Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh viết tiếp truyền thống vẻ vang
EmailPrintAa
11:20 22/11/2016

Năm 2016 đánh dấu chặng đường 70 năm lịch sử vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Đây là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ vinh dự, tự hào ôn lại bề dày truyền thống 70 năm của Hội, đồng thời là cơ hội để mỗi người làm công tác nhân đạo thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, sẵn sàng có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn nhất, sát cánh cùng những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó.
 

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh thăm hỏi, hỗ trợ gia đình bị lũ lụt

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến tranh hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sỹ, trí thức yêu nước đã đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay).

Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban Vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Ban Hồng Thập tự và khuyên: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.

Ngày 23/11/1946, Đại hội đại biểu Hồng Thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại đình làng Thanh m, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự chính thức được thành lập. Đại hội đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Danh dự của Hội và Người là Chủ tịch Danh dự của Hội suốt 23 năm cho tới khi Người qua đời.

Ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son sáng chói đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Danh dự đầu tiên. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ có những đóng góp tích cực, nhiều khởi sắc; vị trí, vai trò của Hội từng bước được khẳng định; tổ chức 4 cấp của Hội được củng cố, kiện toàn; số lượng, chất lượng cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ được nâng lên một bước; hoạt động hợp tác quốc tế của Hội được mở rộng; công tác vận động nguồn lực và trợ giúp đối tượng ngày càng có hiệu quả; công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân đạo có kết quả rõ rệt. Tính đến hết năm 2015, toàn hội có 8,3 triệu cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ, hoạt động tại hơn 16.000 tổ chức cơ sở Hội. Trị giá hoạt động toàn Hội năm 2015 đạt hơn 3.000 tỷ đồng, trợ giúp hơn 17.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong các hoạt động nhân đạo của đất nước. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Hội hoạt động trên phạm vi cả nước với 7 lĩnh vực trọng tâm đã được quy định trong Luật Hoạt động chữ thập đỏ, bao gồm: Cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; Chăm sóc sức khoẻ; Sơ cấp cứu ban đầu; Hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; Tuyên truyền các giá trị nhân đạo; Tham gia phòng ngừa ứng phó thảm hoạ. Hội hoạt động vì mục tiêu nhân đạo - hòa bình - hữu nghị, với 4 tính chất đặc thù: tính xã hội sâu sắc, tính chuyên nghiệp, tính hệ thống, tính quốc tế cao cả.

Lịch sử phát triển của Hội từ ngày thành lập đến nay là biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc với lịch sử phát triển của một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, gắn bó với lợi ích dân tộc, hòa đồng với cuộc sống của nhân dân. Suốt quá trình 70 năm xây dựng và phát triển, sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã hun đúc lên những truyền thống vẻ vang, đó là:

Truyền thống cống hiến, hy sinh hết mình vì những người nghèo, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai, thảm họa, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em lang thang và những người dễ bị tổn thương khác trong xã hội. Tổ chức Hội Chữ thập đỏ là một trong số tổ chức được thành lập không phải chỉ vì lợi ích của cán bộ, hội viên của mình, mà quan trọng hơn và trên hết là vì lợi ích của những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội cần sự giúp đỡ.

Truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái và nhân đạo cao cả; đoàn kết trong tổ chức Hội, đoàn kết với các tổ chức xã hội trong nước, các tổ chức quốc tế trong các hoạt động nhân đạo, vì hòa bình, hữu nghị và phát triển. 70 năm qua, tổ chức Hội đã phát triển không ngừng và có mối quan hệ hợp tác ngày càng rộng mở với các tổ chức trong nước và quốc tếmục tiêuChung sức vì nhân đạo” góp phần khơi dậy, phát huy truyền thống nhân văn, nhân đạo cao quý của dân tộc.

Truyền thống sáng tạo, có ý chí vượt khó, dám nghĩ, dám làm, luôn luôn đổi mới phương thức hoạt động, nắm chắc tính đặc thù của tổ chức Hội, tham mưu có hiệu quả cho Đảng và Nhà nước lãnh đạo công tác Hội và thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác nhân đạo, tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể, hướng về cơ sở, quan tâm đến những người khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, góp phần xây dựng đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trải qua 9 kỳ Đại hội với những bước trưởng thành vượt bậc và cống hiến xuất sắc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương lao động hạng nhì (1971), Huân chương Độc lập hạng nhất (1988), Huân chương Hồ Chí Minh (1998), Huân chương Lao động hạng Nhất (2005), Huân chương Hồ Chí Minh lần 2 (2011).

Tiếp nối truyền thống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ngày 14  tháng  8  năm  1979 Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ Tĩnh đã được thành lập, đến năm 1991 được chia tách thành Hội Chữ thập đỏ Nghệ An và Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh. Trải qua 37 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh luôn ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội được tăng cường chỉ đạo; số lượng, chất lượng hội viên, lực lượng thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ có bước phát triển mới. Đến nay, toàn tỉnh có 335 cơ sở Hội, 94.386 hội viên, 8.422 tình nguyện viên Chữ thập đỏ, 127.114 thanh thiếu niên Chữ thập đỏ. Công tác tuyên truyền các giá trị nhân đạo và công tác xã hội nhân đạo được triển khai có chiều sâu, có tính bền vững và thu hút nhiều cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm tham gia.

 

Trao quà Tết cho trẻ em dân tộc Chứt ở Bản Giàng (huyện Hương Khê)

Là địa bàn thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai nên hoạt động tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa ngày càng chuyên nghiệp, kịp thời, hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác sơ cấp cứu có chuyển biến  tích cực. Công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện được triển khai rộng khắp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phục vụ máu cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân, nhiều năm liền hoàn thành và vượt chỉ tiêu hiến máu do Trung ương giao. Công tác vận động nguồn lực, xây dựng quỹ hội được quan tâm, công tác đối ngoại được tăng cường, góp phần nâng cao tính chủ động của tổ chức Hội các cấp trong hoạt động nhân đạo, từ thiện. Giai đoạn 2011 - 2015, Phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” huy động ước đạt hơn 96 tỷ đồng, trợ giúp cho hàng ngàn lượt hộ gia đình vui tết đón xuân; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” ước đạt trên 40 tỷ đồng trợ giúp thường xuyên cho 21.987 đối tượng có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn mỗi tháng từ 100 đến 300 ngàn đồng; Các chương trình, dự án phát triển cộng đồng do Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các Hội quốc gia tài trợ ước đạt 5.600 triệu đồng; Dự án “Ngân hàng bòdo Hội quản lý tiếp tục được phát huy, tính đến nay toàn Hội có gần 1.000 con bò; phong trào xây dựng nhà Nhân đạo đã xây dựng được gần 200 ngôi nhà, trị giá hàng chục tỷ đồng...  Tổng trị giá các hoạt động nhân đạo, từ thiện của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2011 đến năm 2015 ước đạt gần 180 tỷ đồng.

Với nhiều thành tích nổi bật, Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba, Huân chương Lao động Hạng Nhì; các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hội qua các thời kỳ, nhiều tổ chức Hội và cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ được các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Tiếp tục phát huy truyền thống 70 năm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và 37 năm Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian tới cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyên viên Chữ thập đỏ nguyện ra sức học tập theo gương Bác Hồ, phấn đấu vì mục tiêu giúp đỡ người nghèo, người yếu thế trong xã hội vươn lên trong cuộc sống, góp phần cùng Đảng bộ và và nhân dân xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Mai Lê Thuộc - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh


    Ý kiến bạn đọc