Thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh từ tỉnh đến cơ sở.
Hội Cựu chiến binh tỉnh hiện có 369 tổ chức hội cấp cơ sở với 76.714 hội viên, là một trong những tổ chức chính trị - xã hội có tỷ lệ tập hợp hội viên cao, đạt 97,72%; trong đó có 262 tổ chức cơ sở khối xã, phường, thị trấn và 107 tổ chức cơ sở khối 487 (Hội Cựu chiến binh trong cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước), 2.342 chi hội với 2.170 chi hội thuộc khối xã, phường, thị trấn và 172 chi hội thuộc khối 487.
Xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, sau khi có chủ trương của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường vụ Hội Cựu chiến binh tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đến tận các cấp Hội và toàn thể cán bộ, hội viên, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức học tập các chuyên đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh theo chủ đề từng năm. Thông qua học tập các chuyên đề, đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống, trong công tác và lao động sản xuất. Nhiều cán bộ, hội viên khối 487 nêu cao tính tiên phong, gương mẫu; đề cao tự phê bình và phê bình, tạo sự chuyển biến về lề lối, tác phong làm việc, xây dựng khối đoàn kết, phát huy dân chủ, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được phân công.
Chuyển từ “học tập” sang “làm theo” gương Bác, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã đề ra kế hoạch thực hiện với nhiều hình thức, cách làm cụ thể, thiết thực, trọng tâm là giúp nhau phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên. Bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp, các cấp hội đã chủ động xây dựng, phối hợp và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, chú trọng xây dựng mô hình kinh tế hộ bền vững, mô hình doanh nghiệp cựu chiến binh làm chủ, mô hình trang trại, tổ hợp tác... Năm 2013, thông qua các nguồn vốn vay, chủ yếu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, các cấp hội đã làm tốt vai trò ủy thác, tạo nguồn vốn lãi suất thấp cho hội viên vay 11,64 tỷ đồng, nâng tổng số dư nguồn vốn vay lên 481,106 tỷ đồng với 693 tổ vay vốn. Việc khai thác và quản lý tốt nguồn vốn vay đã tạo điều kiện giúp các hội viên nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 3.441 hội viên trong diện hộ nghèo (4,4%); các hội viên ở thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, Đức Thọ và 11 cơ sở hội ở các huyện khác cơ bản thoát nghèo. Cùng với đó, các chi hội đã vận động hội viên đóng góp xây dựng nguồn quỹ Hội đạt trên 15,870 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hội Cựu chiến binh tỉnh thường xuyên tổ chức cho cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài tỉnh; động viên các doanh nghiệp do cựu chiến binh làm chủ mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho con em hội viên và nhân dân địa phương. Toàn tỉnh hiện có 158 doanh nghiệp, 67 hợp tác xã, 81 tổ hợp, 663 trang trại, 887 gia trại do hội viên cựu chiến binh làm chủ đang làm ăn có hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đặc biệt có một số mô hình cho thu nhập 2 - 3 tỷ đồng/năm, tiêu biểu như mô hình chăn nuôi 100 con lợn gắn với làm kinh tế dịch vụ tổng hợp của cựu chiến binh Phạm Thái Đoài, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh; mô hình liên kết nuôi 150 con hươu của cựu chiến binh Trần Văn Sáng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng với doanh thu hàng năm từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 20 lao động của cựu chiến binh Nguyễn Văn Mại, thôn Tây Sơn, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà; trang trại tổng hợp gần 30ha đất rừng trồng cây nguyên liệu, gắn với chăn nuôi trâu, bò, dê cho thu nhập mỗi năm 500 triệu đồng của cựu chiến binh Lê Văn Bình, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân…
Phát huy truyền thống, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", Hội Cựu chiến binh từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Hội đã tổ chức phát động và ký giao ước thi đua tới các chi hội, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức hội và hội viên, động viên cựu chiến binh làm nòng cốt tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, dồn điền đổi thửa, thực hiện các tiêu chí về xây dựng hệ thống chính trị và giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể hiến kế, đóng góp ngày công, vận động gia đình các hội viên hiến đất làm đường giao thông nông thôn; đảm nhận tự quản các tuyến đường liên thôn, liên xóm, các tuyến giao thông nội đồng; tổ chức ra quân thu gom rác thải, bảo vệ môi trường... Từ năm 2010 đến nay, hội viên cựu chiến binh toàn tỉnh đã hiến 231.131m2 đất, phá bỏ 19.993m tường rào, 125 lều quán, ki ốt và 62.265 cây ăn quả, cây cổ thụ có giá trị kinh tế và đóng góp 27.789 ngày công, 1.659,2 triệu đồng; riêng Quý I năm 2014, hội viên các cấp đã tự nguyện hiến 13.252m2 đất, 572m tường rào, 20 lều quán, ki ốt, 601 cây có giá trị kinh tế cao…
Ngoài việc chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã nhận đỡ đầu xã Hương Long, huyện Hương Khê xây dựng nông thôn mới. Hội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ xã làm 10 nhà tình nghĩa đồng đội trị giá 400 triệu đồng; tặng 34 con bê cái giống, 1 bộ máy vi tính cùng hàng ngàn ngày công lao động. Trong phong trào vận động nhân dân di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm, các cấp Hội đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp bám sát địa bàn, vận động nhân dân, nhất là gia đình hội viên Hội Cựu chiến binh gương mẫu, đi đầu trong việc di dời, tái định cư, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đúng tiến độ, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cùng với đó, các cấp Hội Cựu chiến binh đã xung kích, đi đầu thực hiện tốt các phong trào ở địa phương, thường xuyên chăm lo công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng "thôn, xóm, khu phố an ninh, trật tự xã hội". Các tổ tự quản về an ninh trật tự ở 100% khu phố, thôn, xóm do cựu chiến binh làm nòng cốt duy trì hoạt động có hiệu quả. Năm qua, Hội đã phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức 1.357 buổi giáo dục truyền thống, giao lưu văn hóa văn nghệ thu hút 114.563 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia; tặng quà, động viên thanh niên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với số tiền 95 triệu đồng.
Với những hoạt động có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trong thời gian qua, các cấp Hội Cựu chiến binh tỉnh là một trong những đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị 03 - CT/TW, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân giữ vững ổn định chính trị, từng bước xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.
Thanh Lâm - VPTU
Tin mới cập nhật
- Phòng dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh: Tổng hợp sức mạnh của ý Đảng - lòng dân ( 24/04)
- Hà Tĩnh vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương sáp nhập xã ( 19/07)
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động ( 30/01)
- Hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ( 08/01)
- Tổ chức đoàn cần họp ít, nói thuyết phục, làm hiệu quả ( 08/01)
- Tăng cường quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh ( 04/01)