Huyền thoại Trường Sơn (Bài 2): Con đường của lứa tuổi 20
EmailPrintAa
15:57 25/07/2013

Trong bài “Nước non ngàn dặm”, nhà thơ Tố Hữu có viết: "Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/ Trường Sơn, vượt núi băng sông/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn, Đông nắng, Tây mưa/Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình". Những câu thơ hào sảng ấy cứ văng vẳng bên tai tôi trong hành trình đến với con đường huyền thoại, đường 20 – Quyết Thắng. Một chuyến đi dọc theo dải Trường Sơn hùng vĩ, lắng nghe đại ngàn thì thầm kể về một thời chưa xa, cha anh chúng ta lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

>> Huyền thoại Trường Sơn (Bài 1): Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao...

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Trong lần trở lại thăm chiến trường xưa, dâng hương tại đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20, Tướng Phan Khắc Hy - nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 đã xúc động nói: “Con đường rọc ngang dãy Trường Sơn này chứa trong nó một quá khứ rất đỗi hào hùng, bi tráng. Trong khốc liệt chiến tranh, chính sức trẻ, ý chí kiên cường không ngại khó, ngại khổ, chẳng tiếc máu, xương của bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến... đã dệt nên những chiến công, trở thành huyền thoại. Mà huyền thoại là bất tử, trường tồn”.

Năm 1965, lực lượng vận chuyển bằng xe cơ giới của Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn theo đường 12A qua Tây Trường Sơn thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt tại túi nước Xiêng Phan (Lào). Đoạn từ Pắc Pha Năng đến bản Na Nô - Na Nhom ngập sâu trên 6m vào mùa mưa khiến hàng trăm xe ô tô bị ùn tắc. Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định mở một con đường mới tránh túi nước Xiêng Phan. Một tuyến đường từ Đông Trường Sơn qua Tây Trường Sơn đến Lùm Bùm (thuộc tả ngạn Noọng Cà Đen) kết nối với đường 128 rồi nhập vào đường 9 chi viện cho chiến trường miền Nam. Tuyến đường rọc ngang Trường Sơn được chọn và sau này đi vào huyền thoại với cái tên đường 20 - Quyết Thắng.

May mắn cho chúng tôi khi được gặp bà Trương Thị Xuân Vui trong căn nhà nhỏ tại TP Đông Hà (Quảng Trị) khi thực hiện loạt phóng sự về đường Trường Sơn. Bà Vui thuộc Đại đội 263 TNXP, một trong những đơn vị trực tiếp “Rọc ngang Trường Sơn mở đường ra tiền tuyến”.

Đúng 17h30’, ngày 30 Tết Bính Ngọ (1966), Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát lệnh chiến dịch mở đường mang tên “Chọc thẳng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Mọi người nhận được lệnh khẩn khi đang chuẩn bị một ít lương khô, gói vội vài cái bánh chưng đón tết” – bà Vui kể.

Với 2 hướng chính Đông – Tây, đồng thời khởi công, huy động trên 4.800 CBCS tham gia, sau 77 ngày đêm lao động khẩn trương, 2 mũi chủ công gặp nhau tại Km 65 vào ngày 14/4/1966. Các lực lượng công binh, TNXP tiếp tục san ủi, hoàn chỉnh mặt đường cho đến cuối tháng 5/1966 mới thực sự đưa vào sử dụng. Tuyến đường rọc ngang Trường Sơn có chiều dài 125 km, khởi điểm từ thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch (Bố Trạch) và điểm cuối tại ngã ba Lùm Bùm.

Chỉ biết chiến tranh qua những cuốn sách, những thước phim, nhưng tôi cũng hình dung được phần nào sự khốc liệt của bom đạn qua câu chuyện của ông Cao Ngọc Tành – Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Quảng Bình, người từng có mặt trong chiến dịch mở đường 20: “Sau khi mở đường 20 thắng lợi, chúng ta tiếp tục xây dựng thêm các tuyến 20B, 20C, 20D, tuyến đường kín cho xe cơ giới chạy ngày... Binh trạm 14 chính là đơn vị phụ trách đường 20. Với thành tích xuất sắc trong 7 năm bám đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu (1966-1973), Binh trạm 14 vinh dự có 8 tập thể và 8 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVT”.

Tác giả tác nghiệp tại Nghĩa trang TNXP huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)

Phát hiện đường 20 là một trong những tuyến giao thông huyết mạch thuộc hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam, từ năm 1965-1972, đế quốc Mỹ điên cuồng dội bom đánh phá hủy diệt con đường huyết mạch này. Mỗi cung đường, địa danh trên đường 20 trở thành một tọa độ lửa, trong đó cua chữ A thuộc trọng điểm ATP (gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pulanhic) là một trong số 42 điểm địch đánh phá ác liệt nhất. Tại trọng điểm này, giặc Mỹ huy động 3.020 lần máy bay đánh phá, oanh tạc 20.600 quả bom phá, 790 quả bom sát thương, 3.400 loạt bom bi, 216 quả bom cháy.

Với khẩu hiệu “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, hàng vạn bộ đội, TNXP, dân công quyết bám trụ trên tuyến lửa. Trong 7 năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt, trên đường 20 - Quyết Thắng đã có 552 liệt sỹ anh dũng hy sinh, hàng ngàn người khác mang trong mình thương tích suốt đời để dệt nên những huyền thoại bất tử.

Hang Tám Cô – huyền thoại bất tử

Trong hành trình đến với con đường huyền thoại - đường 20 – Quyết Thắng, có lẽ xúc động nhất vẫn là câu chuyện bên đền thờ 8 TNXP. Tôi đã nghe kể về sự hy sinh của các anh chị TNXP, nhưng mỗi lần nghe lại vẫn bồi hồi xúc động.

Đền thờ 8 liệt sỹ TNXP

Chiều 14/11/1972, B.52 rải thảm dọc tuyến đường 20. Tiểu đội TNXP 163 thuộc Ban 67 đang bám đường gồm các anh, chị: Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Lương, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Đỗ Thị Loan, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Mai chạy vào một hang đá bên đường trú ẩn. Một loạt bom nổ làm 5 chiến sĩ pháo binh hy sinh trước cửa hang kèm theo một tảng đá nặng hàng ngàn tấn trên cao đổ ập xuống bịt kín miệng hang... Đồng đội tìm mọi cách cứu các anh chị ra nhưng đều bất lực, chỉ có một giải pháp duy nhất là luồn ống nhựa qua kẽ nứt rồi đổ cháo loãng vào với chút hy vọng mong manh kéo dài sự sống cho họ. Cách nhau một vách đá, đồng đội bên ngoài nghe rõ tiếng kêu cứu trong hang vọng ra... Tiếng kêu yếu dần, đến ngày thứ 9 thì chìm vào im lặng.

Cả tôi và rất nhiều du khách khi đặt chân đến đường 20 đều có chung một băn khoăn: “Vì sao gọi là hang Tám Cô khi 8 liệt sỹ TNXP hy sinh ngày 14/11/1972 lại có 4 nam và 4 nữ?”. Buổi chiều của 41 năm sau sự kiện 8 liệt sỹ TNXP hy sinh tại Km16+200, tôi kính cẩn thắp những nén hương ở đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 và hang 8 TNXP và nghe anh Lê Thanh Lương - cán bộ phụ trách đền thờ giải thích. Lúc đó, bám trụ trên đường 20, lực lượng TNXP chủ yếu đến từ tỉnh Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình bây giờ). Tám nữ TNXP chốt tại hang đá thuộc Km16 trên đường 20 thời điểm này quê ở Hà Nam Ninh. Bộ đội, TNXP hành quân qua đây, ai đó gọi tên hang Tám Cô... Theo thời gian, tên gọi trở thành địa danh. Khi 8 TNXP quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa) hy sinh tại hang đá này, đồng đội các anh, các chị không muốn đổi tên.

Tảng đá được lấy từ Thanh Hóa, quê hương của những liệt sỹ TNXP hy sinh tại hang tám cô

Huyền thoại đường 20 - Quyết Thắng, huyền thoại hang Tám Cô tiếp nối nhau, xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, chảy vào tương lai, thành một minh chứng hào hùng của tuổi trẻ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, hang Tám Cô, phà Xuân Sơn, phà Long Đại... là những tượng đài bất tử của TNXP thời kỳ chống Mỹ.

Lối rẽ về hiện tại

Đường 20 - Quyết Thắng năm xưa, nay là con đường nhựa phẳng lì, uốn lượn xuyên giữa bạt ngàn màu xanh của cao su, của tràm và những cánh rừng già. Đường “ngon”, anh tài xế chẳng mấy chốc đưa chúng tôi đến Tân - Thượng Trạch, 2 xã miền núi của huyện Bố Trạch, nơi con đường 20 vắt qua cửa khẩu Ka Roong sang đất bạn Lào. Không kịp mời vào trú sở để chuyện trò, khi thấy nhà báo đến thăm, ông Đinh Hợp – Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch vội dắt ngay ra đoạn đường đang thi công mà khoe: Mai mốt đường vào bản Ka Roong và bản Cồn Roàng sẽ là đường nhựa bóng nhoáng. Dân bản sẽ không phải đi trên con đường lầy lội đất đỏ nữa! Thượng Trạch cũng nhờ thế mà có điều kiện phát huy tiềm năng, ưu thế của các xã biên giới, góp phần mở rộng, giao lưu buôn bán, cải thiện cuộc sống cho nhân dân. Đời sống của đồng bào dân tộc các xã vùng cao Tân – Thượng Trạch cũng đã bước sang trang mới, đáng tự hào...

Dâng hương tại Đền thờ 8 liệt sỹ TNXP

Con đường 20 xưa là mạch máu giao thông đưa người và hàng ra tiền tuyến thì nay là mạch máu giao thương của huyện Bố Trạch. Theo ông Phan Văn Gòn - Chủ tịch UBND huyện, chính quyền và nhân dân Bố Trạch đang chung lưng đấu cật, tranh thủ mọi thời cơ để vượt qua khó khăn, thách thức. Các chương trình KT-XH trọng điểm được xây dựng và lồng ghép triển khai thực hiện hiệu quả như: chương trình phát triển nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, đề án phát triển cao su tiểu điền, chăn nuôi, kiên cố hóa kênh mương, cứng hóa đường GTNT... Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã tạo nên “cú hích” mạnh mẽ, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn Bố Trạch.

Không còn nữa những con đường bụi mù trong ngày nắng và lầy lội ngày mưa. Thay vào đó là những con đường rải nhựa, đường bê tông thẳng tắp chạy về tận từng thôn xóm. Điện, trường, trạm, chợ, nhà văn hóa xã, thôn... khang trang. Lên rừng xuống biển, nông dân Bố Trạch thỏa chí vẫy vùng. “Vàng trắng” (cao su) miền Tây, của ngon vật lạ phía biển Đông, tiềm năng du lịch từ Phong Nha – Kẻ Bàng, đồng bằng dẫu không thẳng cánh cò bay nhưng đã đem lại những mùa vàng bội thu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Bố Trạch là địa phương có nhiều mô hình hay cho các huyện bạn học tập. Và còn nhiều nữa những đổi thay trên quê hương Bố Trạch.

Trong hành trình đến với con đường Trường Sơn huyền thoại, trong tôi cứ trào dâng những cung bậc cảm xúc giữa quá khứ xen lẫn với hiện tại. Nhưng có lẽ nốt thăng trong những cung bậc đó chính là phẩm chất anh hùng bất khuất, ý chí kiên cường của những con người trong quá khứ và hiện tại. Xin nhắc lại những câu trong bài phú của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu khắc tại đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 như một lời truy niệm: Tuổi hai mươi nguyện hiến non sông/ Đường trăm trận sá gì sống chết/ Tỏ cùng trời đất tấm trung can/ Giải với non sông bầu nhiệt huyết... Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi mãi trường tồn/ Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt”.

(Còn nữa...)


    Ý kiến bạn đọc