Hưởng ứng ngày thế giới Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (16/11): "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại"
EmailPrintAa
15:24 17/11/2014

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của khoảng 1,2 triệu người và làm bị thương khoảng 50 triệu người, để lại hậu quả to lớn, dai dẳng cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội phát triển của cộng đồng, quốc gia dân tộc.
 

Xây dựng văn hóa giao thông ảnh minh họa từ Internet

 

Để nhắc nhở mọi người luôn ý thức về hiểm họa tai nạn giao thông, năm 1993, Tổ chức Hoà bình đường bộ (Road Peace) đã khởi xướng Ngày thế giới tưởng nhớ các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT). Trên cơ sở đó, tháng 10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT” trên phạm vi toàn cầu. Đây là năm thứ 3, Ủy ban an toàn Quốc gia (UBATQG) phối hợp với các bộ, ban, ngành, các tôn giáo ở Việt Nam thực hiện chuỗi các hoạt động hưởng ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT, hướng tới chương trình "Thế kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2011-2020" theo Nghị quyết Hội đồng Liên hợp quốc. Theo số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, trong mười tháng qua (năm 2014), cả nước đã xảy ra 20.801 vụ tai nạn giao thông, làm 7.475 người chết, làm bị thương 19.973 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 3.568 vụ (-14,64%), giảm 337 người chết (-4,31%), giảm 4.414 người bị thương (-18,1%). Việc giảm thiểu được TNGT trên cả 3 tiêu chí từ đầu năm đến nay cho thấy sự quyết liệt của hệ thống chính trị, ý thức của người tham gia giao thông, nỗ lực của các ngành chức năng và đảng bộ, chính quyền các địa phương trong thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông được nâng lên đáng kể. Mặc dầu vậy, việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu TNGT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. TNGT vẫn là nỗi kinh hoàng đem lại nhiều mất mát cho nạn nhân và người thân của họ cũng như ngân sách quốc gia phải khắc phục hậu quả. Tính bình quân mỗi ngày, toàn quốc có 76 vụ tai nạn giao thông làm 27 người chết và 73 người bị thương. Đáng tiếc, ngay trong ngày diễn ra lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do TNGT (tối 10/11) đã diễn ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng khắp cả nước như ở Nghệ An xe tải băng qua đường ngang dân sinh giao với đường sắt không có rào chắn đã bị tàu hàng đâm lật cắm đầu xuống ruộng; Một vụ va chạm trên Quốc lộ 5 đoạn qua tỉnh Hải Dương khiến một xe khách va vào giải phân cách và một xe trộn bê tông mất lái lao vào 1 quán cà phê ven đường; Tại phố Bà Triệu - Hà Nội một ô tô gây tai nạn liên hoàn làm 1 người tử vong và 1 vụ tai nạn đường thủy do tàu hàng đâm nhau làm 8 thuyền viên mất tích...

Tuần lễ tưởng niệm nạn nhân TNGT năm nay diễn ra từ ngày 10-16/11 với chủ đề "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại" đã được nhiều cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT, thăm hỏi, động viên nạn nhân và các gia đình nạn nhân TNGT. UBATQG phối hợp các bộ, ban, ngành và các tôn giáo đã tổ chức lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong với trên 5000 người tham gia và sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân TNGT vào ngày 16/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dịp để các bộ, ban, ngành, mỗi người dân bày tỏ niềm tiếc thương, tưởng nhớ đến các nạn nhân tử vong do TNGT vừa  nhằm cảnh báo cho toàn xã hội về nguyên nhân, nguy cơ, hậu quả to lớn, lâu dài của tai nạn giao thông tại Việt Nam; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần thực hiện mục tiêu tiếp tục giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT, đồng thời, kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, khó khăn của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT.

Thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại" của UBATQG là sự sẽ chia, động viên, cầu mong cho linh hồn của nạn nhân không may tử vong siêu thoát, đồng thời kêu gọi mỗi người dân, mọi tổ chức cá nhân hãy hành động vì những người đang sống bằng việc trang bị văn hóa giao thông, ứng xử đúng đắn khi tham gia giao thông, thường trực ý thức thực hiện "3 phải" (phải đi đúng làn đường, giảm tốc độ từ đường phụ ra đường chính, đội mũ bảo hiểm đúng quy định khi điều khiển mô tô, xe gắn máy) và "3 không" (không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, không chở quá người quy định, không phóng nhanh vượt ẩu) khi tham gia giao thông. Riêng, ở Hà Tĩnh, sáng ngày 10/11, các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn sau lễ chào cờ đều đã giành một phút mặc niệm cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông và gửi những thông điệp ý nghĩa nêu cao ý thức chấp hành luật an toàn giao thông cho mọi người. Ban an toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hưởng ứng tuần lễ tưởng niệm nạn nhân TNGT.

Hương Phan


    Ý kiến bạn đọc