Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa
EmailPrintAa
14:59 30/10/2014

Thời gian qua, với việc ban hành các cơ chế, chính sách, hành động cụ thể, Hà Tĩnh đã gặt hái được nhiều thắng lợi trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực của địa phương, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kết quả đó có đóng góp không nhỏ của các mô hình phát triển sản xuất hàng hóa theo sản phẩm chủ lực do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp hỗ trợ, đầu tư.
 

Trồng rau, củ, quả sạch tại xã Thạch Văn (Thạch Hà)

 

Thực hiện chường trình sản xuất sản phẩm chủ lực, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Hội LHPN Hà Tĩnh đã quan tâm hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị có sự liên kết của 4 nhà, đặc biệt chú trọng sản phẩm rau, củ, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGap và tổ liên kết chăn nuôi nông hộ an toàn tại cộng đồng... Hội đã chủ động tham gia các đề án, dự án của tỉnh; tuyên truyền, vận động, phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn cách thức triển khai, phổ biến các chính sách ưu đãi trong thực hiện các dự án để cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp hiểu rõ và thực hiện có hiệu quả.

Đối với Dự án khảo nghiệm giống rau, củ, quả trên vùng đất cát hoang hóa bạc màu ven biển, Hội LHPN các cấp đã tổ chức 15 cuộc Hội nghị, tuyên truyền về dự án và các chính sách ưu đãi của tỉnh; huy động cán bộ Hội trực tiếp tham gia lao động, giúp đỡ các xã Thạch Trị, Thạch Văn (Thạch Hà), thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) thực hiện dự án; đồng thời, phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công thương Miền Trung khảo sát thị trường, xây dựng đề án tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh và kết nối với 2 doanh nghiệp tiêu thụ được 127 tấn rau, củ, quả các loại.

Thực hiện chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai Đề án phát triển mô hình chăn nuôi lợn an toàn tại cộng đồng, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện phối hợp với phòng nông nghiệp, Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh, Công ty thức ăn gia súc Austfeed tổ chức triển khai đề án, làm điểm tại các xã Gia Hanh, Thường Nga, Phú Lộc (huyện Can Lộc) và Hương Điền, Đức Liên (huyện Vũ Quang) theo các bước: Khảo sát nhu cầu chăn nuôi của các hộ; hướng dẫn xây dựng chuồng trại, thẩm định và tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức tham quan học tập các mô hình; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi... Theo đó, huyện Can Lộc đã thành lập được 03 tổ hợp tác với 17 hộ chăn nuôi; huyện Vũ Quang thành lập 03 tổ hợp tác với 29 hộ chăn nuôi. Đến tháng 9/2014, 46 mô hình chăn nuôi tại hai huyện đã xuất chuồng tổng cộng 655 con lợn, cho thu nhập bình quân mỗi hộ (mô hình) 30 triệu đồng/3 tháng. Có thể khẳng định, các mô hình chăn nuôi liên kết 4 nhà bước đầu đã thành công, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao ý thức sản xuất, bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, tạo sự gắn kết giữa người nông dân và doanh nghiệp. Phát huy hiệu quả đạt được, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo nhân rộng, thành lập được 16 tổ hợp chăn nuôi liên kết tại 3 huyện Thạch Hà, Can Lộc, Vũ Quang.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các lớp đào tạo nghề cho lao động nữ, gắn kết giữa tư vấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vốn và giải quyết việc làm cho phụ nữ sau đào tạo. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Hội LHPN các huyện, thành, thị đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 13 lớp dạy nghề, trên 400 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 42.000 hội viên, phụ nữ; hỗ trợ thành lập 5 hợp tác xã, 51 tổ hợp tác chăn nuôi, trồng rau củ quả, thu gom rác thải và dịch vụ gia đình thu hút trên 776 thành viên tham gia, xây dựng 50 mô hình kinh tế do phụ nữ đứng chủ. Ngoài ra, tỉnh Hội đã phối hợp với Ban Kinh tế - Hội LHPN Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ năng quản trị, chuỗi giá trị và chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cho 430 đại biểu là cán bộ Hội chủ chốt các cấp, 120 chủ mô hình, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 12 lớp tập huấn “Quản trị doanh nghiệp, chuỗi giá trị, các chính sách của Trung ương và tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp” cho 1.200 đại biểu tại 12 huyện, thành, thị. Thông qua lớp tập huấn, chị em được cung cấp kiến thức, kỹ năng tiếp cận các chính sách và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp. Theo khảo sát, Hà Tĩnh hiện có 3.868 doanh nghiệp, 53.208 hộ kinh doanh cá thể, 734 hợp tác xã, trong đó 85,2% (45.326) nữ hộ kinh doanh cá thể, trên 15% (589 doanh nghiệp nữ) doanh nghiệp do phụ nữ đứng chủ, 8,3% (61) hợp tác xã do phụ nữ làm chủ nhiệm, 40% (139 tổ hợp tác) tổ hợp tác do phụ nữ đứng chủ.

Với sự chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ của các cấp Hội, việc phát triển các mô hình kinh doanh nói chung và phát triển sản xuất hàng hóa theo sản phẩm chủ lực do phụ nữ làm chủ nói riêng đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tin tưởng, trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn Hà Tĩnh tiếp tục tranh thủ, vận dụng tối đa các chính sách, cơ chế thuận lợi của Trung ương, của tỉnh để phát huy quyền làm chủ, năng lực sáng tạo, sức mạnh nội sinh của từng cá nhân và tập thể, nhằm đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

Tố Uyên - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


    Ý kiến bạn đọc