Là một đoàn thể chính trị - xã hội tập hợp, đoàn kết, tổ chức, động viên các thế hệ Cựu chiến binh giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của cựu chiến binh, chăm lo giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu, trong những năm qua, cán bộ, hội viên Cựu chiến binh (CCB) Hà Tĩnh đã phấn đấu hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Cựu chiến binh tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2007-2012 đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh tỉnh nhà.
Các cấp Hội thường xuyên quan tâm, chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, hội viên. Vì vậy cán bộ, hội viên luôn gương mẫu chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết, Chỉ thị của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hội viên CCB vẫn kiên định, vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, âm mưu thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Thông qua các cuộc sinh hoạt Đảng ở các chi bộ, sinh hoạt thôn, xóm, khối phố, hội viên CCB đã tham gia ý kiến để xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham ô, lãng phí, vi phạm quy chế dân chủ cơ sở, tích cực tham gia các tổ hoà giải, giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân…
Với số lượng gần 2,4 vạn CCB là đảng viên, nhiều đồng chí được tín nhiệm bầu vào cấp uỷ, HĐND các cấp. Có 2.348 đồng chí được bầu vào cấp uỷ, trong đó có 117 đồng chí cấp uỷ viên đảng bộ cấp tỉnh và cấp huyện, 198 đồng chí được bầu là bí thư đảng uỷ cơ sở. Toàn tỉnh có 2.415 đồng chí trúng cử đại biểu HĐND các cấp (chiếm 33,95% đại biểu). Có 427 đồng chí được bầu giữ chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, HĐND cấp xã, phường, thị trấn, 1.297 đồng chí là cán bộ thôn, xóm, khối phố. Đội ngũ cán bộ hội viên CCB là cán bộ đương nhiệm luôn phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, là lực lượng nòng cốt, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và tham mưu cho cấp uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được quan tâm đẩy mạnh và ngày càng phát huy hiệu quả. Các cấp Hội đã động viên CCB nêu cao ý chí tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại, không cam chịu đói nghèo, phát huy tiềm năng của CCB, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững.
Nhiều đồng chí CCB xung phong nhận những vùng đất trống, đồi trọc, gò đầm, ao hồ để đầu tư khai hoang, phục hoá thành các trang trại, gia trại phát triển kinh tế sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ sản… tạo thành mô hình kinh tế vườn đồi đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kinh nghiệm sản xuất, sử dụng nguồn vốn vay cho hơn 2 vạn lượt cán bộ, hội viên. Hằng năm, vận động những gia đình CCB có kinh tế khá cho các gia đình CCB nghèo có hoàn cảnh khó khăn vay từ 8 đến 10 tỷ đồng không lấy lãi. Nhiều cơ sở Hội tổ chức hội lúa, hội tiền, hội vật liệu xây dựng … và tạo nguồn quỹ để cho CCB nghèo vay phát triển kinh tế.
Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo CCB năm 2007 chiếm 19,63% đến nay giảm còn 5,76%; số hộ CCB có mức sống trung bình trở lên trên 93%, trong đó có 48% hộ gia đình CCB khá và giàu. Hiện nay toàn tỉnh có 2.927 mô hình CCB làm kinh tế giỏi, thu nhập hàng năm trên một trăm triệu đồng, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng của CCB thu nhập vài tỷ đồng/năm. Các mô hình trên vừa phát triển kinh tế vừa tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó có con em CCB và thanh niên địa phương.
Bên cạnh đó, CCB còn tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, cơ quan, đơn vị, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “Xoá đói giảm nghèo”, “ Đền ơn đáp nghĩa”, “Dân vận khéo”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phong trào làm đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng… Đặc biệt, các CCB đã gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng, trong những năm qua, các cấp Hội đã đóng góp trên 60 triệu đồng và hàng ngàn ngày công giúp đỡ nhân dân các xã Kỳ Phương, Kỳ Long dỡ nhà, vận chuyển đồ đạc, dựng nhà ở khu tái định cư. Tích cực tuyên truyền, vận động trong CCB và các tầng lớp nhân dân góp phần nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều gia đình CCB đã hiến hàng ngàn mét vuông đất vườn, tháo dỡ bờ rào, chặt bỏ những cây ăn quả lâu năm để mở rộng đường giao thông nông thôn.
Hàng năm các tổ chức Hội đã bổ sung và ký kết chương trình hoạt động với các cơ quan ban, ngành, nhằm tăng cường tình đoàn kết, phối hợp hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương như: phối hợp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với cơ quan quân sự cùng cấp, phối hợp với ngành công an thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma tuý, mại dâm, HIV-AIDS; tham gia giáo dục, cảm hoá thanh thiếu niên chậm tiến, và nhận giáo dục cảm hoá một số đối tượng thanh niên sau khi ra tù hoặc cai nghiện trở lại hoà nhập cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, và các đoàn thể tích cực tham gia giáo dục bồi dưỡng truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ…, tham gia các hoạt động thiết thực với thanh niên như: Thắp nến tri ân ở các nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc các nhà bia tưởng niệm liệt sĩ. Hội CCB các cơ sở đã chủ trì phối hợp với cơ quan Quân sự và Đoàn thanh niên tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương vận động tập hợp lực lượng cựu quân nhân tham gia sinh hoạt câu lạc bộ cựu quân nhân, đến nay đã có 183 câu lạc bộ xã, phường, thị trấn và 954 câu lạc bộ sinh hoạt ở các thôn, xóm, khối phố thu hút 28.953 cựu quân nhân tham gia. Động viên lực lượng cựu quân nhân luôn giữ vững và phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” gắn bó nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tham gia phát triển kinh tế - xã hội và là lực lượng chủ yếu của đội dân quân tự vệ, dự bị động viên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa thật sâu rộng, sự phối kết hợp ở các cấp Hội chưa được thường xuyên, toàn diện; phong trào ở một số cơ sở Hội chưa đồng đều, thiếu tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động; bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ Hội ở một số nơi còn thiếu và yếu; công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chưa thật sự hiệu quả…
Bước sang nhiệm kỳ 2012-2017 trong điều kiện có nhiều thời cơ thuận lợi cùng những khó khăn, thách thức đan xen, các cấp Hội cựu chiến binh Hà Tĩnh xác định tăng cường đoàn kết, thể hiện quyết tâm cao, đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp sát đúng và phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên; tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tiếp tục quán triệt, triển khai Kết luận số 66-KL/TW, ngày 4/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh trong giai đoạn cách mạng mới, đồng thời chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn thể cán bộ, hội viên. Vận động cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở; tham gia đóng góp ý kiến đối với cán bộ, đảng viên theo chủ trương Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI) của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, dân chủ, có ý thức trách nhiệm cao.
2. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế, động viên cán bộ, hội viên nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, giảm nghèo nhanh, bền vững. Các cấp Hội chủ động tìm hiểu các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó đăng ký đảm nhiệm những phần việc phù hợp với đặc điểm, khả năng của Hội; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, quản lý nguồn vốn vay cho cán bộ, hội viên. Hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết chuyên đề cựu chiến binh làm kinh tế giỏi để kịp thời tuyên dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong toàn Hội. Tăng cường hoạt động nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công, gia đình cựu chiến binh nghèo.
3. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” gắn với các phong trào, cuộc vận động của địa phương, đơn vị. Cán bộ, hội viên cựu chiến binh gương mẫu đi đầu và tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ các công trình, dự án trọng điểm… Tăng cường các hoạt động phối hợp giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
4. Phát huy vai trò đội ngũ hội viên cựu chiến binh là cán bộ đương nhiệm, tiếp tục vận động, tập hợp cựu quân nhân tham gia các câu lạc bộ, ban liên lạc truyền thống cựu quân nhân ở địa phương, phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phối hợp với Hội Cựu chiến binh các tỉnh thuộc nước bạn Lào để giáo dục truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai dân tộc, quân đội nhân dân, cựu chiến binh của Việt Nam và Lào.
5. Đổi mới phương thức hoạt động, tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh; thường xuyên quan tâm đến công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ Hội các cấp. Coi trọng phẩm chất đạo đức, tư cách, bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ, luôn tận tuỵ, gương mẫu, sâu sát cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư tình cảm của hội viên, từ đó tham mưu đề xuất với các cấp ủy đảng, chính quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp tình hình thực tiễn. Chăm lo bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ cán bộ Hội đủ số lượng, nâng cao chất lượng, có phẩm chất đạo đức, năng lực, nhiệt tình, uy tín, tâm huyết với công tác Hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội thực sự có tâm, có tầm, xứng đáng với vai trò, vị trí của Hội Cựu chiến binh: là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân.
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)