Hà Tĩnh củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở
EmailPrintAa
11:16 13/08/2012

Sáng ngày 10/8/2012, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Sau chặng đường 10 năm, mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh đã từng bước được củng cố và hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, ngày 26/3/2002, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU “về tăng cường lãnh đạo việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” đồng thời tổ chức học tập, quán triệt nội dung Chỉ thị 06-CT/TW cho đội ngũ cán bộ cốt cán toàn tỉnh, chỉ đạo các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị đến các tổ chức cơ sở đảng, đồng thời tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị một cách thiết thực, hiệu quả.
Theo đó, các huyện, thành, thị uỷ đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, các văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị sát hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tiêu biểu như: Kỳ Anh, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê; HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã đều xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương và BTV Tỉnh uỷ. Cấp uỷ, chính quyền các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho trạm y tế; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và toàn dân phấn đấu thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia và các tiêu chí về chuẩn y tế xã. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã có sự phối hợp với ngành Y tế trong việc thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho từng cán bộ, đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân chăm lo xây dựng sự nghiệp y tế. Tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, chăm lo bảo vệ sức khoẻ, thực hiện tốt các chính sách về DS-KHHGĐ.
Mạng lưới y tế được quy hoạch phù hợp, khép kín mọi vùng miền, đảm bảo các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ, đáp ứng với yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Các huyện, thành, thị đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng các trạm y tế, đưa nội dung xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã vào nghị quyết của cấp uỷ, HĐND gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 147 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (đạt 56%), đến năm 2011 có 235 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (đạt 89,7%), trở thành một trong 10 tỉnh có tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia y tế xã cao của cả nước.
 Người dân được tiếp cận với thiết bị y tế hiện đại
Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, tỉnh đã huy động, phân bổ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình y tế. Xây dựng mới Bệnh viện khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Quang, huyện Lộc Hà; xây dựng 197 nhà kỹ thuật trạm y tế, 10 nhà kỹ thuật của 10 trung tâm y tế, 10 phòng khám đa khoa khu vực với tổng kinh phí là 49 tỷ đồng. Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và dự án ANESVAD (Tây Ban Nha), đầu tư xây dựng mới, mở rộng Trung tâm y tế Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Hồng Lĩnh; xây dựng mới 60 trạm y tế 2 tầng, 4 phòng khám đa khoa khu vực; xây dựng, sữa chữa nâng cấp 9 trạm y tế bị thiệt hại nặng do bão lụt năm 2007 và xây mới 6 trạm y tế sau lũ lụt năm 2010.
Nhiều địa phương đã huy động được nguồn lực tài chính khá lớn từ sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, dự án của các nước và các tổ chức quốc tế để cải tạo, nâng cấp, làm mới và mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở. Nhiều xã, phường đã huy động hàng trăm triệu đồng (trung bình 500 - 700 triệu đồng), đặc biệt có nơi huy động hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng trạm, mua sắm các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, điển hình như xã Thạch Vĩnh, xã Phù Việt của huyện Thạch Hà huy động được cho mỗi trạm y tế 4 tỷ đồng. Tổng nguồn kinh phí huy động trong toàn tỉnh ước tính trên 50 tỷ đồng (chủ yếu từ đóng góp của nhân dân).
 Trạm y tế xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, đơn vị đạt chuẩn quốc gia  
Tính đến hết năm 2011, toàn tỉnh có 2.625 thôn, bản, khu phố có nhân viên y tế phụ trách (đạt tỷ lệ 92%), tăng 4% so với năm 2005 và 10% so với năm 2002; 262/262 xã, phường, thị trấn có trạm y tế và 10 phòng khám đa khoa khu vực với 1.310 giường lưu bệnh nhân. 12 bệnh viện đa khoa tuyến huyện và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo với tổng cộng 1.490 giường bệnh.
Bên cạnh đó, cấp uỷ, chính quyền và ngành Y tế luôn chăm lo phát triển nguồn nhân lực cho mạng lưới y tế cơ sở. Bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế xã, phường, thị trấn đảm bảo cân đối, đồng đều về số lượng và chất lượng. Bình quân mỗi trạm y tế có 5 cán bộ. Số bác sỹ về công tác tại trạm y tế xã ngày càng tăng. Năm 2002 có 91 trạm y tế có bác sỹ (đạt 35%), năm 2005 có 114 trạm y tế có bác sỹ  (đạt 44%), năm 2011 có 161 trạm y tế có bác sỹ (đạt 61,5%). 100% xã, phường có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế luôn được Ngành và các địa phương quan tâm. Một số xã mặc dù ngân sách rất hạn hẹp nhưng cũng có chế độ hỗ trợ đào tạo bác sỹ chuyên tu như Thạch Kim (Lộc Hà), Thạch Tân, Thạch Xuân, Thạch Vĩnh (Thạch Hà). Từ năm 2003 đến nay, toàn ngành đã đào tạo và đào tạo lại 862 cán bộ y tế cấp huyện, 1500 nhân viên y tế thôn bản; gửi đào tạo trên 300 bác sỹ tuyến huyện, xã. Riêng năm 2011 có 100 cán bộ đại học y hệ liên thông, chuyên tu tuyến huyện, xã được hưởng phụ cấp của dự án ODA. Số cán bộ được đào tạo sau đại học hoặc đào tạo nâng cao về chuyên môn, kỹ thuật trung bình hàng năm từ khoảng 25 - 30 người. Nhiều cán bộ được gửi đi đào tạo chuyên ngành kỹ thuật cao, thực hiện được các kỹ thuật theo phân tuyến, các dịch vụ khám chữa bệnh bằng kỹ thuật mới, chuyên sâu. Thực hiện tốt công tác đề bạt, bổ nhiệm, phân bổ và luân chuyển cán bộ trong ngành.
Cấp uỷ, chính quyền và ngành Y tế thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế; từng bước chấn chỉnh và khắc phục những biểu hiện tiêu cực tại các cơ sở y tế. Tích cực thực hiện việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trọng tâm là học tập gương Anh hùng liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm, thực hiện lời Bác dạy "Thầy thuốc như mẹ hiền" bằng những nội dung, việc làm cụ thể.
Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh của mạng lưới y tế cơ sở từng bước được nâng cao, chú trọng các hoạt động chuyên môn, thực hiện tốt các quy chế, chế độ, nhất là chế độ trực cấp cứu. Số lần khám chữa bệnh hàng năm đạt 2-2,3 lần/người/năm; công suất giường bệnh bình quân hàng năm của các tuyến đều vượt và đạt từ 95-121%. Một số bệnh viện tuyến cơ sở đã áp dụng thành công các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị như nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể, xét nghiệm sinh hóa, huyết học tự động, phục hồi chức năng, bào chế thuốc điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền… góp phần nâng cao hiệu quả khám, chẩn đoán và điều trị, điển hình là Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân....
Việc khám chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định số 139/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện tốt. Số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng tăng, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT không ngừng mở rộng. Tính đến cuối năm 2011 có 242/262 xã, phường triển khai khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Một số bệnh xã hội như phong, lao, tâm thần, bướu cổ, đái đường, tăng huyết áp được quản lý, theo dõi, điều trị thường xuyên, có hiệu quả. Nhiều bệnh viện tuyến huyện đã mổ và điều trị thành công bệnh xơ hoá cơ Dellta cho hàng nghìn trẻ em. Đại đa số người dân, đặc biệt người nghèo, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng.
Công tác phòng chống dịch và hoạt động y tế dự phòng ở tuyến cơ sở đã góp phần tích cực phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về y tế như tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng chống lao, bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng, phòng chống sốt xuất huyết. Nhiều năm liền Hà Tĩnh được Bộ Y tế đánh giá đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, mạng luới y tế cơ sở của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại đó là: một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến y tế cơ sở, thiếu những chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp; thiếu năng động, sáng tạo trong huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Các nguồn lực của tỉnh cũng như các địa phương còn eo hẹp nên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, thiết bị cũng như đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ y tế trên các tuyến còn thiếu, nhất là bác sỹ, dược sỹ, cán bộ chuyên sâu, tay nghề cao vừa để làm trụ cột trong các khoa, phòng vừa để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ mới vào nghề. Một bộ phận nhân dân thiếu thông tin, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn nên ít quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ bản thân, người thân trong gia đình.
Để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, thời gian cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao y đức, tinh thần yêu ngành, yêu nghề cho cán bộ, công chức, viên chức y tế. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, tiến bộ khoa học công nghệ mới cho đội ngũ cán bộ y tế.
n cạnh đó cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới y tế trong toàn tỉnh; đẩy mạnh việc xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, củng cố mạng lưới y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng khám, điều trị và tinh thần phục vụ bệnh nhân của đội ngũ cán bộ y tế. Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, đặc biệt chú trọng người nghèo, người có công với nước. Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ y tế đến tận xã, phường, thị trấn; đáp ứng kịp thời, thuận tiện việc khám chữa bệnh cho mọi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đảm bảo cho người dân được hưởng dịch vụ tốt ngay ở tuyến cơ sở.
Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cán bộ, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về y tế, nhất là các cơ sở y tế tư nhân. Tăng cường quản lý an toàn thức phẩm, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan. Nghiên cứu cơ chế cử tuyển con em Hà Tĩnh đạt kết quả cao trong các kỳ thi đại học có nguyện vọng học các trường y, dược và cam kết về công tác tại tỉnh để cử đi đào tạo. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích bác sỹ công tác tại trạm y tế xã. Tiếp tục bổ sung, điều hoà nhân lực một cách hợp lý trên các tuyến, đặc biệt là đội ngũ y, bác sỹ ở tuyến cơ sở.
 Khuyến khích phát triển y dược học cổ truyền, đồng thời khuyến khích nhân dân tăng cường luyện tập thể dục, thể thao để có sức khoẻ tốt, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
 
 Đ/c Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Đ/c Đặng Quốc Vinh,
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tặng Bặng khen của UBND tỉnh cho
các cá nhân đạt thành tích trong việc thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW và Chỉ thị 17-CT/TU

 

 Đầu tư ngân sách, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chỉ đạo, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí chương trình mục tiêu do Trung ương cấp hàng năm.

    Ý kiến bạn đọc