Đồng chí Nguyễn Văn Thanh - TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh phát biểu tại hội thảo |
Đa số ý kiến đánh giá, Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) đã cụ thể hóa Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 2013; phù hợp với luật lệ quốc tế và đạo đức, văn hóa người Việt Nam; đảm bảo là "luật nền", "luật chung" cho hệ thống pháp luật của nước ta. Dự thảo Luật sửa đổi lần này diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu.
Đi sâu vào các nội dung, về hình thức sở hữu, có ý kiến đề nghị hai hình thức sở hữu: Sở hữu toàn dân và sở hữu riêng, bỏ sở hữu chung, vì sở hữu chung cũng là hình thức sở hữu toàn dân. Cũng có ý kiến đề nghị ba hình thức sở hữu: Sở hữu Nhà nước, sở hữu tư nhân và sở hữu chung. Tuy nhiên, phần đông ý kiến đề nghị để nguyên ba hình thức sở hữu như dự thảo: Sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng. Cần phải có hình thức sở hữu toàn dân vì sở hữu toàn dân rất quan trọng cả về mặt kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng. Từ xác lập sở hữu toàn dân, nhân dân mới có quyền kiểm tra giám sát vốn, tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
Về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự, các ý kiến nhất trí với Dự thảo là: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự do chưa có điều luật áp dụng. Quy định như Dự thảo Bộ luật sẽ tăng việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, phù hợp với khoản 3 Điều 102 của Hiến pháp năm 2013. Hơn nữa, đời sống thực tiễn diễn ra phong phú, muôn hình muôn vẻ, không phải trường hợp nào cũng có luật điều chỉnh.
Về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, Điều 119 của Dự thảo quy định: "Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự". Có ý kiến cho rằng, quy định như vậy thuận lợi trong xử lý, giải quyết các vấn đề dân sự. Nhưng gia đình và tổ hợp tác là những thực thể đang tồn tại, vừa là giá trị truyền thống hiện tại và xu thế phát triển kinh tế tập thể trong tương lai theo định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước. Trong thực tế, chúng ta tôn trọng yếu tố gia đình, lẽ nào pháp luật quy định "không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự"? Lý do để "Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự" được đưa ra chưa có tính thuyết phục. Lẽ ra cần phải tổng kết, đánh giá quá trình áp dụng của hai chủ thể này, từ đó dự thảo Bộ luật mới có sự điều chỉnh.
Vấn đề chuyển đổi giới tính, một số ý kiến cho là luật không nên cho phép, vì liên quan đến hạnh phúc gia đình, truyền thống văn hóa, phong tục người Việt Nam.
Về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, đa số ý kiến đồng tình với dự thảo Bộ luật. Có ý kiến đề nghị quyền sở hữu được công nhận khi hai bên đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo sự thỏa thuận, vì chờ được công nhận bằng các văn bản của cơ quan công quyền có khi mất hàng tháng, thậm chí hàng năm (ví dụ như vấn đề chuyển nhượng đất đai, thủ tục cấp bìa có khi hàng năm).
Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi, có ý kiến đề nghị Tòa án không can thiệp sâu vào các vụ việc dân sự. Nếu Tòa án "Điều chỉnh hợp đồng để phân chia cho các bên thiệt hại và lợi ích phát sinh…" như Điều 443 của Dự thảo Bộ luật thì cần phải tăng biên chế gấp đôi mới thực hiện điều chỉnh được.
Về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu, so với Bộ Luật dân sự hiện hành thì Dự thảo Bộ luật đã quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba. Các ý kiến nêu lên đây là một trong những vụ án vẫn thường xảy ra, rất khó khăn trong xử án, người thứ ba ngay tình, nhưng theo Bộ luật Dân sự hiện hành thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu hóa và chủ sở hữu nhận lại được tài sản của mình. Vì thế quy định như Dự thảo là phù hợp.
Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, có ý kiến nên giữ nguyên quy định như Bộ luật Dân sự hiện hành (không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng), không tăng đến 200% như Dự thảo Bộ luật, dễ dẫn tới vấn nạn cho vay nặng lãi…
Thay mặt chủ trì hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Tư pháp đánh giá cao việc các đại biểu đã tham gia góp ý vào dự thảo một cách trọng tâm, cụ thể, đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục lấy ý kiến, tổng hợp gửi về Sở Tư pháp chậm nhất vào ngày 5/4. Sau đó, việc lấy ý kiến tiếp tục đến ngày 20/9/2015, nhưng gửi trực tiếp ra Bộ Tư pháp.
Trí Thức - Hội Nông dân tỉnh
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)