Hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 - 1/5/2014): Tìm về cội nguồn nhân cách người cộng sản Trần Phú
EmailPrintAa
10:12 24/04/2014

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta - một tấm gương sáng về khí tiết người cộng sản. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí, chúng ta cùng suy ngẫm về cội nguồn của nhân cách người cộng sản tiền bối của Đảng.

1. Trần Phú sinh ra trong một gia đình trí thức phong kiến, theo Nho học và đỗ đạt. Cụ Trần Viết Tiến - ông nội của Trần Phú là người từng đỗ Tú tài kép. Cụ Trần Văn Phổ - thân phụ của Trần Phú là người thi đỗ Giải nguyên năm 1898. Cụ bà Hoàng Thị Cát - thân mẫu Trần Phú là con một nhà nho ở Châu Dương, Nghi Lộc, Nghệ An. Có thể nói, cả họ nội và họ ngoại của đồng chí Trần Phú đều là những gia đình có học, nền nếp. Đây là những nhân tố đầu tiên tác động tới Trần Phú và các anh, chị, em trong gia đình; là môi trường giáo dục tốt giúp họ sớm ý thức được việc gắng sức học hành để sau này lập nghiệp, giúp ích cho người, cho đời.

6 tuổi, Trần Phú mồ côi cả cha lẫn mẹ nên sống nhờ sự cưu mang đùm bọc của anh chị em và những người thân. Hoàn cảnh ngặt nghèo ấy buộc anh sớm có ý thức chịu đựng gian khổ, cần cù, tự lực. Vì thế, Trần Phú càng nhận rõ sự áp bức bất công của chế độ thực dân phong kiến; sớm ý thức được tinh thần đoàn kết cộng đồng trong cuộc đấu tranh đòi quyền sống, tự do, bình đẳng.

2. Tùng Ảnh - quê hương Trần Phú là nơi hội tụ của hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Có lẽ cũng rất ít nơi có nhà thờ Khổng Tử(1) như làng Tùng Ảnh. Theo “Phong thổ chí” của Bùi Dương Lịch nửa đầu thế kỷ XVII thì đây là nơi tụ hội của khí đất, khí trời, mạch nước, con người. Hà Tĩnh cũng là nơi có khí hậu khắc nghiệt và vị trí xung yếu chiến lược; con người luôn phải đương đầu với thiên tai, địch họa nên sớm ý thức được trách nhiệm cộng đồng, có chí vươn lên và sự cần mẫn, chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất đã hun đúc nên truyền thống yêu quê hương, đất nước, kiên cường, dũng cảm, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược.

Hà Tĩnh là quê hương của nhiều lãnh tụ yêu nước, nhiều bậc hiền tài. Chính từ trong cuộc chiến đấu chống thiên tai địch họa, con người đã xích gần lại nhau, gắn kết với nhau chặt chẽ. Một nhân cách chung là người Hà Tĩnh rất trọng đạo lý, lẽ phải, sống thủy chung, tình nghĩa. Và, tất cả những điều đó đã tác động mạnh mẽ tới quá trình hình thành nhân cách của đồng chí Trần Phú.

3. Xem xét quá trình hình thành quan điểm, tư tưởng, nhân cách của một nhà chính trị thì điều không thể không nói tới là những yếu tố của thời đại. Trần Phú sinh ra và lớn lên khi những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào cách mạng vô sản đã bùng nổ khắp nơi. Thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại là sự mở đầu một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản tháng 3/1919, sau đó là sự xuất hiện các đảng cộng sản của một số nước trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam càng thúc đẩy phong trào cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ.

Chủ nghĩa Mác - Lênin cùng những sách báo cách mạng do Nguyễn Ái Quốc và Quốc tế Cộng sản truyền về đã thức tỉnh và lôi cuốn một bộ phận không nhỏ thanh niên yêu nước Việt Nam, trong đó Trần Phú theo lý tưởng thời đại. Trần Phú đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt, sau này chịu ảnh hưởng tư tưởng quan điểm của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo. Trần Phú đã trở thành học trò của Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1926.

Được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mátxcơva, có lý luận Mác - Lênin chính quy, bài bản; càng củng cố lòng tin của Trần Phú vào con đường Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn. Đây là nhân tố quyết định trực tiếp để Trần Phú từ một người yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản.

4. Tuy nhiên, mọi tác động khách quan đều không thể thay thế được yếu tố nội tại trong con người Trần Phú. Trần Phú là một con người thông minh, say mê học tập, một thầy giáo tận tuỵ, sớm nuôi chí lớn giúp dân, giúp nước. Đỗ đầu kỳ thi Thành chung tại Trường Quốc học Huế, anh đã từ chối việc làm quan,“vinh thân tề gia” để bước vào đời với nghề dạy học. Thầy giáo Võ Liêm Sơn, người rất quý mến anh đã khuyên: “Thầy mãi 25 tuổi mới đỗ Thành chung. Con đã đỗ sớm hơn thầy nhiều. Nhưng thầy hy vọng con sẽ có con đường đi khác với con đường mà lớp người như thân sinh con đã đi” (2).

Trước lúc rời quê hương đi học lý luận cách mạng, Trần Phú đã bày tỏ với người anh trai một điều hệ trọng: “Em đi tìm “vàng”, khi nào có kết quả em sẽ về thăm anh chị” (3). Đến Trường Đại học của Quốc tế Cộng sản, anh là một học viên xuất sắc, được tổ chức giao làm bí thư nhóm học viên Việt Nam ở trường. Như vậy, có thể thấy rằng, ở đâu Trần Phú cũng thể hiện rõ tư chất một con người thông minh, hiếu học, nuôi chí lớn để lập thân, lập nghiệp.

Là người con của quê hương có truyền thống yêu nước, chứng kiến cảnh uất ức của gia đình và cuộc sống cơ cực hàng ngày của người dân, Trần Phú đã sớm nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, căm thù giặc, quyết tâm “trả thù nhà, đền nợ nước”. Thời gian làm thầy giáo, Trần Phú không chỉ dạy chữ mà còn chăm lo dạy người. Anh truyền tâm huyết cho học sinh về đạo làm người, lòng nhiệt thành cách mạng, tinh thần yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Công việc dạy học đã giúp anh có thêm điều kiện tiếp xúc và tham gia hoạt động xã hội, giác ngộ chính trị.

Trở thành Tổng Bí thư của Đảng là sự kiện quan trọng thể hiện bước trưởng thành lớn trong cuộc đời, Trần Phú không đắn đo suy tính, bởi mục đích cao nhất của anh là làm cách mạng. Khi phải đối mặt với những tên thực dân khét tiếng, Trần Phú hiên ngang thừa nhận mình là Tổng Bí thư của Đảng. Trước giờ phút lâm chung, anh chỉ mong sao các đồng chí của mình “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh và 83 năm đồng chí Trần Phú về chốn vĩnh hằng, một lần nữa chúng ta càng thấy tự hào về lý tưởng và hình ảnh cao đẹp của anh; càng thấy trong nhân cách của anh kết tinh trọn vẹn những tinh hoa của truyền thống gia đình, quê hương, hài hòa trong bối cảnh chung của thời đại.

————

(1) Xem Làng cổ Hà Tĩnh. Hội Liên hiệp VHNT và Sở VHTT Hà Tĩnh, 2000, trang 380

(2) Xem Địa chí huyện Đức Thọ, Nxb Lao động, Hà Nội 2004, trang 638

(3) Tổng Bí thư Trần Phú với quê hương Đức Thọ. Huyện ủy Đức Thọ, 2004, trang 151

TRẦN QUANG TRUNG


    Ý kiến bạn đọc