Kết quả 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cơ sở ở Hà Tĩnh
EmailPrintAa
16:10 17/05/2013

Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội, tháng 7 - 1998, Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trên cơ sở đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) ra đời và đã trở thành một phong trào mang ý nghĩa chính trị - văn hóa - kinh tế - xã hội sâu sắc và rộng lớn, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Phong trào là động lực quan trọng nhằm tuyên truyền, giáo dục, tạo điều kiện cho sự phát triển văn hoá trong thời kỳ mới.

Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở cơ sở và thu được những thành tựu quan trọng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cộng đồng dân cư, tạo bước đột phá làm thay đổi nhanh chóng diện mạo đời sống từ thành thị đến nông thôn. Phong trào thực sự góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, giữ vững quốc phòng - an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 

Mười lăm năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh xuống cơ sở, tạo cho nhân dân có điều kiện tham gia, tổ chức và hưởng thụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Các trang thiết bị như sách, báo, thông tin điện tử, thiết bị vui chơi giải trí, tập luyện thể thao được quan tâm đầu tư. Các phong trào thi đua yêu nước như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Khuyến học, khuyến tài”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”, “Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ”, “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Dạy tốt học tốt”, “Lương y như từ mẫu”, “Xây dựng gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, Khối phố văn hoá”… được phát động và tổ chức rộng khắp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.

 Đến nay, các làng, xã, khối phố được công nhận văn hóa đều có nhà văn hoá thôn diện tích từ 70m2 đến 100m2, đặc biệt có những nhà văn hoá xây dựng lớn từ 150 - 250m2 như ở các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, ... Nhiều địa phương đã quan tâm dành quỹ đất cho nhà văn hoá thôn, xóm, khối phố như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ… có nơi diện tích khuôn viên từ 500 - 1000m2. 155 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn; 2.367 nhà văn hoá xóm, thôn, khối phố; 693 cổng làng; 1704 cụm pa nô áp phích; 1.497 cổng chào, biển tường; 1.407 tủ sách, thư viện; 5.197 sân chơi thể thao bóng đá, bóng chuyền, cầu lông …; 297 cụm truyền thanh, 2.359 bộ loa máy; 994 đội văn nghệ, 887 câu lạc bộ văn hóa, 670 câu lạc bộ một môn và đa môn… Toàn tỉnh hiện có 13 đội Thông tin cổ động. Đây chính là thế mạnh của hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng để tuyên truyền cổ động, truyền bá, cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân, là công cụ sắc bén trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị của Đảng và chính quyền các cấp, các địa phương và cơ sở. 

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; nâng cao ý thức tự quản cộng đồng; huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cộng đồng; thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đến nay, tỉnh ta đã có 249.250/342.929 số hộ đạt gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 72,68%, tăng 19,1% so với năm 1998. Có 1.005/2.287 làng văn hoá, khối phố, thôn, tổ dân phố văn hóa, đạt tỷ lệ 43,94%; có 198/229 đơn vị văn hóa, đạt tỷ lệ 86,46%.

Hiệu quả xã hội rõ nét nhất là ở những địa phương có phong trào tốt, diện mạo kinh tế - xã hội từng bước được đổi mới. Đời sống kinh tế của nhân dân không ngừng được cải thiện, số hộ giàu ngày một tăng lên, số hộ nghèo giảm. Cơ sở vật chất và các thiết chế sinh hoạt văn hóa được kiện toàn; cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Các chỉ tiêu về y tế, giáo dục được thực hiện tốt, không có tệ nạn xã hội. Các giá trị văn hóa cổ truyền được phát huy và có tác dụng động viên nhân dân tham gia tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa - xã hội. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân sống có kỷ cương, nền nếp, tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân. Nếp sống và làm việc theo pháp luật được hình thành và trở thành một trong những tiêu chuẩn để đánh giá và công nhận danh hiệu văn hóa. 

Với những kết quả đạt được cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân; làm cho văn hóa thấm sâu vào mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc và trở thành thước đo giá trị về chất lượng cuộc sống, sự phát triển nhân cách con người, về nét đẹp trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định, tạo đà cho sự gia tăng phát triển kinh tế ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng phong trào TDĐKXDĐSVH ở tỉnh ta trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Đó là sự xâm nhập của các luồng văn hóa phẩm độc hại và hiện tượng lai căng, xem nhẹ các giá trị văn hoá truyền thống, đạo đức xã hội bị xói mòn, đề cao lối sống thực dụng, vị kỷ… ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hoá lành mạnh của nhân dân cũng như việc giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc.

Để văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế, cần quan tâm thực hiện tốt một số biện pháp sau:

- Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa; thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí; phối hợp với các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm văn hóa du nhập từ bên ngoài vào dưới mọi hình thức.

- Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội ở những ngành nghề kinh doanh nhạy cảm như vũ trường, quán bar, nhà hàng, khách sạn, karaoke và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật gây phản cảm, trái với thuần phong, mỹ tục dân tộc và truyền thống của địa phương.

- Nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động văn hóa cho cán bộ văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở; tập huấn kỹ năng kinh doanh theo hướng lành mạnh cho chủ các cơ sở kinh doanh những ngành nghề nhạy cảm thuộc lĩnh vực dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao và du lịch. 

- Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan tham gia tổ chức, quản lý xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở. Phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân, từng gia đình, mỗi cộng đồng dân cư và toàn xã hội lên án mạnh mẽ những tư tưởng, hành vi sai trái, bài trừ mọi hình thức văn hóa độc hại, thường xuyên đề cao cảnh giác, đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá để xây dựng một môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh./.

An Thanh - VPTU


    Ý kiến bạn đọc