Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 "Cần đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác trong diễn đạt, câu chữ"
EmailPrintAa
14:56 21/02/2013

Nghiên cứu bản Dự thảo "Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013)", tôi nhận thấy bản Dự thảo cơ bản giữ được những nội dung của Hiến pháp năm 1992, đồng thời đã bổ sung, sửa đổi nhiều điểm quan trọng, cần thiết và phù hợp với tình hình đất nước hiện nay...

Những vấn đề cơ bản và quan trọng đã được thể hiện rõ và đậm nét như: Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đang trên đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Cương lĩnh của Đảng; Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền lợi đều của dân"…

Tuy vậy, cách diễn đạt, về câu chữ có chỗ còn lặp; vẫn có lỗi ngữ pháp và lỗi tiếng Việt, một số ý cần được thêm vào cho đầy đủ, bớt đi cho gọn, hoặc đảo lại cho phù hợp… Tôi xin góp một số điểm cụ thể như sau:

1. Cuối Lời nói đầu, tiếp đó là ở Điều 2, Điều 3 của Chương I lặp nội dung "của dân, do dân và vì dân"; "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", có thể sửa lại như sau:

- "Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân văn và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân…". Cụm từ "của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" đưa vào Điều 2 khi nói về Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đúng.

- "Nhân dân Việt Nam có trách nhiệm và nghĩa vụ xây dựng và thi hành Hiến pháp của mình", thay cho câu "Nhân dân Việt Nam với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Nội dung “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đưa vào Điều 3 là phù hợp. Cụm từ "truyền thống đoàn kết" đã nêu ở phần đầu của Lời nói đầu không nên lặp lại, nên thay vào có trách nhiệm và nghĩa vụ.

2. Điều 5, Điểm 1: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất…", cần thêm vào từ độc lập trước từ thống nhất. Viết là: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia độc lập, thống nhất…". Điểm 4: Bỏ từ thiểu số, vì điểm này nên nói chung cho tất cả các dân tộc chứ không nên phân biệt thiểu số, đa số.

3. Điều 8, Điểm 2: Nên thêm vào từ lãng phí sau cụm từ chống tham nhũng. Viết là: "…Chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch…". Vì tội lãng phí nguy hiểm không kém gì tham ô, nhưng thường hay bị xem nhẹ hoặc bỏ qua. Sinh thời Bác Hồ nhắc nhở nhiều đến chống lãng phí.

4. Điều 10: Về các đoàn thể chính trị - xã hội. Nếu đưa tổ chức công đoàn thì nên đưa thêm các tổ chức chính trị - xã hội khác, như vậy mới hợp lý. Hoặc nếu không thì chỉ đưa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là được.

5. Nên đưa nội dung của Điều 11 lên Điều 1, như vậy hợp lý hơn cả về nội dung, cả về câu chữ. Vì tổ quốc đồng nghĩa với đất nước; nhà nước là cơ quan nắm quyền thống trị đất nước.

6. Điều 36, Điểm 1: thêm cụm từ có việc làm vào trước có nơi ở. Viết là: “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có việc làm, có nơi ở”. Bởi việc làm là vấn đề rất cơ bản và lâu dài của xã hội mà nhà nước của dân phải quan tâm lo cho dân.

7. Điều 41, Điểm 1: thêm cụm từ nâng cao thể chất sau cụm từ bảo vệ sức khỏe. Đối với người Việt Nam, việc nâng cao thể chất nêu ra hiện nay là đúng lúc, nếu không nói là đã muộn.

8. Điều 56, Điểm 3: thay cụm từ “theo giá thị trường” bằng theo luật định, vì điều này đã có luật rồi. Trong Hiến pháp ghi theo luật định chuẩn hơn.

9. Điều 58, Điểm 3: Thay cụm từ “theo quy định của pháp luật” bằng cụm từ theo luật định vừa đủ nghĩa, vừa phù hợp với các điều khác trong Hiến pháp.

10. Điều 64, Điểm 4: thay từ “phá hoại” trước từ nhân cách bằng từ xâm hại (hoặc có thể tìm từ khác) vì nội hàm của từ phá hoại là cố ý làm đổ vỡ (Từ điển Tiếng Việt, năm 1993). Vì thế, không ai nói cố ý làm đổ vỡ nhân cách, đạo đức…

11. Điều 86: “Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam…”. Viết như vậy vừa lặp, vừa lủng củng. Nên viết lại: “Không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp thì không được bắt giam…”.

12. Điều 103: “Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, là người đứng đầu Chính phủ”. Cần phải định nghĩa Thủ tướng là ai đã, rồi mới do ai bầu. Vì thế nên viết đảo lại là: “Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội”.

13. Điều 115, Điểm 1: “Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã…”, “Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành…”. Viết như vậy được hiểu là có thành phố trực thuộc thị xã, câu sai nghĩa. Nên sửa lại: “Tỉnh chia thành huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh…”, “Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố, thị xã thuộc tỉnh chia thành…”.

Với ý thức trách nhiệm người công dân, tôi xin được đóng góp một số ý kiến như trên vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Kính mong được các cấp tổng hợp và nghiên cứu trong quá trình tiếp thu ý kiến nhân dân.

TS. Đặng Duy Báu

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc