Hà Tĩnh với công tác đảm bảo an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông
EmailPrintAa
16:18 21/06/2013

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (ban hành ngày 24/5/2011), tình hình an ninh trật tự (ANTT) và trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, chứng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng của các cấp uỷ, chính quyền và vai trò nòng cốt của lực lượng công an, bộ đội biên phòng trong triển khai thực hiện Nghị quyết.

An ninh trật tự được giữ vững

Sau khi Nghị quyết 02-NQ/TU ra đời, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương, giải pháp đảm bảo ANTT và trật tự ATGT. Hằng năm các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, như: mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, ra quân hưởng ứng Tháng ATGT gắn với thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết liên tịch, quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng chống tội phạm, nhất là giữa Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng với các sở, ban, ngành, đoàn thể… Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể đã bám sát nội dung các phong trào, các cuộc vận động của cấp trên để triển khai sâu rộng công tác đảm bảo ANTT, ATGT trong đoàn viên, hội viên.

Trên tuyến biên giới, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh biên giới, phòng chống xâm nhập của bọn phản động lưu vong; phối hợp với lực lượng của bạn (Lào) tổ chức tuần tra biên giới, củng cố 28/28 biển báo khu vực biên giới và 23/23 biển báo vành đai biên giới, 4/4 biển báo “Nội quy vào khu vực biên giới”; tổ chức 350 đợt tuần tra biên giới. 

Trong nội địa, lực lượng công an đã bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ lớn, các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh. Công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ được quan tâm thể hiện qua việc nắm tình hình liên quan đến những quan điểm, tư tưởng trái với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để chủ động phòng ngừa, đấu tranh; nắm chắc hoạt động của các đoàn khách nước ngoài, tình hình an ninh vùng giáo, an ninh nông thôn, an ninh kinh tế, văn hoá, tư tưởng. Chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đã phát hiện 4 doanh nghiệp nước ngoài vi phạm pháp luật phải thu hồi giấy phép đầu tư; thẩm tra, xác minh 32 đối tác đầu tư. Nắm tình hình liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại các công trình, dự án kinh tế trọng điểm, để giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên có liên quan đến ANTT; xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch đảm bảo ANTT phục vụ giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án. Rà soát, phân loại các vụ khiếu kiện phức tạp, phân hóa số đầu đơn quá khích, không để liên kết với nhau; xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm pháp luật, kích động, lôi kéo tập trung đông người khiếu kiện. Đã giải quyết ổn định 19 vụ, tạm ổn định 23 vụ; trong đó có một số vụ tập trung đông người phức tạp như: vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản tại xã Yên Lộc, xã Thiên Lộc (Can Lộc); khiếu kiện sáp nhập trường ở Đức Lâm (Đức Thọ); dùng băng rôn, khẩu hiệu có nội dung vu khống lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tại Hà Nội… Tổ chức diễn tập phương án phòng chống tập trung đông người gây rối an ninh trật tự, bạo loạn, phòng chống khủng bố cấp tỉnh và diễn tập phòng chống tập trung đông người gây rối ANTT, phòng chống khủng bố tại các huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang và thị xã Hồng Lĩnh.

Thời gian qua, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nổi lên một số vụ có hành vi liều lĩnh, manh động, thách thức, coi thường pháp luật, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng; hoạt động ổ nhóm tội phạm dưới hình thức bảo kê, đòi nợ thuê; tội phạm lừa đảo dưới các hình thức như đưa người đi xuất khẩu lao động, vay tiền trả lãi suất cao, nhận tiền để xin việc làm, huy động vốn dưới dạng tín dụng đen, góp vốn kinh doanh bất động sản gây thiệt hại lớn; xuất hiện một số ổ nhóm, tổ chức đánh bạc lưu động có quy mô lớn. Do đó, lực lượng công an đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Trong 2 năm qua đã điều tra, khám phá 888 vụ, bắt xử lý 1.403 đối tượng, trong đó làm rõ 136/148 vụ trọng án; triệt phá 141 ổ nhóm 164 đối tượng chuyên cướp, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng..., thu hồi tài sản tổng trị giá khoảng 9,5 tỷ đồng; bắt giữ 567 vụ 2.393 đối tượng đánh bạc, thu giữ gần 3 tỷ đồng; phát hiện, bắt giữ 368 vụ, 437 đối tượng vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, môi trường, thu giữ tài sản, hàng hóa tổng trị giá trên 24 tỷ đồng. Nhiều vụ án trên một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, vi phạm pháp luật về môi trường được điều tra, khám phá kịp thời.

Đối tượng và tang vật bị bắt giữa tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp đã thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma tuý; triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma tuý, đẩy lùi tệ nạn ma túy trong thanh niên trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh” và Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”. Trong 2 năm qua, lực lượng phòng chống tội phạm ma tuý Công an, Bộ đội Biên phòng và Hải quan đã phát hiện, phá thành công 162 chuyên án, vụ án, bắt giữ 263 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 125 bánh hêrôin, 36,9 kg ma túy tổng hợp (dạng đá), 1.035 kg cần sa, 32.000 viên ma tuý tổng hợp; phát hiện, bắt quả tang 73 vụ, 217 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. 

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức phân loại kết quả các mặt công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các xã, phường, thị trấn: có 125 đơn vị xuất sắc chiếm 47,7%; 117 đơn vị khá chiếm 44,6%; 20 đơn vị trung bình chiếm 7,7%. Tiến hành rà soát, xác định 91/262 xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự để tập trung giải quyết. Tiếp tục nhân rộng và phát triển các mô hình, điển hình tiên tiến, có hiệu quả theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự tại cơ sở, như: mô hình “Dòng họ, giáo họ an toàn- văn hóa”, “Quản lý giáo dục người hết hạn tù, đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng về địa phương”, “Trường học an toàn, thân thiện”, câu lạc bộ “Khi mẹ vắng nhà”, “Người cha gương mẫu”, “Tổ liên gia an toàn”, “Phong trào 5 nhất về an ninh trật tự; “Xứ đạo an toàn, đoàn kết, văn hóa; cụm liên kết về an ninh trật tự; “Gia đình, công sở an toàn - công dân gương mẫu”… Kiện toàn và củng cố hoạt động của 8.976 tổ tự quản, 8.560 tổ liên gia, 262 ban thanh tra nhân dân, 6.560 tổ hòa giải về an ninh trật tự ở cơ sở; 384 tổ an ninh tự quản, 95 tổ hòa giải và 135 tổ, đội tàu thuyền, bến, bãi an toàn.

Tai nạn giao thông giảm 

Các cấp, các ngành đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông theo nội dung Chỉ thị 18/CT-TW của Ban Bí thư, Nghị quyết Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết 88 của Chính phủ. Cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể các cấp thực hiện tốt Năm An toàn giao thông, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông; in hằng trăm ngàn tài liệu, tờ rơi, băng đĩa, băng rôn, pa nô áp phích về tuyên truyền hưởng ứng giữ gìn trật tự ATGT; tổ chức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh ký cam kết thực hiện ATGT. Xây dựng hằng trăm phóng sự, tin, bài phát trên sóng phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí phản ánh về hoạt động của các đơn vị, địa phương trong công tác giữ gìn trật tự ATGT và các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để cảnh báo cho mọi người nâng cao ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự ATGT; tổ chức tập huấn, giáo dục pháp luật về ATGT cho trên 5.000 lượt cán bộ cốt cán các xã, phường, thị trấn và trên 30.000 lượt giáo viên, sinh viên, học sinh.

Chiến sĩ Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh xử lý phương tiện vi phạm

Thực hiện Nghị định 60/CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa, các cơ quan chức năng huy động tối đa lực lượng, phương tiện, mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát trên các tuyến giao thông, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm. Qua 2 năm đã phát hiện, xử lý hơn 150.000 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 50 tỷ đồng; lập biên bản xử lý gần 600 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thuỷ, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng; tạm giữ 244 ô tô, 9.726 mô tô vi phạm, thu hồi vĩnh viễn 1.013 giấy phép lái xe.

Trong 2 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 570 vụ tại nạn giao thông đường bộ, làm chết 294 người, bị thương 525 người, thiệt hại tài sản khoảng 2,7 tỷ đồng. Trong đó: va chạm giao thông: xảy ra 297 vụ, bị thương 331 người, thiệt hại tài sản khoảng 600 triệu đồng; tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 273 vụ, làm chết 294 người, bị thương 194 người, thiệt hại tài sản khoảng 2,2 tỷ đồng; tai nạn đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 2 người; tai nạn đường thuỷ xảy ra 3 vụ, làm chết 4 người. Tuy nhiên, so sánh với thời gian trước đó thì tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông nhìn chung giảm trên cả 3 chỉ số (số vụ, số người chết, số người bị thương).

Đình Trọng - VPTU


    Ý kiến bạn đọc