Hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
EmailPrintAa
14:34 20/11/2013

Sáng 20/11, Sở NN&PTNT tổ chức hội thảo “Hoàn thiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn dự và phát biểu tại hội thảo.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong 3 năm (2011- 2013), lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhằm tiếp tục tái cơ cấu cả chiều rộng và chiều sâu định hướng đến năm 2020, đề án hướng đến quan điểm: tái cơ cấu dựa trên phát huy lợi thế so sánh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; phát triển công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng và bền vững; phát triển nông nghiệp, nông thôn dựa trên cơ chế thị trường; nhà nước giữ vai trog hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình tái cơ cấu.Theo đó, ngành chỉ rõ định hướng, chỉ tiêu phát triển cho từng lĩnh vực, trong đó tiếp tục chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra giá trị tăng thêm trong từng sản phẩm; đẩy mạnh áp dụng KHKT.

Ngoài 4 lĩnh vực sản xuất truyền thống, đề án bổ sung thêm lĩnh vực dịch vụ ngành nghề nông thôn, nhằm sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu tại chỗ. Để thực hiện tái cơ cấu trong giai đoạn mới, ngành chủ trương 8 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng: tổ chức lại sản xuất theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất, xã hội hóa đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư; phân loại thị trường tiêu thụ, chế biến sản phẩm.

Các ý kiến cơ bản đồng thuận cao chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, để đề án thêm tính khả thi, nhiều ý kiến cho rằng đề án nên tập trung vào các vùng quy hoạch hàng hóa, sản phẩm chủ lực; nên quan tâm đến thị trường dịch vụ ngành nghề nông thôn…

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đánh giá cao và cơ bản đồng ý với bố cục đề cương cũng như nội dung đề án đã nêu. Tuy nhiên, ngành cần nêu rõ thực trạng sản xuất nông nghiệp sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu, đồng thời khẳng định tính tất yếu tái cơ gắn với xây dựng nông thôn mới trong phần sự cần thiết của đề án.

Về bố cục phần nội dung, mục đánh giá thực trạng rút gọn khoảng 1/3 đề án; chú trọng phân tích tỷ trọng giá trị sản xuất trong nội hàm ngành nông nghiệp, từ đó đánh giá được giá trị tăng thêm của từng sản phẩm trong vòng 3 năm qua. Phần giải pháp bổ sung rõ hơn ngành nghề nông thôn và lao động và hạ tầng nông thôn mới gắn với đội ngũ cán bộ. Cuối cùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT tiếp thu, chắt lọc những ý kiến đóng góp để bổ sung hoàn thiện đề án.


    Ý kiến bạn đọc