Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2014): Đồng chí Trần Phú - người cộng sản thông minh, dũng cảm, kiên cường
EmailPrintAa
08:44 11/04/2014

Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh ngày 1/5 năm Giáp Thìn, thời Vua Thành Thái (1904), quê ở làng Tùng Ảnh (Đức Thọ), sinh ra ở làng An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, khi thân phụ là cụ Trần Văn Phổ đang dạy học ở đây.

4 tuổi, Trần Phú mồ côi cha; 6 tuổi, mồ côi mẹ; lúc 9 tuổi, được chị gái đưa ra Quảng Trị, rồi vào Huế nuôi ăn học ở trường Đông Ba, Quốc học Huế - nơi Nguyễn Tất Thành đã học trước đó 10 năm. Cũng như Nguyễn Tất Thành, Trần Phú là học trò cụ Võ Liêm Sơn (quê Thiên Lộc, Can Lộc).

10 năm học ở cố đô Huế, Trần Phú được nhận học bổng vì học rất giỏi và có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Những hình ảnh trước đó của Nguyễn Tất Thành đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng Trần Phú. Một lần giáo sư dạy Sử người Pháp nói, đại ý: “An Nam là giống người hạ đẳng (?) trước sau vẫn chỉ là một nước lệ thuộc (nô lệ) hết Tàu đến Tây”, cả lớp kinh ngạc trước lời nói vô liêm sĩ của người thầy đội lốt “khai hóa văn minh”, riêng trò Trần Phú đứng dậy ôn tồn nói, đại ý: “Đó chỉ là một phần nhỏ của sự thật. Nước Việt Nam tuy bị Bắc thuộc gần ngàn năm nhưng vẫn là nước có lịch sử hàng ngàn năm chống xâm lăng để giữ nước. Một thi hào Pháp nói: “Xưa nay, Tổ quốc đều do kẻ áo rách giữ gìn và bị kẻ giàu bán rẻ”. Giáo sư Pháp nghe xong rất ngạc nhiên và khâm phục, dịu giọng: “Trò là người đầu tiên làm ta kính nể và e ngại”.

Thời gian dạy học ở Vinh (năm 1925), ông cùng với một số bạn bè trẻ tuổi như Lê Văn Huân, Trần Đình Thanh, Lê Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt… thành lập Hội Phục Việt, sau đổi thành Hội Hưng Nam, rồi đổi thành Việt Nam cách mạng Đảng, Tân Việt cách mạng Đảng.

Mùa hè năm 1926, Trần Phú được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc sáp nhập với tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập trước đó 1 năm. Mùa hè 1927, Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc cử sang học ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản tại Liên Xô cùng Nguyễn Văn Rục, Ngô Đức Tài, Bùi Công Trừng và một người tên Xích. Đồng chí Trần Phú lấy tên là Li-ki-vơ. Trong khi cả Nguyễn Ái Quốc và Trần Phú cũng như nhiều nhà hoạt động cách mạng khác ở nước ngoài, thì ngày 11/10/1929, Tòa án Nam Triều tại TP Vinh đã kết án tử hình vắng mặt cả 2 người và 5 người khác, trong đó có cả Hồ Tùng Mậu.

Một ngày sau phiên tòa trên, BCH Quốc tế Cộng sản gửi thư cho các nhóm cộng sản ở Đông Dương, nêu nhiệm vụ quan trọng hơn hết và tuyệt đối cần kíp là cần tổ chức một đảng duy nhất mới lãnh đạo cách mạng thành công. Cuối năm ấy, đồng chí Li-ki-vơ được giao nhiệm vụ đem chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về gặp Nguyễn Ái Quốc và đưa thư của Quốc tế Cộng sản kêu gọi tổ chức một Đảng Cộng sản Việt Nam để thống nhất lãnh đạo cách mạng trong nước.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Tháng 4/1930, Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước công tác, thực hiện “vô sản hóa” nhiều nơi. Tháng 7/1930, đồng chí được bầu vào BCH T.Ư lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí đã khởi thảo bản Luận cương chính trị (tại tầng hầm số nhà 90 Hàng Bông – Thợ Nhuộm) trên cơ sở kiến thức đã học ở Liên Xô.

Tháng 10/1930, đồng chí được Hội nghị T.Ư lần thứ nhất cử làm Tổng Bí thư của Đảng, đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương, khi Đảng đã có tới 2.500 đảng viên, 6.000 hội viên Công hội đỏ, 64.000 hội viên nông dân. Bản Luận cương chính trị đã được CHH T.Ư thông qua tại hội nghị này. Trung ương Đảng đã xuất bản báo “Cờ vô sản”, Tạp chí “Cộng sản”.

Sau hội nghị, Ban Thường vụ Trung ương chuyển trụ sở vào Sài Gòn. Đồng chí Trần Phú lãnh đạo các hoạt động cách mạng tại đây. Nhưng do bị chỉ điểm, ngày 18/4/1931, thực dân Pháp đã bắt đồng chí Trần Phú tại số nhà 66, đường Champagne, nay là đường Lý Chính Thắng (Sài Gòn). Dù bị tra tấn vô cùng dã man, độc ác, song Trần Phú vẫn kiên định không khai nửa lời và chúng đã đưa ra tòa án Sài Gòn xét xử, nhưng đồng chí đã biến phiên tòa thành nơi lên án kẻ thù, nêu cao uy tín của Đảng.

Mặc dù bị hành hạ dã man nhưng đồng chí không hề dao động, vẫn tìm mọi cách giáo dục chính trị cho các chính trị phạm và khẳng định: phải xây dựng Đảng vững mạnh để lãnh đạo khởi nghĩa đánh đổ thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do. Có lần Trần Phú nói với anh em trong tù: “Sau này nước nhà được độc lập, sẽ lấy lá cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ”.

Do sức khỏe có hạn, lại bị những trận đòn hóc hiểm của kẻ thù, ngày 6/9/1931, Tổng Bí thư Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Chợ Quán, sau khi nhắn lại với anh em đồng chí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Sau khi Trần Phú qua đời, Báo Vô sản – cơ quan của Lao động Đông Dương viết: “Tuy bị bọn sài lang đánh đập nhưng đồng chí đã không chịu hở ra một chút bí mật về Đảng, đồng chí Trần Phú rất lão luyện về lý thuyết và thực hành cách mạng…”. Tạp chí “Quốc tế cộng sản” viết: Tổng Bí thư của chúng tôi không còn nữa, nhưng những kỷ niệm về đồng chí sẽ sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân và trong mỗi trái tim của giai cấp công nhân Đông Dương từ thế hệ này qua thế hệ khác, sự nghiệp cách mạng, niềm tin và phẩm chất cao đẹp của đồng chí trong nhà tù đế quốc sẽ mãi mãi là tấm gương bất diệt cho những người cộng sản toàn thế giới, đặc biệt là những người cộng sản Đông Dương noi theo.

Nhớ lại lời nói của đồng chí Trần Phú, 9 năm sau đó, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh bên cạnh lá cờ búa liềm đã được Xứ ủy Nam kỳ giương cao trên mái đình xã Long Hưng (Mỹ Tho) và nhiều nơi khác trong cuộc khởi nghĩa tháng 11/1940, hiện nay là “Quốc kỳ” nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, những năm đầu của thế kỷ 21, thực hiện chiến lược phát triển KT-XH của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đạt mức tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH, nông nghiệp, nông thôn từng bước phát triển theo hướng sản xuất lớn. Nhiều công trình, dự án có quy mô lớn tầm khu vực và quốc gia triển khai, tạo bước phát triển đột phá về công nghiệp, dịch vụ trong những năm tới. Hà Tĩnh là tỉnh luôn đi đầu trong cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, công tác XĐGN, xóa nhà tranh tre dột nát cho hộ nghèo được đặc biệt quan tâm.

Hà Tĩnh xứng đáng là quê hương của Tổng Bí thư Trần Phú, người con kiên trung của đất nước, dân tộc.

La Sơn Thái

Hội Khoa học lịch sử Sơn La


    Ý kiến bạn đọc