Hà Tĩnh sau hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
EmailPrintAa
08:33 24/01/2013

Cùng với việc tập trung triển khai các công trình, dự án trọng điểm, thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, trong những gần đây, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị, ưu tiên nguồn lực, dồn sức phát triển nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương đã đánh giá cao, khẳng định Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nhiều cách làm sáng tạo.

Xác định sản xuất là yếu tố cốt lõi, quyết định sự thành công xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đặc biệt coi trọng việc xây dựng và thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, quy hoạch nông thôn mới, nhất là quy hoạch sản xuất phải đi trước một bước. Nhờ vậy, mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh xuất hiện ngày càng nhiều. Toàn tỉnh hiện có trên 550 mô hình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: chăn nuôi lợn thương phẩm kết hợp với nuôi cá nước ngọt, trồng cây lâm nghiệp; mô hình liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng có quy mô diện tích lớn; mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát; nuôi cá lồng bè trên sông; mô hình chăn nuôi hươu sao cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.

Sự tham gia liên kết, liên doanh đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng rõ nét. Toàn tỉnh có gần 400 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, riêng 2 năm gần đây đã thành lập mới hơn 100 doanh nghiệp. Kinh tế tập thể trong nông thôn đã có bước phát triển nhanh. Toàn tỉnh hiện có 631 hợp tác xã, 493 tổ hợp tác, vốn góp bình quân 1,3 tỷ đồng/hợp tác xã, thu nhập của xã viên và người lao động bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Trong 2 năm toàn tỉnh đã huy động được 15.628 tỷ đồng. Đặc biệt nguồn vốn do nhân dân đóng góp bằng tiền, hiến đất và ngày công hơn 1.200 tỷ đồng; 115 tổ chức, đơn vị nhận đỡ đầu, tài trợ cho 126 xã; ngoài ra các địa phương kêu gọi sự hỗ trợ của con em xa quê và các tổ chức cá nhân khác, tiêu biểu như Can Lộc 61,7 tỷ đồng, Đức Thọ 34 tỷ đồng, Thạch Hà 26,7 tỷ đồng…

Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp, với hơn 52 ngàn hộ hiến trên 2,76 triệu m2 đất, trị giá trên 345 tỷ đồng. Thực hiện nhựa và bê tông hóa hơn 2.000 km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn đạt chuẩn lên 53,4% và cứng hóa gần 400 km đường trục chính nội đồng. Xây dựng hơn 800 km đường điện. Cải tạo, nâng cấp hơn 140 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng 40 nhà văn hóa và khu thể thao xã, hơn 230 nhà văn hóa, khu thể thao thôn và 21 chợ đạt chuẩn; xây dựng, thay thế hơn 7.400 ngôi nhà cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục, y tế vùng nông thôn được nâng lên. Các thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện, đến nay các khu dân cư cơ bản đều có quy ước, hương ước; 74% đạt gia đình văn hoá, 34% đạt khu dân cư văn hoá. Các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy. Đã có 92 xã đạt chuẩn về tiêu chí giáo dục; 176 xã đạt chuẩn về tiêu chí y tế; 50 xã đạt chuẩn về tiêu chí văn hóa và 19 xã đạt chuẩn về môi trường. An ninh trật tự xã hội được giữ vững, ổn định, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới" được đẩy mạnh. 

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm ở xã Xuân Mỹ - huyện Nghi Xuân

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sau hai năm thực hiện, bức tranh nông thôn mới ở Hà Tĩnh đã có nhiều khởi sắc. Đến nay có 06 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí; 44 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 155 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và chỉ còn 30 xã dưới 5 tiêu chí. Mức độ tăng lên các tiêu chí của các xã đạt khá, nhóm xã chỉ đạo điểm về đích năm 2013 tăng trung bình hơn 3 tiêu chí; nhóm xã đăng ký về đích năm 2015 tăng trung bình 1,5 tiêu chí. Đã có 100% xã hoàn thành phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới; 80% số xã hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch; 94,5% số xã đã công bố quy hoạch.

Tuy nhiên việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh vẫn còn nhiều mặt hạn chế: Công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng quy hoạch và đề án phát triển sản xuất ở nhiều xã tính khả thi chưa cao. Việc nhân rộng mô hình, điển hình sản xuất chưa mạnh; trình độ sản xuất, quản lý của nhiều hộ dân còn thấp, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất chưa nhiều. Người dân thiếu vốn nhưng điều kiện vay chưa đáp ứng. Nhìn chung hình thức tổ chức sản xuất quy mô còn nhỏ, hoạt động còn lúng túng. Các thiết chế văn hóa, thể thao xã và thôn còn thiếu, chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa chưa cao. An ninh, trật tự ở một số địa phương còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chính quyền địa phương và cán bộ cơ sở thiếu quyết liệt.

Từ thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh hai năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, làm cho mọi người dân hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, phải dựa vào nội lực của chính nhân dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động; nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ. Phải thay đổi cách sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chuyển mạnh sang tư duy sản xuất hàng hóa quy mô tập trung trong nhận thức của người dân. Công tác tuyên truyền phải tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều kênh, phối hợp nhiều lực lượng, hình thức phong phú, sinh động, phù hợp từng đối tượng. Đặc biệt, phải tuyên truyền và nhân rộng những mô hình, điển hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Hai là, cần phải huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân, mọi thành phần kinh tế và xã hội tham gia. Trước hết người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ phải thật tâm huyết, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thường xuyên trăn trở tìm hướng đi cho phát triển sản xuất, khai thác lợi thế từng vùng, địa phương, khơi dậy nguồn lực tại chỗ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Ba là, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở với phương châm dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm và dân hưởng lợi; công khai, minh bạch về công tác quy hoạch, các nguồn đầu tư; tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận và quyết tâm cao của nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Phải đề ra cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, làm động lực để khơi dậy tiềm năng về đất đai, nguồn vốn, lao động, kinh nghiệm sản xuất trong nhân dân. Có chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân; tích cực huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia liên doanh, liên kết sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi về chính sách đất đai và đào tạo nghề, bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật, kiến thức quản lý sản xuất kinh doanh cho người dân.

Bốn là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát; phân công cán bộ bám sát địa phương cơ sở, thôn, xóm để kịp thời phát hiện những vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng các mô hình sản xuất, tuyên truyền, vận động và khích lệ người dân tích cực tham gia.

Trên cơ sở những kết quả bước đầu và kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, năm 2013 Hà Tĩnh tiếp tục rà soát và điều chỉnh bổ sung quy hoạch nông thôn mới phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng các đề án phát triển sản xuất. Nhân rộng các mô hình, điển hình. Quan tâm đầu tư lĩnh vực sản xuất giống, quy trình sản xuất công nghệ cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thực hiện cơ giới hóa sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy chế biến súc sản, chế biến nông sản để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ hàng hóa cho nông dân.

Rà soát, xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách về hỗ trợ vay vốn, khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển nhanh hình thức trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, kinh tế hộ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi để khuyến khích, tăng cường liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ gia đình và các hình thức tổ chức sản xuất khác.

Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tạo sự chuyển biến rõ nét trong các hoạt động văn hóa - xã hội. Đẩy mạnh thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Quan tâm công tác bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đặc biệt là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tất cả địa bàn cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn, phấn đấu đến năm 2015, có trên 20% số xã trong toàn tỉnh về đích nông thôn mới như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVII đã đề ra./.

Hoàng Trung Dũng, Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ


    Ý kiến bạn đọc