thuộc diện khó khăn, thành ra, ông bà phải tự rau cháo nuôi nhau. Ông Ngãi tuổi đã cao nhưng ngày ngày vẫn lênh đênh trên sông nước để cào hến về bán, nhặt nhạnh từng đồng để nuôi vợ.

Nỗi vất vả của những người già như ông Ngãi, cụ Săm là khó khăn chung của những NCT ở các vùng quê nghèo trên đất Hà Tĩnh. Ở nông thôn, nhiều NCT vẫn là lao động chính, cày sâu, cuốc bẫm để nuôi sống bản thân, thậm chí kiêm luôn cả việc chăm sóc cháu khi con cái đi làm ăn xa. Vợ chồng bà Phan Thị Mỹ (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) hơn 70 tuổi, cũng như nhiều người già nơi đây vừa lo việc nhà, việc đồng áng, vừa chăm sóc những đứa cháu nội, cháu ngoại khi con cái vào Nam kiếm sống. Các cụ cũng vừa phải tự chăm sóc mình nên gánh nặng càng thêm chồng chất.

Theo ông Nguyễn Huy Liệu - Chủ tịch Hội NCT tỉnh, hiện có khoảng 60% NCT sống ở nông thôn, trong đó 60% NCT không có tích lũy. Tỷ lệ NCT thuộc diện hộ nghèo chiếm gần 1/3 tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh. Số NCT hiện đang phải trực tiếp lao động chiếm khoảng 60%.

Hiện nay, số NCT ở nông thôn có cuộc sống khó khăn khá đông. Một phần rất nhỏ NCT ở nông thôn sống bằng trợ cấp lương hưu, còn lại hầu hết sống dựa vào đồng ruộng” - ông Nguyễn Huy Liệu cho biết.

Dân số đang biến đổi theo hướng già hóa nhanh, trong khi các chính sách, chương trình chăm sóc NCT về sức khỏe, kinh tế còn thay đổi chậm, chưa thực sự thích ứng. Yếu tố “già hóa dân số” chưa được chú ý, lồng ghép trong hoạch định chính sách KT-XH. Thực tế, khi NCT tăng lên về số lượng và tỷ lệ trong dân số thì chi phí cho hệ thống an sinh xã hội cũng tăng lên (chi phí cho quỹ lương hưu, BHYT, xây dựng hệ thống lão khoa...).

Với tốc độ già hóa hiện nay, công tác DS-KHHGĐ tỉnh đang đối mặt với những khó khăn để thích ứng với xã hội già hóa. Đây là vấn đề có tác động tới tất cả các khía cạnh của đời sống con người như tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm, đầu tư và tiêu dùng, thị trường lao động, lương hưu, thuế và chuyển giao giữa các thế hệ; sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, cơ cấu gia đình và sắp xếp cuộc sống, nhà ở và di cư…

Theo ông Nguyễn Huy Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh: Hiện Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang triển khai đề án “Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng” tại 2 huyện Đức Thọ và TX Hồng Lĩnh (6 xã). Theo đúng lộ trình đến năm 2015, sẽ có 48 xã của 8 huyện được hưởng lợi từ đề án này.

Ông Nguyễn Huy Tú cũng nhấn mạnh: “Trên thực tế, vấn đề già hóa dân số vẫn chưa thực sự được quan tâm, đời sống của NCT ở nông thôn vẫn đang hết sức vất vả. Các chế độ, chính sách bảo đảm cho NCT ở nông thôn được sống khỏe, được chăm sóc chu đáo hiện đang là một bài toán khó. Muốn vượt qua những thách thức trên và sẵn sàng thích ứng với một xã hội già hóa dân số thì cần phải có sự chuẩn bị tích cực, đồng bộ cả về tư duy, nguồn lực, chính sách, cơ chế đối với NCT”.


    Ý kiến bạn đọc