Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung nhiều biện pháp đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính với nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhất là đẩy mạnh việc đổi mới lề lối, tác phong, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người cán bộ, công chức, viên chức nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động của nhân dân và các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít những cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện “xa dân”, thiếu sự tôn trọng khi tiếp xúc hoặc giải quyết công việc với nhân dân; vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức đi muộn, về sớm, chưa coi trọng chất lượng công việc lên hàng đầu, thậm chí “đi làm cho có lệ”; một số người còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp, sách nhiễu nhân dân, sa vào các hiện tượng tiêu cực như: tham ô, lãng phí, tham nhũng, đánh bạc… làm giảm lòng tin của nhân dân vào vai trò của người cán bộ, công chức, vào các cơ quan công quyền. Làm sao để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nâng cao đạo đức, trách nhiệm của người cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh, xứng đáng với lời Bác Hồ đã từng căn dặn “cán bộ là công bộc của nhân dân” là một sự trăn trở lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp và đông đảo người dân.
Trước thực trạng đó, bên cạnh những biện pháp như tăng cường việc kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, thực hiện Chỉ thị 03 -CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị 35, Kết luận 05 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Quyết định 33 của UBND tỉnh về xiết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; Chỉ thị 20 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Quyết định 31 của UBND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội… Hà Tĩnh cần chú trọng tăng cường vai trò giám sát của nhân dân bằng hình thức nhân dân chấm điểm cán bộ, công chức.
Được biết đây là cách làm hay mà thành phố Đà Nẵng đã áp dụng thành công. Khi người dân đến giao dịch tại các cơ quan công quyền họ sẽ được trực tiếp góp ý, chấm điểm cán bộ, công chức qua một trang mạng do UBND thành phố thiết lập. Các máy chấm điểm được đặt tại trụ sở các cơ quan. Nội dung chấm điểm bao gồm: Năng lực chuyên môn; thái độ hướng dẫn, phục vụ; tác phong và hiệu quả làm việc… của cán bộ, công chức. Sở Nội vụ là đơn vị được giao để theo dõi thường xuyên, tổng hợp kết quả khách quan làm cơ sở tham khảo đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ, công chức trong toàn thành phố. Cách làm này đã được nhận được sự đồng tình và khen ngợi của đông đảo nhân dân.
Thực tế ở Hà Tĩnh đã có nhiều cơ quan thực hiện lấy ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp qua “Hộp thư góp ý”, tuy nhiên cách làm này chưa thuận tiện, hiệu quả chưa cao. Do đó, biện pháp để nhân dân chấm điểm cán bộ, công chức rất cần được áp dụng. Cách làm này sẽ là cơ hội cho người dân thực hiện tốt vai trò giám sát của mình đối với cán bộ, công chức. Những ý kiến đóng góp của người dân sẽ được chọn lọc xử lý, nhằm góp phần đưa công tác cải cách hành chính của tỉnh nhà đạt kết quả cao. Đây là việc làm mang lại nhiều lợi ích, vừa giảm phiền hà, bớt thời gian đi lại, chờ đợi của người dân, vừa củng cố lòng tin và sự gắn bó giữa nhân dân với cơ quan công quyền. Hơn nữa, việc đánh giá năng lực cán bộ, công chức cũng bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác hơn. Sự bình chọn, chấm điểm của người dân là một trong những tiêu chí khách quan phản ánh năng lực, đạo đức, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức nơi công sở. Do đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải làm việc tích cực, mẫn cán, có tác phong, lề lối làm việc khoa học, tận tụy; phải luôn tự tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu hoàn thiện mình, thực hiện tốt nhiệm vụ mà cơ quan giao, để được nhân dân tín nhiệm, trao cho những “điểm tốt” xứng đáng.
Để triển khai thực hiện, chúng ta nên bắt đầu bằng việc thí điểm ở một số sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Các cơ quan nhà nước đều phải đăng tải công khai ảnh, tên tuổi, chức danh của các cán bộ, công chức thực thi công vụ trên trang điện tử. Hướng dẫn cách chấm điểm cho người dân sao cho thuận tiện, dễ hiểu nhất. Định kỳ mỗi tháng một lần cơ quan chức năng (như Sở Nội vụ) tiến hành thu thập, xử lý thông tin để tham mưu cho cấp trên khen thưởng đối với cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ và xử lý nghiêm minh, khách quan những cá nhân vi phạm… Làm được như thế, chắc chắn đạo đức công vụ sẽ ngày càng nâng lên, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PAPI (chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp vào hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh). Từ đó, niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền được củng cố, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Mai Linh, BTGTU
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)